Úc: Ông Assange được ‘tự do về nhà’ sau khi thách thức pháp lý kết thúc
Thủ tướng Scott Morrison hôm 5/1 nói rằng ông Julian Assange sẽ được “tự do trở về nhà” ở Úc sau khi các thách thức pháp lý chống lại ông được xử lý. Tuyên bố của thủ tướng Úc được đưa ra sau khi một tòa án ở Anh từ chối yêu cầu dẫn độ người sáng lập Wikileaks sang Hoa Kỳ, theo Reuters.
Trước đó, hôm 4/1, một thẩm phán Anh đã ngăn chặn yêu cầu dẫn độ của Hoa Kỳ, nơi ông Assange bị buộc phải đối mặt với các cáo buộc hình sự bao gồm vi phạm luật gián điệp. Thẩm phán Anh nói rằng các vấn đề sức khỏe tâm thần của ông Assange đồng nghĩa với khả năng ông có nguy cơ tự sát.
Bộ tư pháp Hoa Kỳ cho biết họ sẽ tiếp tục đưa yêu cầu dẫn độ ông Assange lên các công tố viên để kháng cáo phán quyết lên Tòa án Tối cao ở London.
“Hệ thống tư pháp đang xử lý và chúng ta không phải là một bên trong đó”, Reuters dẫn lại lời Thủ tướng Morrison nói với đài phát thanh địa phương 2GB. “Cũng như bất kỳ người Úc nào, họ được hỗ trợ lãnh sự và như bạn biết đấy, nếu kháng cáo không thành công, rõ ràng là anh ta có thể trở lại Úc như bất kỳ người Úc nào”.
Ông Assange, 49 tuổi, bị Hoa Kỳ cáo buộc 18 tội danh từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, liên quan đến việc WikiLeaks tiết lộ hồ sơ quân sự bí mật của Mỹ và các bức điện ngoại giao mà họ cho rằng có nguy cơ đe dọa tính mạng.
Tuy nhiên, những người ủng hộ Assange xem ông như một người hùng chống lại định chế và trở thành nạn nhân vì ông đã vạch trần hành động sai trái của Hoa Kỳ ở Afghanistan và Iraq. Những người này nói rằng việc truy tố ông là một cuộc tấn công có động cơ chính trị nhằm vào báo chí và tự do ngôn luận.
WikiLeaks đã trở nên nổi tiếng sau khi công bố một video quân sự của Mỹ vào năm 2010 cho thấy một cuộc tấn công năm 2007 bằng trực thăng Apache ở Baghdad khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có hai nhân viên của hãng tin Reuters.
Sau đó, trang web này tiếp tục công bố hàng ngàn tập tin và điện tín ngoại giao mật của Mỹ.
Mexico hôm 4/1 đưa ra đề nghị cho ông Assange tị nạn chính trị, một động thái có thể sẽ khiến Hoa Kỳ tức giận. (VOA)