Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc, Mỹ cần chuẩn bị cho các cuộc tấn công hạt nhân có thể xảy ra


Một báo cáo mới đây cho biết, chính phủ Úc nên chuẩn bị cho viễn cảnh một cuộc tấn công hạt nhân từ Nga hoặc Trung Quốc, đồng thời kêu gọi chính phủ Úc cần tham gia nhiều hơn nữa vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng và sự ép buộc kinh tế của Bắc Kinh.

Bức ảnh chụp năm 1970 này cho thấy một vụ thử hạt nhân của Pháp tại Mururoa, Polynesia thuộc Pháp. Các nhà nghiên cứu đã thiết lập mối liên hệ giữa các vụ thử hạt nhân của Pháp trên biển Thái Bình Dương vào cuối những năm 1960 và tỷ lệ mắc ung thư tuyến giáp cao ở Polynesia. Hình Getty

Bản báo cáo có tiêu đề “Những tác động địa chính trị của việc Nga xâm lược Ukraine” (The Geopolitical Implications of Russia’s Invasion of Ukraine) cho biết, miền Bắc nước Úc hiện đang đối mặt với một nguy cơ lớn hơn do trật tự chiến lược châu Âu sụp đổ, rất có thể sẽ leo thang thành “một cuộc chiến tranh lớn ở châu Âu” liên quan đến Trung Quốc.

Giáo sư Paul Dibb thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc cho biết: “Nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân hiện cao hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ Chiến tranh Lạnh. Vào thời kỳ đỉnh cao của sự bế tắc về ý thức hệ đó, từng có nhiều thỏa thuận kiểm soát vũ khí chặt chẽ hơn giữa Mỹ và Liên Xô. Bên cạnh đó, có một mạng lưới các phương thức liên lạc cũng như tín hiệu chính thức và không chính thức khác không còn tồn tại cho đến nay. Chúng từng được sử dụng như biện pháp răn đe đối với mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân”.

“Các nhà chức trách Nga đã nói rõ rằng Pine Gap là một mục tiêu ưu tiên. Chúng ta cần hiểu rõ những tác động có thể xảy ra đối với Alice Springs, một thị trấn có 32.000 dân chỉ cách căn cứ này 18 km”, ông cho biết.

Giáo sư Paul Dibb thuộc Viện Chính sách Chiến lược Úc. Hình AAP

Pine Gap là một cơ sở quân sự chung ở Lãnh thổ phía Bắc nước Úc. Đây là một trung tâm liên lạc quan trọng đối với các đồng minh phương Tây cũng như Hoa Kỳ và Vương quốc Anh.

Ông Dibb kêu gọi chính phủ liên bang Úc bắt đầu các cuộc thảo luận nghiêm túc với Mỹ về cách các đồng minh dân chủ ngăn chặn một cuộc tấn công hạt nhân.

“Chúng ta cần lập kế hoạch trên cơ sở Pine Gap tiếp tục là một mục tiêu hạt nhân, và không chỉ đối với Nga. Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, Pine Gap có khả năng bị can dự nhiều. Chúng ta cần nhớ rằng Pine Gap là một yếu tố cơ bản quan trọng trong cuộc chiến của Hoa Kỳ và ngăn chặn xung đột”.

World Solar Challenge -cuộc đua xe chạy bằng năng lượng mặt trời 3,000 km giữa Darwin và Adelaide. Hình Getty

NATO cần thiết cho An ninh Châu Á – Thái Bình Dương

Ông Dibb cũng kêu gọi chính phủ liên bang tham gia nhiều hơn vào Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với lý do, “Châu Âu và Úc hiện nay về cơ bản có chung quan điểm về những nỗ lực của Trung Quốc trong việc thống trị toàn cầu”.

Điều này diễn ra sau khi NATO tuyên bố hồi tháng 4 rằng họ sẽ can dự vào khu vực châu Á – Thái Bình Dương để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng và sự ép buộc kinh tế của Bắc Kinh.

Sau cuộc họp giữa các bộ trưởng ngoại giao NATO vào ngày 07/4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, những tác động toàn cầu của cuộc xung đột Ukraine đã thúc đẩy tổ chức này lần đầu tiên tăng cường can dự với châu Á-Thái Bình Dương.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ, vào ngày 27/6/2022. Hình AFP/Getty

“Chúng tôi thấy rằng Trung Quốc không sẵn sàng lên án hành động xâm lược của Nga. Và Bắc Kinh đã cùng với Moscow đặt câu hỏi về quyền của các quốc gia được lựa chọn con đường riêng của họ”, ông Stoltenberg nói. “Đây là một thách thức nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta. Và điều quan trọng hơn là chúng ta phải sát cánh cùng nhau để bảo vệ các giá trị của mình”.

Ông Dibbs nói rằng sự thay đổi lập trường của NATO được hoan nghênh vì nó “củng cố quan điểm của Úc về môi trường chiến lược của chính nước này và xác định Trung Quốc là thách thức chiến lược lớn của Úc, hiện nay kết hợp với mối đe dọa từ liên minh trên thực tế của Nga và Trung Quốc”.

Chuyên gia quốc phòng này cũng cảnh báo rằng Mỹ có thể thấy mình đang phải đối mặt với một cuộc chiến tranh hạt nhân từ hai phía và khuyến nghị Úc tương tác chặt chẽ hơn với NATO để chia sẻ các phân tích chiến lược, bao gồm cả các tình huống phòng thủ, cho an ninh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Ông Dibbs cho hay: “Những quan chức cấp cao Mỹ, bao gồm cả Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng đã thừa nhận rằng, nếu sự việc xảy ra, Washington sẽ lần đầu tiên đối mặt với nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân từ hai phía”.

“Nếu quan hệ đối tác quân sự Trung – Nga tiếp tục xu hướng đi lên, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến trật tự an ninh quốc tế, bao gồm cả việc thách thức hệ thống liên minh do Mỹ làm trung tâm ở châu Á – Thái Bình Dương và châu Âu”. (T/H, NTD)