Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trái sầu riêng là ‘thủ phạm’ gây báo động làm náo loạn thủ đô Úc

CANBERRA, Úc – Vào trưa Thứ Sáu, 15 Tháng Mười, lính cứu hỏa ở thủ đô Canberra của Úc được gửi đến một khu xóm để tìm nguồn rò rỉ khí đốt, sau khi có nhiều báo cáo về mùi hôi bao trùm nơi đây.

Theo bản tin của tờ Washington Post, cùng lúc đó, một cư dân Canberra, ông Phương Trần, có lời giễu cợt trên một trang mạng xã hội rằng đây có lẽ là vì có ai đó ăn sầu riêng, loại trái cây xuất xứ từ vùng Đông Nam Á và có mùi “đặc biệt” khiến gây nhiều tranh cãi.

Người ghét trái sầu riêng thì coi đây là mùi hôi thối, như mùi cống, dễ làm phiền người khác. Nhưng những người “ghiền” sầu riêng thì nói đây là mùi thơm đặc thù của loại “vua trái cây.”

Khoảng một giờ sau đó, cơ quan điều hành các trường hợp khẩn cấp khu vực đã xác nhận lời nói “đùa mà thật” của ông Phương.

Sầu riêng tại một tiệm ở Kuala Lumpur, Malaysia. (Hình: AFP/Getty).

Trong khi tìm kiếm khu vực được báo cáo có mùi hôi lạ lùng, các nhân viên cứu nạn được một chủ nhà sống ở tầng trên các cửa tiệm nơi này, nói rằng mùi hôi kia nhiều phần là từ trái sầu riêng.

Trên trang Facebook, cơ quan này cho biết: “Sau một lúc tìm kiếm, toán cứu nạn xác nhận trái sầu riêng là lý do gây ra sự lo ngại này. Đây là loại trái cây có mùi rất nặng nề và có thể lan tỏa ra xa.”

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho truyền thông, ông Phương nói ông đoán là trái sầu riêng, khi thấy rằng nơi báo cáo là ở Dickson, một khu vực có nhiều tiệm ăn và chợ Á Đông.

Hai khách hàng thử hai loại sầu riêng khác nhau trong tiệm ở Kuala Lumpur, Malaysia. (Hình: AFP/Getty).

Úc là nơi có các cộng đồng có nguồn gốc từ vùng Đông Nam Á. Có nhiều người từ Malaysia đến, nơi là nguồn sản xuất và tiêu thụ cũng như xuất cảng sầu riêng quan trọng.

Đây không phải là lần đầu tiên mùi trái sầu riêng gây xáo trộn.

Vào năm 2018, có gần 500 sinh viên và các giáo sư tại viện kỹ thuật Royal Melbourne Institute of Technology đã phải di tản khỏi một thư viện trong trường vì có báo động về chất hóa học nguy hiểm. Thủ phạm sau đó được xác nhận là một múi sầu riêng hư thối, bỏ trong một ngăn tủ.

Năm sau đó, loại “vua trái cây” lại tạo sự hoảng hốt khi thư viện tại đại học University of Canberra phải di tản vì có “mùi hôi của khí đốt.” Một lần nữa, người ta tìm thấy trái sầu riêng.

Sầu riêng bị cấm đưa vào một số khách sạn và hệ thống chuyên chở công cộng, như ở Singapore và Nhật, một phần cũng vì lo ngại là mùi sầu riêng sẽ phảng phất lâu ở nơi kín cửa và gây khó chịu.

Tuy nhiên, sầu riêng đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Các con số của Liên Hiệp Quốc vào năm 2020 cho thấy Trung Quốc nhập cảng lượng sầu riêng trị giá khoảng $2.3 tỷ.

Ông Phương, cư dân Canberra, là người ưa thích sầu riêng. Ông cho hay sẽ mua một bịch sầu riêng mang về nhà sau giờ làm việc hôm Thứ Sáu. (T/H, N/V)