Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc chính thức thông qua luật mới về quan hệ đối ngoại; BRI có thể bị hủy bỏ…?

Quốc hội Liên bang đã thông qua dự luật Quan hệ Đối ngoại nhằm thắt chặt việc kiểm soát của chính quyền Liên bang đối với các thỏa thuận mà chính quyền các tiểu bang, Hội đồng địa phương cũng như các trường đại học công lập ký với các đối tác là các chính quyền nước ngoài.

Tổng trưởng Ngoại giao Marise Payne. (Hình The Australian)

Phát biểu trước Thượng viện, Tổng trưởng Ngoại giao Marise Payne cho biết, các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc đang ngày càng vươn ra nhiều hơn với thế giới, vì vậy Úc cần có luật Quan hệ Đối ngoại để đảm bảo sự kết nối với bên ngoài của chính quyền các tiểu bang không đi chệch hướng với chính sách đối ngoại của Úc do chính quyền Liên bang chịu trách nhiệm thực hiện.

Theo luật Quan hệ Đối ngoại, Ngoại trưởng Liên bang có thẩm quyền hủy bỏ hoặc ngăn chặn bất kỳ thảo thuận nào mà các tiểu bang, các chính quyền địa phương cũng như các trường đại học công lập của Úc ký với chính phủ nước ngoài  đi ngược lại với lợi ích của Úc.

Trong đó, thỏa thuận Vành đai và Con đường mà tiểu bang Victoria đã ký với Trung Quốc được dư luận tại Úc cho là một trong những thỏa thuận có nhiều nguy cơ bị hủy bỏ nhất do viên chức chính quyền Liên bang nhiều lần bày tỏ sự không hài lòng khi bị chính quyền Tiểu bang Victoria qua mặt để ký thỏa thuận này và một số nội dung của thỏa thuận cũng được cho là không phù hợp với lợi ích của nước Úc.

Tổng trưởng Thương mại Liên bang Simon Birmingham. (Hình The Australian)

Tổng trưởng Thương mại Liên bang Simon Birmingham cho biết, tiểu bang Victoria sẽ có ít nhất 3 tháng để chứng minh cho chính quyền Liên bang thấy rằng thỏa thuận Vành đai và Con Đường phù hợp với lợi ích quốc gia của Úc cũng như với các quy định trong luật Quan hệ Đối ngoại mới được Quốc hội thông qua.

Luật Quan hệ Đối ngoại được Quốc hội Úc thông qua trong bối cảnh quan hệ chính trị giữa Úc với Trung Quốc ngày càng gia tăng căng thẳng liên quan đến hàng loạt vấn đề như cáo buộc can thiệp vào tình hình nội bộ của nhau, vấn đề an ninh mạng, bắt giữ các đối tượng được cho là tình báo….

Mới đây nhất là phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đăng một dòng tweet kèm theo bức ảnh được ghép dựng nhằm vào binh lính Úc khiến cho chính quyền Úc vô cùng tức giận. Thủ tướng Úc Scott Morrsion đã yêu cầu Trung Quốc xin lỗi, song phía Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị này.

Căng thẳng trong lĩnh vực chính trị đang lan sang cả thương mại. Trước khi Quốc hội Úc thông qua luật Quan hệ đối ngoại, Trung Quốc đã mở rộng lệnh cấm nhập khẩu thịt bò với một cơ sở chế biến thịt bò của Úc, nâng tổng số cơ sở bị Trung Quốc cấm lên tới 6.

Trong khi đó, tờ Australian Financial Review cũng cho biết Trung Quốc cũng vừa ban hành lệnh cấm nhập khẩu thịt trừu từ 2 cơ sở chế biến của Úc. Trước đó, Trung Quốc đã áp mức thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với múa mạch của Úc, đánh thuế cao đối với rượu vang của Úc và áp dụng các rào cản thương mại đối với nhiều hàng hóa Úc nhập khẩu vào Trung Quốc như than đá, bông vải, tôm hùm và gỗ.

Không chỉ dừng lại ở đó, một nghiên cứu mới của IBISWorld cho thấy, một số mặt hàng khác của Úc như các sản phẩm từ sữa, mật ong, hoa quả tươi, dược phẩm… cũng có thể sẽ gặp nhiều khó khăn khi nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Trung Quốc là đối tác chiến lược toàn diện, đối tác thương mại lớn nhất của Úc, là quốc gia giúp Úc nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, mối quan hệ này đang xuống mức thấp nhất trong hàng chục năm trở lại đây khi mâu thuẫn liên tục gia tăng trong khi lòng tin giữa hai bên đang sụt giảm nhanh chóng. Thực tế này cho thấy, mối quan hệ giữa Úc và Trung Quốc chưa thể sớm khôi phục trong thời gian tới.

Úc “chọc giận Trung Quốc giữa căng thẳng

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã có thêm quyền mới, có thể phủ quyết hoặc hủy bỏ các thỏa thuận mà chính quyền các tiểu bang đã đạt được với các nước khác. Hành động có thể gây cản trở lớn tới sáng kiến Vành đai Con đường (BRI) của Trung Quốc, trong bối cảnh căng thẳng giữa Canberra và Bắc Kinh đang gia tăng. 

Theo hãng Bloomberg, các luật mới được Nghị viện Úc thông qua vào chiều ngày 8/12 sẽ cho phép chính phủ có khả năng dừng các thỏa thuận mới hoặc các thỏa thuận đã ký trước đó giữa chính phủ nước ngoài với 8 tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc, cũng như với các chính quyền địa phương và trường đại học. 

Chính quyền của ông Morrison sẽ có thể ngăn chặn hoặc cắt giảm sự liên quan của nước ngoài trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, hợp tác thương mại, du lịch, văn hóa, khoa học, y tế và giáo dục.  

Thủ hiến tiểu bang Victoria Daniel Andrews ‘bí mật’ ký thỏa thuận Vành đai Con đường với Đại sứ Trung Quốc tại Úc Thành Cạnh Nghiệp vào Tháng 10/2018.

Mục tiêu ban đầu của việc thông qua các luật mới này có thể là một thỏa thuận mà chính quyền tiểu bang Victoria ký năm 2018 để tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng BRI của Trung Quốc. 

Daniel Andrews, thủ hiến bang Victoria, chia sẻ với các phóng viên hồi tuần trước rằng, chính quyền tiểu bang không xem xét việc rút khỏi thỏa thuận BRI do mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa hai nước, theo hãng AAP. 

Sự hợp tác của Trung Quốc với tiểu bang Victoria ở BRI mang lại lợi ích cho cả hai bên, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, nói hồi tháng 8. “Úc nên có cái nhìn khách quan về sự hợp tác như vậy và không nên gây trở ngại cho hợp tác Trung Quốc – Úc”, ông Triệu tuyên bố. 

Luật mới có thể cho phép chính phủ Liên bang xem xét và lật lại các biên bản ghi nhớ giữa Bắc Kinh và chính quyền Tây Úc, Nam Úc và khu vực Tasmania trong các lĩnh vực từ hợp tác đầu tư, khoa học và tiếp cận Nam Cực. 

Tiểu bang Victoria sẽ có ít nhất 3 tháng để chứng minh cho chính quyền Liên bang thấy rằng thỏa thuận Vành đai và Con Đường phù hợp với lợi ích quốc gia của Úc cũng như với các quy định trong luật Quan hệ Đối ngoại mới được Quốc hội thông qua.

Các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Úc có ít nhất 130 thỏa thuận với 30 quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi các luật mới, theo Thủ tướng Úc. Luật mới sẽ thiết lập một sổ đăng ký công khai để cung cấp sự minh bạch cho các quyết định của chính phủ Úc. Các tiểu bang và vùng lãnh thổ sẽ có 3 tháng để kiểm tra lại các thỏa thuận hiện có. 

Quan hệ đối tác giữa các đại học Úc và các nhà tài trợ Trung Quốc có thể bị hủy bỏ. Lo ngại xuất hiện ngày càng nhiều trong giới tình báo về ảnh hưởng của Trung Quốc với các trường đại học Úc. 

Theo luật mới, ông Morrison không thể hủy bỏ các giao dịch giữa chính quyền các tiểu bang và các công ty thương mại hoặc doanh nghiệp nhà nước. Điều đó có nghĩa là chính phủ Úc không thể can thiệp vào hợp đồng cho thuê một cảng chiến lược ở thành phố Darwin năm 2015, giữa chính quyền Lãnh thổ Bắc Úc và một công ty Trung Quốc. 

(Tranh minh họa: David Rowe, Australian Financial Review)

Việc Úc thông qua các luật mới có thể “chọc giận” Trung Quốc và khiến quan hệ hai  nước xấu thêm. Căng thẳng giữa Bắc Kinh và Canberra xảy ra khi Thủ tướng Úc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19, xuất phát từ Trung Quốc. Bắc Kinh kể từ đó đã thực hiện một loạt hành động thương mại được cho là để trả đũa gồm áp đặt thuế quan lên lúa mạch, rượu của Úc và chặn các chuyến hàng chở than đá của Canberra. 

Quan hệ giữa hai  nước chạm mức thấp nhất hồi tuần trước khi một nhà ngoại giao Trung Quốc đăng trên Twitter hình ảnh một binh sĩ Úc đang cầm dao kề vào cổ một trẻ em Afghanistan. Sau khi ông Morrison kêu gọi một lời xin lỗi vì bài đăng “đáng trách” này, một viên chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc bác bỏ yêu cầu này của phía Úc. (T/H)