Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc đối mặt tình trạng thiếu hụt dược phẩm nghiêm trọng


Úc đang đối mặt với tình trạng thiếu dược phẩm nghiêm trọng khi đã thiếu tới hơn 300 loại thuốc và dự kiến 80 loại thuốc khác sẽ sớm cạn kiệt nguồn cung trong thời gian tới.

Cụ thể, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Úc (TGA) công bố danh sách 320 loại thuốc được xác định là đang ở trong tình trạng thiếu hụt, trong đó có 50 loại được liệt kê là nguy cấp. Danh sách này bao gồm cả thuốc điều trị bệnh tiểu đường, liệu pháp thay thế hormone, thuốc chữa trầm cảm, buồn nôn, đột quỵ và thuốc tránh thai.

Ngoài ra, 80 loại thuốc khác dự tính sẽ sớm hết hàng, trong đó có thuốc sử dụng trong điều trị bệnh bạch cầu.

Hiệp hội Dược phẩm Úc thậm chí cũng báo cáo tình trạng thiếu thuốc cảm lạnh và cúm, bao gồm cả thuốc paracetamol dạng lỏng dành cho trẻ em, giữa lúc bệnh cúm và bệnh COVID-19 đang lan rộng trên khắp cả nước.

Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Bác sĩ đa khoa Hoàng gia Úc, Giáo sư Karen Price, cho biết tình hình đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến các chuỗi cung ứng quốc tế trong khi số lượng bệnh nhân lại tăng đột biến, đòi hỏi nguồn cung dược phẩm lớn hơn.

Cộng đồng y khoa Úc kêu gọi áp dụng một chiến lược quốc gia nhằm điều phối nguồn cung dược phẩm, để ngăn chặn tình hình trở nên tồi tệ hơn. Theo Giáo sư Price, các bác sĩ và dược sĩ đang quản lý bệnh nhân theo từng trường hợp cụ thể và cố gắng tìm kiếm nguồn thuốc thay thế phù hợp cho các loại thuốc đang bị thiếu hụt.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần có một chiến lược quốc gia mới, tập trung nhiều hơn vào hoạt động quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước.

Quyền chủ tịch của tập đoàn The Pharmacy Guild, Nick Panayiaris, cho biết Chính phủ Úc và các nhà sản xuất thuốc trong nước đã ký một bảo đảm cung cấp thuốc mới, nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc hiện nay.

Thỏa thuận này yêu cầu các công ty phải giữ một lượng hàng tồn kho tối thiểu 4 hoặc 6 tháng, đối với một số loại thuốc được niêm yết trên danh sách Chương trình Phúc lợi Dược phẩm (PBS) của Chính phủ Úc.

Tuy nhiên, thỏa thuận chỉ bắt đầu có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sẽ đi kèm với việc tăng giá với 900 loại thuốc khác nhau. Ông Panayiaris thừa nhận việc tăng dự trữ thuốc sẽ dẫn đến một số rủi ro cho các nhà sản xuất và hãng dược phẩm, đặc biệt là trong giai đoạn khan hiếm thuốc như hiện nay.

Ông Panayiaris kêu gọi Canberra hợp tác với ngành sản xuất y tế, tăng cường hỗ trợ cho các công ty dược phẩm trong nước thúc đẩy sản xuất, nêu cao vai trò an ninh dược phẩm và các vấn đề liên quan việc cung cấp nguyên liệu và hậu cần, bảo đảm rằng nguồn lực sản xuất dược phẩm trong nước sẽ được phát huy tối đa và vận hành trong môi trường tốt nhất./. (T/H, B/N)