Úc: Hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân trực tuyến ác ý sẽ bị phạt tù tới 7 năm
Để tăng cường bảo vệ thông tin cá nhân của công dân và bảo đảm quyền riêng tư trong thời đại kỹ thuật số, Chính phủ Liên bang Úc đã trình dự thảo Luật sửa đổi về quyền riêng tư và các quy định khác năm 2024 lên Quốc hội. Do Tổng trưởng Tư pháp Mark Dreyfus thúc đẩy, dự luật này nhằm củng cố pháp luật về quyền riêng tư, đặc biệt tập trung vào việc hình sự hóa hành vi chia sẻ dữ liệu cá nhân một cách ác ý (doxxing).
Hình phạt mới đối với hành vi doxxing
Theo dự luật mới được đề xuất, những cá nhân bị kết tội công bố thông tin cá nhân, chẳng hạn như tên, địa chỉ hoặc số điện thoại, với mục đích gây hại sẽ phải đối mặt với hình phạt nghiêm khắc. Mức án tù tối đa được ấn định là 6 năm. Tuy nhiên, trong trường hợp nạn nhân bị nhắm làm mục tiêu vì lý do chủng tộc, dân tộc, tôn giáo, giới tính, khuynh hướng tình dục hoặc khuyết tật của họ, hình phạt sẽ tăng lên 7 năm. Quyết định tăng nặng này làm nổi bật cam kết của Chính phủ trong việc giải quyết quyết liệt hành vi doxxing có động cơ thù hận.
Tổng trưởng Mark Dreyfus tuyên bố: “Người dân Úc có quyền được tôn trọng quyền riêng tư và khi được yêu cầu giao nộp dữ liệu cá nhân, họ có quyền mong đợi dữ liệu đó sẽ được bảo vệ”. Ông giải thích thêm rằng, việc hình sự hóa doxxing là điều cần thiết để duy trì niềm tin vào nền kinh tế kỹ thuật số và bảo vệ cá nhân khỏi nguy cơ gây hại.
Mở rộng phạm vi bao phủ của pháp luật
Trong khi vấn đề chính về doxxing đã thu hút sự chú ý, dự luật còn có một số điều khoản quan trọng khác được thiết kế để hiện đại hóa luật về quyền riêng tư của đất nước chuột túi. Những thay đổi này đặc biệt cần thiết trong bối cảnh các vụ vi phạm dữ liệu quy mô lớn gần đây đã ảnh hưởng đến hàng triệu người dân Úc.
Trong số các cải cách rộng hơn của dự luật là việc đưa ra danh sách các hành vi xâm phạm quyền riêng tư nghiêm trọng, cho phép nạn nhân kiện thủ phạm để đòi bồi thường thiệt hại. Điều này không chỉ cung cấp biện pháp khắc phục pháp lý cho nạn nhân mà còn đóng vai trò răn đe đối với những kẻ có ý định phạm tội.
Ngoài ra, văn bản pháp lý trên còn khuyến nghị xây dựng bộ luật về bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em, nhằm bảo vệ thế hệ tương lai khỏi những tác hại trực tuyến, chẳng hạn như sử dụng sai và khai thác dữ liệu. Sáng kiến này sẽ được hỗ trợ bằng khoản phân bổ 3 triệu AUD trong 3 năm cho Văn phòng Ủy viên thông tin Úc (OAIC), đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng và sẽ thực thi bộ luật.
Quyền hạn được tăng cường cho OAIC và các biện pháp minh bạch mới
Luật sửa đổi về quyền riêng tư và các quy định khác năm 2024 được xây dựng dựa trên các sửa đổi trước đây đối với Luật Bảo vệ quyền riêng tư năm 1988, vốn đã tăng hình phạt đối với các hành vi vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng. Với dự luật mới được đề xuất, OAIC sẽ có được quyền thực thi mạnh mẽ hơn để xử lý các hành vi vi phạm hiệu quả hơn. Dự luật cũng tìm cách tăng cường tính minh bạch liên quan đến cách các quyết định tự động – chẳng hạn như các quyết định do thuật toán đưa ra – ảnh hưởng đến cá nhân, giúp người dân hiểu rõ hơn về cách dữ liệu cá nhân của họ được sử dụng.
Hơn nữa, dự luật cho phép chia sẻ thông tin hợp lý hơn trong các trường hợp khẩn cấp, bảo đảm trong các tình huống quan trọng, dữ liệu cần thiết có thể được chia sẻ hiệu quả và an toàn.
Tổng trưởng Mark Dreyfus mô tả dự luật mới là bước tiến quan trọng hướng tới việc củng cố pháp luật về quyền riêng tư vào kỷ nguyên số. Ông thừa nhận, Luật Bảo vệ quyền riêng tư năm 1988 đã không theo kịp những thay đổi phức tạp trong thế giới kỹ thuật số ngày nay, đồng thời nhấn mạnh rằng các sửa đổi mới đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại lòng tin.
Nói chung, sáng kiến lập pháp mới mà Chính phủ vừa trình Quốc hội là phản ứng trước những lo ngại ngày càng tăng sau nhiều vụ vi phạm dữ liệu nghiêm trọng. Những vụ việc này đã tiết lộ thông tin cá nhân nhạy cảm, gây ra đau khổ đáng kể cho nạn nhân bị ảnh hưởng. “Dự luật này chỉ là giai đoạn đầu tiên trong cam kết của Chính phủ nhằm cung cấp cho cá nhân quyền kiểm soát lớn hơn đối với thông tin cá nhân của họ”, Tổng trưởng Dreyfus cho biết.
Việc đưa ra dự luật cũng phản ánh những nỗ lực nhằm cân bằng giữa bảo vệ quyền riêng tư cá nhân và thúc đẩy đổi mới. Khi nền kinh tế kỹ thuật số phát triển, cả Chính phủ và doanh nghiệp ngày càng dựa vào dữ liệu để cung cấp dịch vụ và tạo ra giá trị kinh tế. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này không được gây tổn hại đến quyền riêng tư của cá nhân.
Để bảo đảm dự luật đạt được sự cân bằng này, Chính phủ có kế hoạch tiếp tục tham vấn với các bên liên quan trong ngành, bao gồm các doanh nghiệp nhỏ, nhóm người tiêu dùng và các tổ chức truyền thông. Tất cả nhằm mục đích tinh chỉnh nó để đáp ứng được nhu cầu của công dân, trong khi vẫn cho phép sử dụng dữ liệu cá nhân một cách có trách nhiệm.
Giải quyết thông tin sai lệch
Trong sáng kiến liên quan, Tổng trưởng Truyền thông Michelle Rowland đã trình ra một dự luật trao quyền mới cho Cơ quan Thông tin và truyền thông Úc (ACMA). Văn bản này nhằm hạn chế tình trạng lan truyền thông tin trực tuyến sai lệch và có hại nghiêm trọng. Theo Tổng trưởng Michelle Rowland, thông tin sai lệch gây ra những rủi ro lớn đối với sự an toàn và phúc lợi của người dân Úc, cũng như đối với nền dân chủ, xã hội và nền kinh tế.
Chính phủ, thông qua ACMA, yêu cầu các nền tảng kỹ thuật số chịu trách nhiệm về nội dung được chia sẻ trên các dịch vụ của họ. Các nền tảng sẽ được yêu cầu thực hiện hành động mạnh mẽ hơn để ngăn chặn việc phát tán thông tin có hại. Giới chức Úc tin rằng, khung pháp lý mới sẽ cân bằng cẩn thận lợi ích công trong việc giải quyết thông tin sai lệch với bảo vệ quyền tự do ngôn luận – nền tảng của nền dân chủ Úc. (T/H, DBND)