Trung Quốc thu thập hàng chục triệu mẫu DNA nam giới trong nỗ lực tăng cường giám sát người dân
Nhằm cung cấp một công cụ giám sát mạnh mẽ mới cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cảnh sát nước này sẽ thu thập các mẫu máu từ đàn ông và con trai trên khắp đất nước để xây dựng bản đồ di truyền của khoảng 700 triệu nam giới…
Theo một nghiên cứu mới được công bố vào ngày Thứ Tư (17/6) bởi Viện Chính sách chiến lược Úc, dựa trên các tài liệu cũng được tờ New York Times xem xét thì vào cuối năm 2017, cảnh sát Trung Quốc đã đi khắp đất nước và thu thập mẫu để xây dựng một cơ sở dữ liệu DNA khổng lồ. Với cơ sở dữ liệu này, chính quyền có thể theo dõi một người đàn ông mà chỉ cần sử dụng máu, nước bọt hoặc vật liệu di truyền khác của anh ta.
Dự án này là một bước leo thang hung hăng trong nỗ lực sử dụng di truyền để kiểm soát người dân của ĐCSTQ. Trước đó, việc thu thập thông tin di truyền chỉ áp dụng để theo dõi các nhóm dân tộc thiểu số, học viên Pháp Luân Công và các nhóm mục tiêu khác.
Cảnh sát nói rằng họ cần cơ sở dữ liệu để bắt tội phạm và người hiến máu cũng đồng ý giao nộp DNA cho họ.Tuy nhiên, các nhà hoạt động nhân quyền cho rằng việc thu thập DNA được thực hiện mà không có sự đồng ý vì công dân sống trong một quốc gia độc tài hầu như không có quyền từ chối.
Ngoài ra, một số quan chức ở Trung Quốc, cũng như các nhóm nhân quyền ở hải ngoại, cảnh báo rằng cơ sở dữ liệu DNA quốc gia có thể xâm phạm quyền riêng tư và cho phép các quan chức để trừng phạt thân nhân của các nhà bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động
Ông Maya Wang, một nhà nghiên cứu Trung Quốc thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói: “Khả năng chính quyền trong việc phát hiện ra ai là người có liên quan mật thiết nhất với ai, cho phép [nó] trừng phạt cả gia đình của một người phạm tội, và gây nỗi sợ hãi đến toàn xã hội”.
Anh Jiang, một kỹ sư máy tính, sống và làm việc tại Bắc Kinh nhưng xuất thân từ một ngôi làng ở Thiểm Tây. Vào tháng 2/2019, cảnh sát nói với anh rằng anh phải trở về làng để trả mẫu DNA của mình. Anh nói rằng mình không có lựa chọn.
Anh nói: “Nếu chính quyền không lấy được mẫu máu, chúng tôi sẽ bị liệt vào danh sách ‘hộ gia đình đen’”. Khi đó, gia đình anh sẽ bị tước đoạt quyền lợi như đi du lịch và đến bệnh viện.
Chiến dịch thậm chí lan đến các trường học. Tại một thị trấn ven biển phía nam Trung Quốc, các học sinh nam đã phải đưa những ngón tay của mình cho một sĩ quan cảnh sát lấy máu.
Thủ đoạn hợp thức hóa dự án lấy mẫu DNA nam giới của ĐCS Trung Quốc
Theo chính quyền Trung Quốc, họ thu thập các mẫu DNA từ đàn ông và con trai vì một lý do đơn giản: Họ phạm tội nhiều hơn theo thống kê.
Cái cớ cho chiến dịch có lẽ bắt nguồn từ một vụ phạm tội với bản án còn nhiều điểm đáng ngờ ở khu vực phía bắc Trung Quốc thuộc Nội Mông. Trong gần 3 thập kỷ, cảnh sát tại đây đã điều tra các vụ hãm hiếp và giết hại 11 phụ nữ và một bé gái 8 tuổi. Họ đã thu thập được 230.000 dấu vân tay, hơn 100.000 mẫu DNA và đưa ra phần thưởng trị giá 28.000 USD cho người tố giác tội phạm.
Sau đó, vào năm 2016, cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông tên Gao Chengyong với tội danh không liên quan là hối lộ. Phân tích gen của Gao, họ nói rằng anh ta liên quan đến một mẫu DNA tại nơi xảy ra vụ giết một người phụ nữ năm 2005. Sau đó, Gao đã phải thú nhận tội ác và bị xử tử.
Sau đó, các phương tiện truyền thông nhà nước đã sử dụng vụ bắt giữ Gao để kêu gọi tạo ra một cơ sở dữ liệu DNA nam giới của quốc gia. Cảnh sát ở tỉnh Hà Nam cho thấy việc này khả thi sau khi lấy mẫu từ 5,3 triệu người, tương đương 10% nam giới của tỉnh từ năm 2014-2016. Tiếp đó vào tháng 11/2017, Bộ Công an Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch về một cơ sở dữ liệu di truyền quốc gia.
Báo cáo do viện Úc công bố ước tính rằng chính quyền Trung Quốc sẽ thu thập từ 35-70 triệu mẫu DNA, tương đương khoảng 5% đến 10% nam giới nước này. Họ không cần phải lấy mẫu toàn bộ nam giới, bởi vì mẫu DNA của một người có thể tiết lộ về họ hàng của người đó.
Các nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích rằng khoa học di truyền sẽ mang lại cho chính quyền Trung Quốc những quyền lực chưa từng có để truy tố những người mà họ không thích. Họ có thể dùng DNA để cho lời buộc tội của họ đáng tin hơn trong mắt công chúng.
Anh Li Wei, một nhà hoạt động nhân quyền, cho rằng trong tay các quan chức địa phương, DNA có thể dùng để tạo bằng chứng giả. Cảnh sát Bắc Kinh đã thu thập một mẫu DNA của anh khi anh đang phải thụ án 2 năm vì tội gây rối trật tự công cộng – một cáo buộc mà chính quyền thường xuyên sử dụng để chống lại những người bất đồng chính kiến.
Anh Li nói: “Trong một số trường hợp, máu và nước bọt của bạn, được thu thập trước, có thể được đưa vào hiện trường vụ án sau đó. Bạn không có mặt ở đó, nhưng DNA của bạn có thể xuất hiện. Đây là điều tôi đã lo lắng – khả năng vụ án bị dàn xếp”.
NTD (Theo The New York Times)