Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tuyên truyền về Chiến tranh Nga-Ukraine của ĐCSTQ đã tạo ra một bức tranh hoàn toàn khác


Trong khi các nước phương Tây đang nỗ lực chỉ trích những tuyên truyền sai sự thật của Nga về cuộc chiến Nga-Ukraine, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ, Trung Cộng) lại sử dụng các kênh truyền thông chính thức để khuếch đại tuyên truyền của Nga. Họ kiểm duyệt các tiếng nói phản đối chiến tranh cũng như ủng hộ Ukraine, từ đó khiến người dân Trung Quốc nhìn thấy một cuộc chiến hoàn toàn khác với những gì người phương Tây nhìn thấy.

Các kênh truyền thông của ĐCSTQ tung tin giả về chiến tranh Nga-Ukraine

Vài giờ sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24/2, tờ Thời Báo Hoàn Cầu – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – đã công bố một đoạn video cho biết một số lượng lớn binh sĩ Ukraine đã hạ vũ khí. Nguồn của video này là kênh truyền thông RT TV do nhà nước Nga kiểm soát.

Trong khi đó, điều mà giới truyền thông phương Tây truyền tải là ý chí kiên cường chống lại quân đội Nga của Ukraine trong những ngày qua: Một số binh sĩ Ukraine đã không ngần ngại cho nổ tung cây cầu chỉ để ngăn cản bước tiến của xe tăng Nga; những chiến binh đã từ nước ngoài trở về để tham gia cuộc chiến bảo vệ quê nhà. Trong những ngày gần đây, cả đánh giá của tình báo Anh và giới chức quân sự NATO đều cho rằng ý chí kháng cự của người dân Ukraine đã làm chậm bước tiến của quân đội Nga.

Vào ngày 26/02, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) dẫn bản tin từ Nga cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bỏ trốn khỏi thủ đô Kyiv. CCTV đã tạo ra một “hashtag” liên quan trên Weibo, được xem 510 triệu lần và được 163 kênh truyền thông trên khắp cả nước Trung Quốc sử dụng.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng một đoạn video quay cảnh ông ở trung tâm thành phố Kyiv vào ngày 26/02 và nói: “Có rất nhiều thông tin sai lệch trên mạng nói rằng tôi đang kêu gọi quân đội hạ vũ khí và chuẩn bị lên đường tẩu thoát”. “Tôi ở đây. Chúng tôi sẽ không buông vũ khí. Chúng tôi sẽ bảo vệ đất nước của mình”.

Vào ngày 26 tháng 2 năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng một video mới trên tài khoản Facebook của mình, làm rõ thông tin giả mạo rằng ông đã ra lệnh cho quân đội đầu hàng hoặc bỏ chạy. Hình FB/AFP

Về cuộc chiến này, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin rất ít về việc cộng đồng quốc tế lên án Nga, cũng như về thành công của Ukraine trong cuộc chiến dư luận do ông Zelensky lãnh đạo, hoặc là các cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Nga.

Tờ The New York Times cho biết, làn sương mù của thông tin sai lệch đang ngày càng dày khi truyền thông nhà nước Trung Quốc mô tả cuộc chiến của Nga là một nỗ lực chống phát-xít. Sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga tuyên bố trong tuần này rằng Nga sẽ tổ chức hội nghị quốc tế chống phát-xít đầu tiên vào tháng 8, đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV đã đăng một đoạn nội dung, sau đó tạo “hashtag” trên Weibo. Trong vòng 24 giờ, nó đã có 650 triệu lượt xem và được 90 hãng truyền thông sử dụng. Rất nhiều người đã bình luận gọi Ukraine và Hoa Kỳ là quốc gia phát xít”.

Ngoài ra, truyền thông Trung Quốc cũng đang giúp quảng bá thông tin sai lệch của Nga rằng quân đội Nga chỉ nhắm vào các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, thông qua các bức ảnh trực tiếp do giới truyền thông nước ngoài chụp tại hiện trường, các quan chức phương Tây đã lên án các cuộc tấn công của Nga nhằm vào các khu vực dân sự của Ukraine.

Tờ The New York Times cho biết, nhìn chung, cư dân mạng Trung Quốc đang chứng kiến ​​một cuộc chiến rất khác so với những gì cư dân mạng trên thế giới nhìn thấy. Cách làm này của truyền thông ĐCSTQ đang khiến người dân Trung Quốc xa rời sự thật, đồng thời gieo mầm mống của sự nhầm lẫn.

Các kênh truyền thông xã hội kiểm duyệt những tiếng nói chống chiến tranh và ủng hộ Ukraine

Tờ The New York Times cho biết khi Nga xâm lược Ukraine, bộ máy truyền thông của Nga đã hoạt động rất tốt ở Trung Quốc, cộng với việc Bắc Kinh kiểm duyệt các nội dung ủng hộ Ukraine, họ đã tung ra một trang web thông tin sai lệch làm che mắt hầu hết người dùng mạng ở Trung Quốc. Thông điệp mà họ đang cố gắng truyền tải là: Hành động quân sự của Nga là chống phương Tây, chống NATO mở rộng và chống chủ nghĩa phát-xít – vì vậy, nó là chính đáng và đáng được hoan nghênh.

Trên các nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc, rất nhiều người đã bắt chước những luận điệu từ ông Putin và các kênh truyền thông ở Nga, gọi phía Ukraine là những kẻ cực đoan và phân tử Nazi mới.

Trong khi các video lưu hành bên ngoài Trung Quốc cho thấy người dân Ukraine đối xử tốt với các tù nhân chiến tranh của Nga, thì một chủ đề thịnh hành trên mạng xã hội Trung Quốc là những người Nga bị bắt đã phải chịu sự tra tấn giống như thời Đức Quốc xã. Cả CCTV và tờ Nhân dân Nhật báo của ĐCSTQ đều đã tạo ra những “hashtag” như vậy, và chúng tổng cộng đã có hơn 200 triệu lượt xem.

Các trang mạng xã hội Trung Quốc cũng kiểm duyệt nội dung ủng hộ Ukraine và phản đối cuộc chiến của Nga. Diễn viên kiêm người dẫn chương trình truyền hình Trung Quốc Kha Lam (Ke Lan), người có 2.9 triệu người theo dõi, sau khi đăng lại video và hình ảnh về các cuộc biểu tình công khai của quần chúng Nga phản đối chiến tranh, kênh của cô đã chính thức bị cấm.

Một bức thư có chữ ký của 5 giáo sư Trung Quốc từ một số trường đại học danh tiếng đã xuất hiện một thời gian ngắn trên mạng xã hội Trung Quốc, nhưng sau đó đã bị xóa. Bức thư này chỉ trích Nga tấn công các nước láng giềng yếu ớt.

“Chúng tôi phản đối các cuộc chiến tranh phi nghĩa”, các học giả tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh và các trường khác cho biết.

Những người theo “Chủ nghĩa dân tộc” ở Trung Quốc đã chỉ trích các giáo sư này không giữ vững lập trường đúng đắn của đảng cầm quyền.

Tờ AP cho biết, trong mấy thập kỷ ĐCSTQ cầm quyền, đã sử dụng sách giáo khoa học đường và các kênh truyền thông do chính phủ kiểm soát để thúc đẩy sự bất bình của chủ nghĩa dân tộc. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã nhắc lại lập trường của Bắc Kinh rằng, hoa Kỳ và các đồng minh Âu Châu phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến ở Ukraine. Dưới sự thúc đẩy của chủ nghĩa dân tộc, nhiều cư dân mạng Trung Quốc đã kêu gọi Trung Quốc hỗ trợ Nga bằng cách mua dầu, khí đốt và các hàng hóa khác.

Tuy nhiên, theo diễn biến của cuộc chiến, một số cư dân mạng Trung Quốc đã bắt đầu xem xét kỹ lưỡng nội dung các tin tức về cuộc chiến Nga-Ukraine. Tờ The New York Times đưa tin, thậm chí, nhà văn theo “chủ nghĩa dân tộc” Vương Hiểu Đông (Wang Xiaodong) còn cho biết: “Người Trung Quốc nên được tiếp cận với các thông tin toàn diện và đa dạng”. 

Hãng tin AP cho biết, những nội dung mà ĐCSTQ cho phép phát biểu trên mạng, cũng như những nội dung mà họ yêu cầu các kênh truyền thông đăng tải, là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy đảng này muốn định hướng công chúng nhìn nhận cuộc chiến như thế nào.

Không phải tất cả người dân Trung Quốc đều thích Nga, tại sao ngoại giới chỉ nghe thấy một giọng nói?

Nhìn qua các phương tiện truyền thông xã hội ở nước ngoài, chúng ta có thể thấy tràn ngập những tiếng nói phản đối chiến tranh, trong khi đó, dư luận trên mạng Internet ở Trung Quốc thì dường như ủng hộ ông Putin một cách áp đảo. Tờ The New York Times nói rằng, tất nhiên là có nhiều hơn một tiếng nói của người dân Trung Quốc về vấn đề này, nếu không sẽ không có nhiều người trong nhóm bạn bè chặn nhau vì điều này. Đã từng có một số tiếng nói phản đối chiến tranh lan truyền trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc trong một khoảnh khắc ngắn, và có một số đã trở nên “phổ biến” trên WeChat với hơn 100,000 lượt xem chỉ trong một ngày. Nhưng trước khi được cả thế giới biết đến, chúng đã nhanh chóng bị kiểm duyệt và biến mất vào “nấm mồ 404” của mạng lưới trực tuyến.

Sau khi một số cư dân mạng Trung Quốc nhận xét rằng cuộc chiến này gây ra sự phẫn nộ của công chúng ở Ukraine, các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ bắt đầu kêu gọi công chúng không làm như vậy, và việc kiểm duyệt trực tuyến cũng đã được điều chỉnh tùy theo tình hình. Chính quyền Trung Quốc đã đóng các tài khoản có nội dung thô tục như “cung cấp người đẹp Ukraine”, nhưng các video và bài viết ủng hộ cuộc chiến Nga-Ukraine thì vẫn được phép lan truyền trên Internet. (T/H, ETV)