Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc tuyển mộ nhiều nhà khoa học trên thế giới, Úc để ý

Một nhà nghiên cứu cho biết, thể chế minh bạch rất quan trọng và có thể giúp ngăn việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc một cách không kiểm soát.

Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc vừa công bố một báo cáo cho thấy, Trung Quốc đang tuyển mộ nhiều nhà khoa học thuộc nhiều quốc gia trên thế giới nhằm giúp nước này tiếp cận với các công nghệ tiên tiến.

Một báo cáo mới được Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc công bố có tên gọi là Đi tìm Phượng Hoàng cho biết, từ năm 2008 cho đến nay, Trung Quốc đã tuyển mộ khoảng 60.000 các nhà khoa học trên thế giới nhằm chuyển giao công nghệ cao sang nước này.

Trung Quốc sử dụng 600 trạm tuyển dụng khắp thế giới nhằm đánh cắp ...

Để làm được điều này, Trung Quốc đã thành lập khoảng 600 trung tâm tuyển mộ trên toàn thế giới, trong đó ở Mỹ đã xác định được 146 trung tâm, 57 trung tâm tại Đức và Úc và hơn 40 trung tâm tại Anh, Canada, Nhật Bản và Pháp. Mỗi trung tâm nhận được khoảng 30.000 AUD chí hoạt động mỗi năm cộng thêm khoản tiền thưởng mỗi khi tuyển mộ được một nhà khoa học.

Báo cáo này cho biết, khoảng 1.000 nhà khoa học Úc đang tham gia các chương trình nghiên cứu trong khuôn khổ này với Trung Quốc. Báo cáo cũng cho rằng Liên đoàn học giả Trung Quốc tại Úc, Hiệp hội học giả và sinh viên Trung Quốc tại trường Đại học Công nghệ Sydney (UTS) là một trong những nơi có mối liên hệ với những chương trình tuyển mộ này. Những tổ chức này có mối liên hệ với cộng đồng người Hoa tại Úc và nhận tiền để tìm kiếm và tuyển dụng các nhân tài, thúc đẩy các hợp tác nghiên cứu và đón các đoàn từ Trung Quốc sang thăm.

trung quoc tuyen mo nhieu nha khoa hoc tren the gioi, australia de y hinh 1
Nhà nghiên cứu Alex Joske thuộc Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Australia. Ảnh: Gary Ramage.

Nhà nghiên cứu Alex Joske, chuyên gia phân tích Trung Quốc của Viện nghiên cứu chính sách chiến lược Úc nhận định, cũng giống như nhiều quốc gia, Trung Quốc cũng tìm cách thu hút nhân tài từ nước ngoài. Tuy vậy, chương trình thu hút nhân tài của Trung Quốc có thiên hướng thực hiện các thỏa thuận với từng nhà nghiên cứu hơn là với các đơn vị nghiên cứu. Bên cạnh đó, các chương trình này cũng cho phép các nhà nghiên cứu giữ nguyên công việc hiện tại cùng lúc thực hiện công việc thứ hai với Trung Quốc.

Đây là điều trái với quy định về việc làm và sở hữu trí tuệ của các trường đại học. Tại Mỹ, 54 nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Y khoa quốc gia đã phải thôi việc sau khi không thể công bố được khoản tài trợ từ nước ngoài. Một cuộc điều tra của Đại học Texas A&M cho thấy, hơn 100 nhân viên của trường hoặc là các học giả thỉnh giảng có liên quan đến các chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc song chỉ có 5 người khai báo điều này với nhà trường.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Alex Joske cũng khẳng định, không phải ai cũng vi phạm quy định khi tham gia các chương trình tuyển mộ nhân tài của Trung Quốc. Không ít người đã từ bỏ công việc hiện tại, ký hợp đồng với một trường Đại học của Trung Quốc và đến Trung Quốc làm việc. Và sự luân chuyển nhân tài giữa các quốc gia là một đặc điểm bình thường của cộng đồng nghiên cứu quốc tế.

Báo cáo Đi tìm Phượng Hoàng cũng đề xuất một số cách thức nhằm hạn chế tình trạng chảy máu chất xám một cách bất hợp pháp sang Trung Quốc trong đó có việc yêu cầu công khai các khoản tài trợ từ nước ngoài vào tất cả các quy trình cấp, tài trợ nghiên cứu. Đồng thời, báo cáo cũng đề xuất thành lập Văn phòng nghiên cứu liêm chính quốc gia để liên kết các nỗ lực của chính phủ với các lĩnh vực liên quan. Nhà nghiên cứu Alex Joske cho biết, việc xây dựng thể chế minh bạch rất quan trọng và có thể giúp ngăn chặn việc chuyển giao công nghệ một cách không kiểm soát cho Trung Quốc. Đồng thời, nó cũng giúp các nhà khoa học hiểu được những rủi ro khi tham gia các chương trình tuyển dụng nhân tài của Trung Quốc./. (VOV)