Thursday, January 23, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc lo ngại bị gạt ra khỏi hệ thống thanh toán bằng USD

Những rủi ro từ lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ đang hiện ra trước mắt Trung Quốc khi Đại hội Đại biểu Toàn quốc thông qua Luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Bắc Kinh lo ngại Washington sẽ sử dụng đến “phương án hạt nhân” và gạt Trung Quốc ra khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đôla Mỹ.

Trung Quốc đang phải đối mặt với một câu hỏi mới đầy phiền phức: Liệu chính quyền TT Trump có tận dụng sức mạnh của đồng đôla Mỹ để làm phương hại đến lợi ích của Bắc Kinh sau kế hoạch áp đặt luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông? 

Nhiều suy đoán về các lệnh trừng phạt của Mỹ đã được đặt ra, trong đó Trung Quốc ít có khả năng bị đối xử như Nga hoặc Iran, nhưng rủi ro về một cuộc chiến tranh tài chính, bao gồm việc bị cắt rời khỏi hệ thống đồng thanh toán bằng USD, là điều có thể xảy ra với Trung Quốc.

Theo các nhà phân tích, nếu Washington loại hệ thống doanh nghiệp và tài chính Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đôla Mỹ, như Hệ thống nhắn tin thanh toán quốc tế (Swift) và Hệ thống thanh toán bù trừ liên ngân hàng quốc tế (Chips), đó có thể là khởi đầu cho một cơn sóng thần tài chính, khiến hệ thống tài chính toàn cầu đi vào khủng hoảng.

“Đây rõ ràng là một ‘giải pháp hạt nhân’ đối với Mỹ,” một quan chức Trung Quốc nói ngắn gọn trong cuộc thảo luận nội bộ về phản ứng của Bắc Kinh đối với nguy cơ các đòn trừng phạt của Mỹ đối với Luật an ninh quốc gia Hồng Kông. “Nó sẽ làm tổn thương Trung Quốc, nhưng nó có thể làm tổn thương Mỹ nhiều hơn.”

Vị quan chức giấu tên nói rằng Bắc Kinh hiện vẫn coi đó chỉ là “nguy cơ thấp” và là cú đòn cuối cùng. “Một hành động kiểu như vậy sẽ gần với một cuộc chiến tranh nóng hơn là chiến tranh lạnh,” nguồn tin nói.

Giống như hầu hết các nước khác trên thế giới, Trung Quốc dùng đồng đôla Mỹ làm công cụ thanh toán cho phần lớn các hoạt động thương mại, tài chính và đầu tư quốc tế, với những thể chế kinh tế tại Hồng Kông đóng vai trò cửa ngõ.

Việc sử dụng đồng đôla Mỹ của Trung Quốc đã giúp Mỹ duy trì “siêu đặc quyền” về tiền tệ – thuật ngữ được dùng bởi cựu Bộ trưởng Tài chính Pháp Valéry Giscard d’Estaing năm 1965 – trong hệ thống tiền tệ quốc tế.

Quan điểm của Trung Quốc về đồng đôla Mỹ khá phức tạp. Một mặt, chính phủ Trung Quốc nắm khối lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, hơn một nửa là tài sản định giá bằng đồng đôla. Bắc Kinh cũng coi đồng đôla như một loại tài sản chiến lược, hạn chế việc người dân chuyển đổi từ đồng nhân dân tệ sang đôla, chỉ được đổi 50.000 đôla Mỹ mỗi năm và theo dõi chặt chẽ các công ty chuyển đôla ra ngoài đất nước.

Mặt khác, trong thập kỷ qua Bắc Kinh đã nỗ lực hết sức để làm suy yếu sức mạnh của đồng đôla. Năm 2009, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc đã đề xuất nên tạo ra một siêu tiền tệ mới thay cho đồng đôla.

Trung Quốc khuyến khích sử dụng đồng NDT trong các thỏa thuận thương mại. Chính quyền Trung Quốc đã thành lập một thị trường ở Thượng Hải để trao đổi bằng NDT các hợp đồng mua dầu thô tương lai, phát triển một hệ thống thanh toán bằng đồng NDT xuyên biên giới, đồng thời  ký kết hàng chục hợp đồng hoán đổi đồng NDT song phương và thậm chí thiết lập ngân hàng đa phương của riêng họ.

Tuy nhiên, những cố gắng này chỉ đạt được thành công hạn chế vì đồng USD vẫn là lựa chọn hàng đầu của các thương gia, nhà đầu tư và ngân hàng trung ương trên thế giới.

Con số mới nhất từ hệ thống Swift cho thấy đồng NDT chỉ chiếm 1,66% trong các giao dịch thanh toán quốc tế so với 43% của đồng USD.

Thêm vào đó, hơn 70% việc sử dụng đồng NDT trong thanh toán quốc tế diễn ra ở Hồng Kông, nơi có đồng tiền và hệ thống tài chính riêng biệt với Đại lục.

Vì đồng đôla Hồng Kông được chốt bởi đôla Mỹ và có thể tự do chuyển đổi sang các đồng tiền khác, nó được coi như một công cụ để Trung Quốc tiếp cận vốn toàn cầu.

Do đó, Bắc Kinh đang quan ngại rằng Mỹ có thể tiến tới làm suy yếu hoặc thậm chí phá vỡ những kết nối này, tước đi của Trung Quốc con đường tiếp cận với vốn toàn cầu trong khi làm suy yếu vị thế của Hồng Kông như là trung tâm tài chính quốc tế.

Trước đó, Mỹ đã áp đặt trừng phạt về tài chính đối với một số công ty và ngân hàng Trung Quốc. Zhuhai Zhenhua, công ty dầu khí nhà nước, đã bị trừng phạt do vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ chống Iran, trong khi Ngân hàng Kunlun cũng bị gạt ra khỏi hệ thống thanh toán của Mỹ. Tuy nhiên, những lệnh trừng phạt này chỉ nhằm vào các doanh nghiệp đơn lẻ chứ chưa mang tính hệ thống.

Francis Lui Ting-ming, giáo sư tại Đại học Khoa học Hồng Kông, nói rằng việc gạt Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đôla có thể gây tác dụng ngược, vì Washington cần Bắc Kinh tiếp tục mua nợ khi nợ quốc gia của Mỹ đang tăng nhanh.

Theo số liệu mới đây nhất của Kho bạc Mỹ, Trung Quốc đang nắm 1.100 tỷ đôla trái phiếu kho bạc Mỹ, chiếm khoảng 4,4% tổng nợ quốc gia.

Do vậy, nếu Mỹ gạt Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu bằng đôla, Bắc Kinh sẽ đẩy mạnh quốc tế hóa đồng NDT và tăng cường thúc đẩy tạo ra một hệ thống tiền tệ toàn cầu không phụ thuộc vào đồng tiền của Mỹ.

“Mỹ có thể uy hiếp Iran và Venezuela, những nước không có sức mạnh chính trị và tài chính. Nhưng tầm cỡ và đồng tiền của Trung Quốc quá lớn, Mỹ sẽ không dám thi hành những biện pháp quá khích như vậy.” ông Lui nhận định.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đang kêu gọi gia tăng nỗ lực nhằm làm giảm sự phụ thuộc của đất nước vào đồng đôla Mỹ.

Li Yang, một nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học xã hội từng tư vấn cho ngân hàng trung ương, nói trong một diễn đàn trực tuyến hồi tháng Năm rằng Trung Quốc nhất định phải gia tăng việc quốc tế hóa đồng NDT và dùng sức mạnh kinh tế của mình để thúc đẩy đồng NDT ra nước ngoài.

Cao Yuangzheng, một nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Quốc tế Trung Quốc, nói bất kỳ cố gắng nào của Mỹ nhằm cô lập Trung Quốc khỏi hệ thống thanh toán bằng đồng đôla sẽ thúc đẩy việc hình thành một trật tự tiền tệ quốc tế mới thay thế cho đồng tiền đã tồn tại từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. “Chúng ta sẽ chứng kiến hệ thống tiền tệ mới xuất hiện trong 20 đến 30 năm tới,” ông Cao nói. (T/T theo SCMP)