Trung Quốc đánh thuế 45% đối với công dân làm việc ở nước ngoài, khiến nhiều người rời khỏi Hong Kong
Thuế suất của Trung Quốc đối với công dân ở nước ngoài có thể lên tới 45%, hơn nữa phạm vi bao phủ cũng rất rộng, khiến rất nhiều người không chịu đựng nổi. Đặc biệt là các nhân viên mang quốc tịch Trung Quốc làm việc tại Hong Kong, họ phải đối mặt với khó khăn gấp đôi: thuế cao và phí sinh hoạt cao. Một số nhân viên trong ngành ngân hàng ở Hong Kong đang cân nhắc việc rời đi, điều này có thể làm tình trạng chảy máu chất xám ở Hong Kong càng thêm trầm trọng.
Gần đây, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có văn phòng tại Hong Kong đã thông báo cho nhân viên mang quốc tịch Trung Quốc (sau đây gọi tắt là nhân viên đại lục) làm việc ở Hong Kong, yêu cầu họ khai báo thu nhập năm 2019 để chuẩn bị nộp thuế. Nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tại Ma Cao và Singapore cũng nhận được thông báo tương tự.
Theo tờ Caixin của Trung Quốc, nhiều tổ chức tài chính như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (Châu Á), Công ty Cổ phần Quốc tế ICBC, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc (Châu Á), Ngân hàng Trung Quốc (Hong Kong), v.v. đã ra thông báo nội bộ vào cuối tháng 6, yêu cầu nhân viên làm việc ở nước ngoài tổng hợp thu nhập ở trong và ngoài nước để khai thuế.
Bloomberg dẫn lời các nhân viên có liên quan và các nguồn tin trong ngành cho biết, mức thuế cao nhất có thể lên tới 45%, các quy định chi tiết liên quan khiến nhiều người không kịp chuẩn bị.
Phạm vi đánh thuế lần này của ĐCSTQ không chỉ giới hạn ở mức lương khi làm việc ở nước ngoài, mà còn bao gồm cổ phiếu thưởng (bonus shares) và chuyển nhượng bất động sản ở nước ngoài… Ông Jia Zeliang, Giám đốc điều hành của Ishtar Consulting Inc. – một công ty cố vấn kế hoạch tài chính, cho rằng kết quả của sự việc này sẽ là khiến nhiều công ty phải chịu phần lớn gánh nặng thuế ngoài hạn mức, hoặc một lượng lớn nhân viên đại lục sẽ rời đi.
Các nhân viên đại lục ở Hong Kong nói với Bloomberg rằng, thuế suất của ĐCSTQ lên tới 45%, trong khi thuế suất địa phương ở Hong Kong chỉ có 15%, điều đó có nghĩa là các nhân viên đại lục làm việc tại Hong Kong sẽ phải đối mặt với áp lực thuế cao và chi phí sinh hoạt cao, một số người đang xem xét rời khỏi Hong Kong.
Một vị quản lý cấp cao của ngân hàng nhà nước Trung Quốc đang làm việc tại văn phòng ở Hong Kong tuyên bố rằng, thu thuế cao có thể làm cạn kiệt tất cả tiền tiết kiệm mà gia đình ông tích lũy được từ khi chuyển đến Hong Kong vài năm qua. Ông cho biết, một số đồng nghiệp đã đề xuất yêu cầu miễn giảm tới trụ sở Bắc Kinh, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển. Một số người hiện đang xem xét quay trở về đại lục, trong khi những người khác đang xem xét đổi sang hộ chiếu Hong Kong.
Một vị quản lý cấp cao của ngân hàng khác cho biết, mặc dù ngân hàng của ông có kế hoạch cung cấp các khoản vay hoặc tiền mặt không lãi suất cho nhân viên bị ảnh hưởng bởi điều này, nhưng ông dự đoán khoản trợ cấp này sẽ không thể kéo dài đến một năm.
Ông Phùng Ngao (Feng Ao), Viện trưởng Học viện Pháp luật Ốc Thịnh (Wosheng), cho rằng một số công ty có thể tăng lương cho Giám đốc điều hành, nhưng hầu hết nhân viên chỉ có thể tự chịu tổn thất. Bởi vì họ có thể nhận trợ cấp và tăng lương hay không còn phụ thuộc vào lợi nhuận của công ty, nhưng việc kinh doanh lại bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vậy nên trợ cấp hay tăng lương là điều không thể.
Tin tức về mức thuế cao của Trung Quốc cũng làm dấy lên mối lo ngại về việc chảy máu chất xám của giới kinh doanh ở Hong Kong. Hong Kong có thể phải đối mặt với tình trạng cả người dân bản địa và công dân đại lục rời đi cùng một lúc.
Khi tự do của Hong Kong suy giảm, chỉ số nơi đáng sống của Hong Kong đã tụt 10 bậc trong năm 2019. Năm 2019, số lượng cư dân Hong Kong rời Hong Kong tăng 43% so với năm 2018, đây là mức cao kỷ lục trong 6 năm qua; số người từ đại lục đến Hong Kong cũng giảm hơn 10% trong năm 2019 và giảm trong 3 năm liên tiếp.
Việc ĐCSTQ cưỡng chế thi hành Luật An ninh Quốc gia Hong Kong đồng nghĩa với việc kết thúc “một quốc gia, hai chế độ”, cũng có nghĩa là Hong Kong mất đi vị thế đặc biệt trong nền thương mại tự do. Một số công ty di dân tiết lộ rằng số người Hong Kong cần tư vấn di cư đã tăng vọt.
Hôm 14/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký “Luật Tự trị Hong Kong”, và tuyên bố rằng ĐCSTQ đã tước đoạt quyền tự do của người dân Hong Kong, tương lai sẽ có nhiều người hơn nữa rời khỏi Hong Kong. Trước đó, Vương quốc Anh tuyên bố rằng tất cả người dân Hong Kong có hộ chiếu hải ngoại của Anh BNO (khoảng 3 triệu người) có thể nộp đơn xin cư trú 5 năm tại Vương quốc Anh, sau đó họ có thể nộp đơn xin định cư và nhập tịch; Úc tuyên bố công dân Hong Kong có visa sinh viên hoặc visa làm việc tạm thời đang ở Úc có thể gia hạn thị thực đến 5 năm và cung cấp lộ trình nhập tịch. (NTD Theo Epoch Times)