Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trung Quốc bị ‘cô lập’ khi Ấn Độ-Nhật Bản-Úc hình thành liên minh chuỗi cung ứng

Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang hướng tới một liên minh “Chuỗi cung ứng ba bên” nhằm “cô lập” Trung Quốc và đảm bảo giảm sự phụ thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu vào Trung Quốc.

Nhằm tạo thế đối trọng với nền sản xuất tại Trung Quốc và “kiềm chế” những hành vi chính trị, quân sự hung hăng của Bắc Kinh; Ấn Độ, Nhật Bản và Úc chính thức bắt đầu các cuộc thảo luận về Sáng kiến Phục hồi Chuỗi cung ứng (SCRI) nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trung Quốc bị ‘cô lập’ khi Ấn Độ - Nhật Bản - Úc hình thành liên minh chuỗi cung ứng
Bắc Kinh có thể sẽ phải đối mặt với những nỗ lực phối hợp chống lại chính quyền này từ phía Ấn Độ – Nhật Bản – Úc (Ảnh: Getty Images)

SCRI – ‘Hòn đá lót đường’ hướng tới khôi phục kinh tế

SCRI do Nhật Bản đề xuất, dự kiến sẽ thành hình vào tháng 11/2020. Các bên hiện đang chuẩn bị để tổ chức cuộc họp đầu tiên giữa các bộ trưởng thương mại của ba nước vào tuần tới.

Gần đây, Nhật Bản thông qua Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã tiếp cận Ấn Độ, và nhấn mạnh sự cấp bách rằng các nước phải “chủ động tiến về phía trước”.

Thông thường, New Delhi sẽ xem xét bất kỳ đề xuất nào như vậy một cách thận trọng vì nó sẽ được coi là một liên minh chống lại Trung Quốc. Nhưng lần này, chính phủ Ấn Độ dường như đã “nhiệt tình tham gia” (với các cấp cao nhất trong chính phủ) để trở thành một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu, định hướng một giải pháp thay thế chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.

Đây cũng là một trong những chủ đề chính của bài phát biểu vào Ngày Độc lập (ngày 15/8) của Thủ tướng Modi, khi ông nói rằng các doanh nghiệp đã bắt đầu coi Ấn Độ như một “trung tâm cho chuỗi cung ứng” và giờ đây Ấn Độ cũng phải “sản xuất cho thế giới”.

Đề xuất của Nhật Bản về SCRI sẽ có 2 mục tiêu chính. Thứ nhất là thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương để biến nơi này trở thành “đầu tàu về kinh tế”. Thứ hai là xây dựng mối quan hệ bổ sung lẫn nhau giữa các nước đối tác, theo SCMP.

“Covid-19 đã cho 3 nước thấy được cần giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Sáng kiến này có thể sẽ là hòn đá lót đường hướng tới khôi phục kinh tế khu vực và thúc đẩy tái phân phối quyền lực khu vực ra khỏi Trung Quốc” – chuyên gia Jagannath Pand thuộc Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng Manohar Parrikar ở New Delhi nhận định.

SCRI hướng đến ‘phản ứng trực tiếp’ để đối phó với Trung Quốc

Các nguồn tin cho biết, ý tưởng cũng mở rộng sáng kiến ​​cho ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) sau khi Ấn Độ – Nhật Bản – Úc xúc tiến vấn đề này.

Theo The Economic Times, mục tiêu SCRI vạch ra là kế hoạch xây dựng mạng lưới “chuỗi cung ứng song phương” hiện có. Ví dụ, Ấn Độ và Nhật Bản có quan hệ đối tác Năng lực cạnh tranh Công nghiệp Ấn-Nhật, từ đó tiến tới việc định vị các công ty Nhật Bản tại Ấn Độ.

Do đó, mục đích cuối cùng là cải thiện khả năng phục hồi chuỗi cung ứng trên khắp khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, thông qua đó có thể phát triển một liên kết kinh tế phù hợp với vấn đề an ninh.

SCRI có thể được xem là một “phản ứng trực tiếp” đối với các công ty và nền kinh tế riêng lẻ, nhằm chống lại sự lo ngại về hành vi “bắt nạt” chính trị của Trung Quốc và giảm bớt sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng.

Sau khi bùng phát dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thành lập một quỹ trị giá 2 tỷ USD để giúp các công ty Nhật Bản chuyển khỏi Trung Quốc. 

Úc và Hoa Kỳ, trong bối cảnh tình hình an ninh và sức khỏe ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh, đã tham gia vào một thỏa thuận đầy tham vọng để tạo ra chuỗi cung ứng “không có Trung Quốc” đối với nguyên liệu đất hiếm.

Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đề cập hôm 5/8 về mong muốn thiết lập một liên minh các quốc gia cùng chung ý tưởng trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo ông, đây là “ưu tiên cốt yếu” nhằm “tạo dựng cân bằng chiến lược lâu dài”. (NTD)