Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc kiện Trung Quốc lên WTO

Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham.

Úc yêu cầu WTO điều tra mức thuế Trung Quốc áp đặt đối với sản phẩm lúa mạch của nước này trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng căng thẳng.

Bộ trưởng Thương mại Úc Simon Birmingham hôm 16/12 cho biết các quan chức Úc đã yêu cầu Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều tra về mức thuế thương mại đối với sản phẩm lúa mạch Úc khi bán hàng cho đối tác Trung Quốc.

Theo ông Birmingham, mức thuế bổ sung 80% mà Bắc Kinh áp đặt lên lúa mạch nhập khẩu của Úc là “thiếu cơ sở” và “không có bằng chứng”.

Australia kien Trung Quoc len WTO anh 1
Úc khiếu nại Trung Quốc lên WTO vì áp thuế lúa mạch. Ảnh: Barrons.

“Chúng tôi tự tin dựa trên các bằng chứng, dữ liệu và phân tích mà chúng tôi tổng hợp được, đây là một vụ kiện thực sự mạnh mẽ”, Bộ trưởng Birmingham tuyên bố. “Quy trình giải quyết tranh chấp của WTO thường tốn nhiều thời gian, nhưng đó lại là bước đi thích hợp cho Úc vào thời điểm này”, ông nhấn mạnh, cho biết thêm nước này có thể hành động thêm ở các lĩnh vực khác.

Hồi tháng 5, Trung Quốc thông báo áp thuế 80,5% với mặt hàng lúa mạch nhập khẩu từ Úc với lý do phá giá và gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp trong nước. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 19/5, kéo dài trong vòng 5 năm, bao gồm thuế chống bán phá giá 73,6% và thuế chống trợ cấp 6,9%.

Úc là nhà cung cấp lúa mạch lớn nhất cho Trung Quốc, với tổng giá trị xuất khẩu lên tới 1,3 tỷ USD/năm. Giới chức nước này từng thừa nhận Trung Quốc là đối tác quan trọng và khó có thể thay thế, trong khi Bắc Kinh lại có nhiều lựa chọn nhà cung cấp khác như Pháp, Canada, Argentina và một số nước châu Âu.

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc ngày càng tồi tệ trong nhiều tháng gần đây. Theo thống kê, có ít nhất 13 mặt hàng xuất khẩu của Úc bị gánh thuế cao hoặc chịu một số hình thức gián đoạn, như lúa mạch, thịt bò, than, đồng, bông, tôm hùm, đường, gỗ, rượu, lúa mì, len hay các lĩnh vực trọng yếu như du lịch và giáo dục.

Cho đến nay, Canberra vẫn né tránh việc đưa các tranh chấp lên tổ chức WTO vì lo ngại việc giải quyết có thể mất nhiều năm, khiến Úc dễ bị trả đũa và làm xấu đi mối quan hệ ngoại giao.

Trong khi đó, căng thẳng Canberra – Bắc Kinh lại đặt ra câu hỏi về mô hình kinh tế hàng thập kỷ của Úc, chủ yếu dựa vào việc cung cấp nguyên liệu thô sơ; còn Bắc Kinh thì vượt lên nhanh chóng và trở thành một nền kinh tế hiện đại. (Z/N)