Úc khẳng định vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca an toàn
Giám đốc Y tế Úc, Giáo sư Paul Kelly, nhấn mạnh tổng cộng đã có 11 triệu người tại nhiều quốc gia đã tiêm vắc-xin của AstraZeneca và không thấy có mối liên quan giữa bệnh huyết khối và vắc-xin.
Ngày 16/3, Cơ quan Quản lý sản phẩm trị liệu Úc (TGA), cơ quan chuyên trách quản lý dược phẩm cho biết không có bằng chứng về “mối quan hệ hợp lý về mặt sinh học” giữa vắc-xin của hãng AstraZeneca và bệnh huyết khối, đồng thời khẳng định không có lý do để Úc tạm dừng việc tiêm vắc-xin này.
TGA khẳng định cho đến ngày 15/3/2021, TGA chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào về việc xảy ra hiện tượng đông máu sau khi tiêm vắc-xin của AstraZeneca tại Úc.
Giám đốc Y tế Úc, Giáo sư Paul Kelly cũng đã đưa ra một tuyên bố nhấn mạnh rằng vắc-xin của AstraZeneca là an toàn.
Giáo sư nhấn mạnh rằng các quốc gia khác, bao gồm Canada và Anh, tổng cộng đã có 11 triệu người được tiêm vắc-xin của hãng này và không có dấu hiệu nào cho thấy vắc-xin gây ra những hiện tượng cho người được tiêm như ở châu Âu.
Trước đó, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã lên lịch thực hiện hai cuộc họp khẩn cấp trong những ngày tới để xem xét các dữ liệu sức khỏe mới nhất liên quan tới vắc-xin.
Công ty AstraZeneca và các nhà chức trách Anh cũng sẽ cung cấp dữ liệu cho EMA tại cuộc họp này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cho biết Pháp sẽ quyết định về việc tiếp tục tiêm chủng hay không sau khi có kết quả của cuộc họp.
Về phần mình, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã khuyến nghị tiếp tục tiêm vắc-xin của AstraZeneca vì không tìm thấy mối liên quan nào giữa bệnh huyết khối và vắc-xin.
Trong một diễn biến khác, Indonesia đã tạm thời ngừng cấp phát vắc-xin của AstraZeneca để chờ kết quả nghiên cứu của WHO về các tác dụng phụ của vắc-xin này.
Ngày 8/3, Indonesia đã được nhận 1.1 triệu liều vắc-xin của AstraZeneca thông qua cơ chế tiếp cận vắc-xin công bằng COVAX do WHO đứng đầu.
Trong một diễn biến liên quan đến vắc-xin ngừa COVID-19, một đại diện của Bộ Tài chính Israel ngày 16/3 tiết lộ đến nay nước này đã chi khoảng 2.6 tỷ shekel mới (INS, khoảng 788.86 triệu USD) để mua khoảng 15 triệu liều vắc-xin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Phát biểu tại một phiên làm việc với Ủy ban tài chính Quốc hội Israel, quan chức trên cho biết thêm nước này còn mua thêm các lô vắc-xin khác trị giá 2.5 tỷ NIS (758.5 triệu USD) để đề phòng có thể sử dụng đến trong mùa Hè tới.
Như vậy, tổng số tiền mà Israel đã chi để mua vắc-xin ngừa COVID-19 cho đến nay lên tới 5.1 tỷ NIS (1.54 tỷ USD).
Sau ba tháng thực hiện tiêm phòng toàn quốc, đến nay đã có khoảng 5.2 triệu người dân Israel (trên tổng số hơn 9 triệu dân) đã được tiêm một mũi vắc-xin ngừa COVID-19; trong đó 4.29 triệu người đã tiêm đủ hai mũi.
Mới đây, Tổng cục Thống kê Israel thông báo điều chỉnh thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong năm 2020 đạt mức kỷ lục 20.1 tỷ USD, tăng 50% so với năm 2019.
Mức tăng nói trên chủ yếu là nhờ thặng dư cán cân thương mại trong năm qua tăng tới 135%, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu của các doanh nghiệp Israel, vốn tập trung cao độ vào các sản phẩm công nghệ và nền tảng hỗ trợ cho các hoạt động trực tuyến.
Trong năm 2020, thặng dư thương mại của Israel đạt 17.4 tỷ USD, tăng mạnh so với 7.4 tỷ USD của năm 2019; góp phần đưa thặng dư cán cân thanh toán vãng lai tăng từ 13.4 tỷ USD lên 20.1 tỷ USD./. (VN+)