Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Úc cáo buộc Trung Quốc ‘can thiệp chính trị’ qua thỏa thuận quần đảo Solomon


Theo quan chức cấp cao Úc, Trung Quốc rất có thể sẽ đưa quân đến quần đảo Solomon sau khi ký thỏa thuận an ninh gây tranh cãi với quốc gia Thái Bình Dương.

Tổng trưởng Bộ Nội vụ Úc Karen Andrews. Hình NCA

Khi được hỏi về khả năng Trung Quốc sẽ yêu cầu triển khai quân đến quần đảo Solomon trong năm tới, Tổng trưởng Bộ Nội vụ Úc Karen Andrews nói với đài phát thanh 4BC rằng điều đó “rất có thể sẽ xảy ra”.

“Nhiều khả năng đó sẽ là chiến lược mà Trung Quốc sẽ thực hiện ở khu vực Thái Bình Dương”, Tổng trưởng Andrews nói.

Bà Andrews cũng đặt câu hỏi về thời điểm Bắc Kinh công bố thỏa thuận an ninh với quần đảo Solomon ngay trước cuộc Bầu cử Liên bang Úc vào ngày 21/5, vốn đã bị chi phối bởi cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại và ngoại giao Thái Bình Dương.

Mỹ và Úc lo ngại thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Solomon sẽ có thể mở ra cánh cửa cho Bắc Kinh hiện diện quân sự ở Nam Thái Bình Dương. Hình AP

“Tôi nghĩ rằng một điều mà chúng ta ít nhất nên lưu ý và chú ý là thời gian thông báo từ các giao dịch liên quan đến Quần đảo Solomon”, Bà Andrews nói.

“Bắc Kinh rõ ràng biết rằng chúng tôi đang trong chiến dịch Bầu cử Liên bang”,

“Chúng tôi muốn đề cập tới sự can thiệp chính trị dưới nhiều hình thức”, bà nói.

Trước đó, ngày 19/4, Trung Quốc và quần đảo Solomon thông báo đã ký hiệp ước an ninh nhưng không công bố chi tiết. Theo dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ, Trung Quốc sẽ được phép triển khai lực lượng an ninh và hải quân tới quốc đảo Thái Bình Dương khi có khủng hoảng. Bắc Kinh cũng có thể thực hiện các chuyến thăm của tàu, bổ sung hậu cần, dừng chân và quá cảnh ở quần đảo Solomon.

Đại sứ Trung Quốc tại quần đảo Solomon Li Ming (trái) và quan chức ngoại giao Solomon Colin Beck chụp hình với dự thảo hợp tác an ninh hai nước đã nhất trí hồi đầu tháng 4. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Solomon.

Bên cạnh đó, thỏa thuận sẽ cho phép lực lượng vũ trang Trung Quốc triển khai theo yêu cầu của quần đảo Solomon đến quốc đảo này để duy trì “trật tự xã hội”. Các lực lượng của Bắc Kinh cũng sẽ được phép bảo vệ “sự an toàn của nhân viên Trung Quốc” và “các dự án lớn ở quần đảo Solomon”.

Việc Trung Quốc và Solomon ký thỏa thuận này dấy lên lo ngại về việc có thể mở ra cánh cửa cho sự hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương.

Thỏa thuận an ninh giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc được xem là lý do buộc Mỹ cử phái đoàn của nước này -do ông Kurt Campbell -Điều phối viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dẫn đầu thực hiện chuyến đi đến khu vực.

Trong cuộc họp với Thủ tướng quần đảo Solomon Manasseh Sogavare và quan chức cấp cao của Solomon hôm 22/4, phía Mỹ tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lặp căn cứ quân sự ở quần đảo Solomon theo thỏa thuận gần đây của nước này với Trung Quốc.

Ông Daniel Kritenbrink cho rằng, thỏa thuận an ninh giữa quần đảo Solomon và Trung Quốc “thiếu minh bạch” và đặt câu hỏi về động cơ của hai bên.

Theo ông Daniel Kritenbrink, Trung Quốc đang tìm cách thiết lập sự hiện diện mạnh mẽ hơn ở nước ngoài và xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể thể hiện sức mạnh quân sự của mình ở nước ngoài.

Mỹ và Úc từ lâu đã lo ngại về khả năng Trung Quốc xây dựng căn cứ hải quân ở Nam Thái Bình Dương, cho phép hải quân của nước này phát huy sức mạnh vượt xa biên giới của mình. (T/H)