Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc có dừng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông do những trừng phạt mới của Mỹ?

Trần Thái Bình

Mỹ tiếp tục trừng phạt Trung Quốc

Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 14/1 khẳng định sẽ nỗ lực bảo vệ và duy trì một Biển Đông tự do và rộng mở. Cùng lúc, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố đưa Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) vào “danh sách đen kinh tế” với cáo buộc tập đoàn này hỗ trợ Bắc Kinh dọa nạt các nước láng giềng ở Biển Đông.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao: “Mỹ và các nước tuân thủ luật pháp chia sẻ lợi ích sâu sắc trong việc duy trì một Biển Đông tự do và rộng mở. Tất cả các quốc gia, không phân biệt sức mạnh quân sự và kinh tế, đều nên được thoải mái thực hiện các quyền và tự do của mình mà luật pháp quốc tế quy định, như được phản ánh trong UNCLOS 1982 mà không lo sợ bị cưỡng ép.

Trung Quốc có dừng các hoạt động phi pháp ở Biển Đông do những trừng phạt mới của Mỹ?
Hình minh hoạ. Tàu chiến USS Wayne E. Meyer của Mỹ đi qua Biển Đông hôm 11/4/2017 (Hình Reuters).

Hôm nay, Mỹ sẽ có thêm hành động để bảo vệ các quyền và tự do đó. Theo Mục 212(a)(3)(C) của Đạo luật về Nhập cư và Quốc tịch, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ áp dụng các hạn chế đối với các cá nhân từ CHND Trung Hoa, bao gồm lãnh đạo của các tập đoàn nhà nước, các quan chức của Đảng Cộng sản Trung và Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) chịu trách nhiệm hoặc có liên quan tới các hoạt động bồi đắp quy mô lớn, xây dựng, quân sự hóa các tiền đồn tranh chấp tại Biển Đông; hoặc liên quan tới việc Trung Quốc cưỡng ép các nước Đông Nam Á có yêu sách để ngăn cản họ tiếp cận các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại Biển Đông. Việc hạn chế visa cũng có thể được áp dụng đối với các thành viên gia đình của những đối tượng trên.

Thêm vào đó, Bộ Thương mại Mỹ cũng đã liệt Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) vào danh sách đen vì có vai trò trong chiến dịch cưỡng ép của Trung Quốc đối với các nước có yêu sách trong việc tiếp cận nguồn tài nguyên dầu khí trị giá khoảng 2500 tỉ đô-la ở Biển Đông. Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng CNOOC và các tập đoàn nhà nước khác như vũ khí để thực thi yêu sách “đường chín đoạn” phi pháp của Bắc Kinh. CNOOC đã đưa giàn khoan thăm dò khổng lồ HD-981 của mình tới gần quần đảo Hoàng Sa năm 2014 nhằm đe dọa Việt Nam. Tổng Giám đốc điều hành CNOOC lúc bấy giờ còn gọi giàn khoan đó là “lãnh thổ quốc gia di động.”

Bắc Kinh tiếp tục điều các đội tàu cá, tàu khảo sát năng lượng, với sự hộ tống của các tàu quân sự, tới hoạt động ở các vùng biển của các quốc gia Đông Nam Á và quấy rối các hoạt động phát triển dầu khí của họ ở các khu vực mà Trung Quốc không thể đưa ra một tuyên bố chủ quyền hợp pháp, nhất quán.

Trong Phán quyết đồng thuận ngày 12/7/2016, một Tòa Trọng tài được thành lập theo UNCLOS 1982 – mà Trung Quốc là một quốc gia thành viên – đã bác bỏ các yêu sách trên Biển Đông của Trung Quốc do không có cơ sở trong luật pháp quốc tế. Tháng 7/2020, Mỹ cũng đã nêu rõ lập trường của mình đối với các yêu sách trên biển của Trung Quốc tại Biển Đông, đồng nhất với các khía cạnh chính trong Phán quyết của Tòa Trọng tài và tái khẳng định Mỹ phản đối các yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông. Mỹ hoan nghênh việc nhiều nước công khai phản đối các yêu sách này tại Liên hợp quốc.

2018-04-13T022741Z_1438868069_RC14BD643990_RTRMADP_3_CHINA-MILITARY-XI.JPG
Hình minh hoạ. Hải quân của Quân đội Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông hôm 12/4/2018. (Hình Reuters)

Mỹ luôn sát canh cùng các nước Đông Nam Á có mong muốn bảo về các quyền chủ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc quốc tế. Mỹ sẽ tiếp tục hành động cho đến khi Bắc Kinh ngưng hành vi cưỡng ép của mình tại Biển Đông.”

Tuyên bố của Mỹ kết luận: “Mỹ sát cánh với các quốc gia có yêu sách ở Đông Nam Á đang tìm cách bảo vệ các quyền và lợi ích chủ quyền của họ, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi chúng tôi thấy Bắc Kinh chấm dứt các hành vi cưỡng bức ở Biển Đông.”

Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống Trump hôm 13/1 đã ký một lệnh hành pháp mới nhằm hướng dẫn các nhà đầu tư Mỹ thoái vốn khỏi các công ty Trung Quốc bị liệt vào “danh sách đen”. Lệnh sửa đổi cũng nhấn mạnh rằng các quy tắc áp dụng cho bất kỳ công ty con nào thuộc các công ty Trung Quốc này, trừ khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ loại một công ty con cụ thể khỏi danh sách. Sở giao dịch chứng khoán New York một tuần trước đã 2 lần đảo ngược kế hoạch hủy niêm yết các công ty con của 3 hãng viễn thông Trung Quốc là China Telecom, China Mobile và China Unicom.

Ngày 14/1, S&P Dow Jones cho biết vào cuối ngày 13/1, họ sẽ xóa CNOOC “vào hoặc trước ngày 1 tháng 2” như một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của chính quyền Trump nhằm cô lập các công ty Trung Quốc khỏi các nhà đầu tư Mỹ.

2012-12-10T120000Z_366109927_GM1E8CA151O01_RTRMADP_3_CANADA-INVESTMENT-CHINA.JPG
Hình minh hoạ. Người đàn ông đi qua một tấm biển quảng cáo có hình giàn khoan của công ty CNOOC ở Bắc Kinh. (Hình Reuters)

Dư luận đánh giá về động thái này của Mỹ

Tuần  trước, Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố sẽ thêm CNOOC vào danh sách trừng phạt nhằm phong tỏa tài sản của tập đoàn này và cấm họ làm ăn với các công ty Mỹ. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross rằng: “Các hành động liều lĩnh và hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông và việc họ hung hăng thúc đẩy việc giành lấy tài sản trí tuệ và công nghệ nhạy cảm cho các nỗ lực quân sự hóa của mình là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ và an ninh của cộng đồng quốc tế”.

Theo ông Wilbur Ross, CNOOC có hành động ép Quân đội Giải phóng Nhân dân đe dọa các nước láng giềng và quân đội Trung Quốc tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách hợp nhất dân sự – quân sự của chính phủ cho các mục đích xấu. CNOOC cũng nhiều lần quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Bộ Thương mại Mỹ cũng lên tiếng về việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo từ năm 2013, tạo điều kiện cho Đảng Cộng sản Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông để làm suy yếu quyền chủ quyền của các đối tác của Mỹ trong khu vực.

Bộ Thương Mại Mỹ cũng đưa một công ty Trung Quốc khác là Skyrizon vào danh sách người dùng quân sự đầu cuối (MEU) do có khả năng phát triển, sản xuất, bảo trì các thiết bị quân sự như động cơ máy bay quân sự. Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng, đây là một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc, nỗ lực mua lại và tập trung hóa các công nghệ quân sự nước ngoài gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Mỹ.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, tổng cộng đã có 35 công ty của Trung Quốc bị Mỹ xác định là công ty của quân đội hoặc có liên quan quân đội Trung Quốc.

Các hạn chế thị thực tương tự được công bố vào tháng 8/2020 dù Bộ Ngoại giao Mỹ không nói rõ rằng các quan chức và giám đốc điều hành Trung Quốc sẽ là trọng tâm.

Greg Poling, chuyên gia cấp cao về Đông Nam Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, lưu ý rằng CNOOC đã “vắng mặt rất nhiều lần” trong các chỉ định liên quan đến Biển Đông mà Mỹ công bố vào tháng 8/2020. Tuy nhiên, ông đặt câu hỏi về tác động của tuyên bố mới nhất của Mỹ: “Đây là những hình phạt tượng trưng cho những sai phạm đã xảy ra cách đây 7 năm. Chúng có tính thông điệp, song không giải quyết được hành vi bất hợp pháp đang diễn ra của Trung Quốc”.

Tuần này, Biden đã chọn Kurt Campbell, một cựu quan chức ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á dưới thời chính quyền Barack Obama, làm điều phối viên các vấn đề Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong Hội đồng an ninh quốc gia. Ông Campbell sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều phối chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc.

Như vậy, các biện pháp trừng phạt trên của chính quyền Trump có thể khiến hoạt động ngoại giao của Tổng thống đắc cử Joe Biden với Trung Quốc trở nên khó khăn hơn khi ông nhậm chức vào tuần tới.

Theo Reuters, việc chính quyền Trump trừng phạt các cá nhân và công ty Trung Quốc vì có hành vi sai trái ở Biển Đông và áp đặt lệnh cấm đầu tư đối với 9 công ty khác sẽ càng làm gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh, đối thủ chiến lược của Washington ở châu Á, vài ngày trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức.

Tuy nhiên, các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết các hạn chế nhằm vào CNOOC sẽ không áp dụng đối với nhiên liệu thô, nhiên liệu tinh chế và khí đốt tự nhiên lỏng và không áp dụng cho các liên doanh hiện có với CNOOC không hoạt động ở Biển Đông. Trong số 9 công ty Trung Quốc bị Lầu năm góc bổ sung vào danh sách các công ty bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc có nhà sản xuất máy bay Comac và nhà sản xuất điện thoại Xiaomi Corp. Các công ty này sẽ phải tuân theo lệnh cấm đầu tư mới của Mỹ, buộc các nhà đầu tư Mỹ phải thoái vốn khỏi các công ty trong “danh sách đen” trước ngày 11/11/2021.

Liệu Việt Nam có tận dụng được cơ hội?

Các động thái này của Mỹ rõ ràng đã mang tới những lợi thế nhất định cho Việt Nam. Việc tuyên bố của Mỹ chỉ đích danh tập đoàn CNOOC sử dụng giàn khoan HD 981 như một “lãnh thổ di động” để xâm phạm tới EEZ của Việt Nam cũng như việc Trung Quốc sử dụng các đội tàu cá để quấy nhiễu, đe doạ việc thực hiện các hoạt động khai thác của các nước Đông Nam Á trên EEZ của chính họ đã giúp Việt Nam rất nhiều trong các hoạt động ngoại giao và pháp lý. Chính vì vậy, nếu lúc này Việt Nam biết tận dụng cơ hội để có thể thúc đẩy các hoạt động thăm dò, khai thác trên vùng EEZ của mình thì sẽ là bước đi tốt cho lợi ích của Việt Nam. Chúng ta đã thấy, phía Việt Nam đã “quá tam ba bận”, ba lần phải rút các hoạt động thăm dò và khai thác của mình trước sự đe doạ từ Trung Quốc. Mong rằng, với một “giàn nhân sự mới” sau Đại hội Đảng cộng sản lần thứ XIII, sẽ có một đội ngũ lãnh đạo mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu với thử thách để chống lại các đe doạ từ Trung Quốc, đưa đất nước phát triển. (RFA)