Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc kêu gọi ngăn chặn cuộc chiến ‘thảm khốc’ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương


Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã kêu gọi các quốc gia cần xem xét tất cả những năng lực mà họ có để có thể ngăn chặn một cuộc chiến tranh “thảm khốc” ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong phát biểu trong một cuộc họp báo tại Quai Dorsay ở Paris, Pháp, hôm 30/1/2023. Hình AFP/Getty

Phát biểu tại Đại học King’s College London (Anh), bà Wong cho biết, khu vực này rất quan trọng đối với tất cả các quốc gia, vì đó là nơi tập trung vào việc “tái định hình thế giới của chúng ta”.

“Chúng ta phải thực hiện quyền tự quyết. Chúng ta không phải là người ngoài cuộc trong câu chuyện này”, bà nói vào ngày 31/1.

Ngoại trưởng Wong nhấn mạnh rằng, các quốc gia trên thế giới đang tăng cường xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh, điều này diễn ra ngay trước mắt nước Úc.

Triều Tiên đã tiến hành hơn 60 vụ phóng tên lửa đạn đạo, trong khi Bắc Kinh tiến hành quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông và ký thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon.

Chính quyền Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh việc mở rộng kho vũ khí hạt nhân, cùng nhiều nỗ lực khác, nhằm quân sự hóa khu vực và tăng cường sự hiện diện của mình.

Ngoại trưởng Úc Penny Wong phát biểu tại Đại học King’s College London (Anh). Hình 9 News

“Nếu xung đột nổ ra ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đó sẽ là thảm họa đối với người dân và sự thịnh vượng của chúng ta”, bà Wong nói.

Và với vai trò trọng tâm trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, cũng như sự thịnh vượng và an ninh toàn cầu, nước Úc và nhiều quốc gia khác sẽ phải trả giá đắt nếu xảy ra xung đột, bà cho hay.

Ngoại trưởng Úc cho biết, bà đã trực tiếp nêu quan điểm của Úc với người đồng cấp Trung Quốc trong chuyến thăm Bắc Kinh vào tháng 12/2022.

“Úc coi khoản đầu tư vào năng lực phòng thủ trong tương lai là điều cần thiết để ngăn chặn xung đột và duy trì sự cân bằng chiến lược ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”, bà Wong nói.

“Mối quan hệ đối tác AUKUS lịch sử của Úc với Vương quốc Anh và Hoa Kỳ sẽ giúp Úc duy trì năng lực của mình ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong tương lai, đồng thời bổ sung cho các nỗ lực chung của chúng tôi nhằm đảm bảo ổn định và an ninh khu vực”.

Bài phát biểu trên được đưa ra trước khi bà Wong và Tổng trưởng Quốc phòng Richard Marles gặp những người đồng cấp Vương quốc Anh của họ trong các cuộc trong khuôn khổ Tham vấn cấp bộ trưởng Úc – Anh (AUKMIN) vào ngày 1/2 và 2/2.

Trung Quốc đã mở rộng lực lượng hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Hình Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Trọng tâm của chương trình nghị sự trên là “hiện đại hóa” mối quan hệ song phương, tăng cường hợp tác về biến đổi khí hậu, xây dựng khả năng phục hồi kinh tế và thúc đẩy an ninh toàn cầu.

Ông Marles cũng đã gặp Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak vào ngày 1/2. Theo đó, ông Rishi Sunak đã bình luận về “chương trình nghị sự toàn diện” giữa hai nước, mà trọng tâm là hiệp ước AUKUS.

Ngoài ra, Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh cho biết, họ sẽ đưa ra một giải pháp tối ưu để giúp Úc mua tàu ngầm hạt nhân

Ông Marles trước đây từng gọi quan hệ đối tác là một trong những quyết định an ninh quốc gia then chốt nhất của Úc trong nhiều thập kỷ.

Ông Marles nói với tờ The Age vào tháng 1 rằng: “Tôi cho rằng đây là một thời khắc quan trọng trong lịch sử quốc phòng Úc”.

Ông khẳng định rằng, chương trình nghị sự trên đang đi đúng hướng và sắp hoàn thành.

(Từ trái sang) Tổng trưởng Quốc phòng Úc Richard Marles, Tổng trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu, Tổng trưởng Ngoại giao kiêm phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Catherine Colonna và Ngoại trưởng Úc Penny Wong chụp ảnh trước cuộc gặp chung của họ tại Quai dOrsay ở Paris, Pháp, hôm 30/1/2023. Hình Pool/AFP/Getty

Úc – Pháp tăng cường cam kết ở khu vực Thái Bình Dương

Hội nghị Tham vấn cấp bộ trưởng Úc – Anh (AUKMIN) diễn ra sau khi bà Wong và ông Marles có cuộc gặp với những người đồng cấp Pháp trong cuộc họp “2+2” tại Paris vào ngày 30/1.

Sau các cuộc thảo luận, các bộ trưởng đã đề xuất về việc nối lại quan hệ vốn đã xấu đi, sau khi hủy bỏ chương trình tàu ngầm trị giá 60 tỷ USD với nhà thầu quốc phòng Pháp Naval.

Cả hai quốc gia đã đồng ý hỗ trợ các ưu tiên ở khu vực Thái Bình Dương và tăng cường hợp tác quân sự song phương.

Ông Marles nói với các phóng viên rằng: “Không có nơi nào quan trọng để thể hiện sự hợp tác này hơn là khu vực Thái Bình Dương, nơi có sự hiện diện của cả Pháp và Úc”.

“Huấn luyện là một cơ hội chân thực để Pháp và Úc cùng hợp tác xây dựng năng lực cho lực lượng phòng thủ của các quốc đảo Thái Bình Dương”.

Úc và Pháp cũng sẽ đảm nhận việc cung cấp chung đạn pháo 155 mm cho Ukraine. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy sự hợp tác lớn mạnh giữa hai cơ sở công nghiệp quốc phòng.

“[Úc và Pháp] sẽ sản xuất vài nghìn quả đạn 155 mm”, Bộ trưởng Lực lượng Vũ trang Pháp Lecornu cho biết.

Thỏa thuận dự kiến ​​sẽ là một “dự án trị giá hàng triệu USD”. (T/H, NTD)