Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Trái đất sắp có thêm mặt trăng thứ 2 từ ngày 29/9 đến 25/11


Từ ngày 29/9 đến 25/11, Trái Đất sẽ có thêm một mặt trăng nữa dưới dạng tiểu hành tinh nhỏ, tên của nó là 2024 PT5.

Trái Đất có thêm một mặt trăng vào tháng này - 1
Hình minh họa cho thấy Trái Đất sắp đón “bạn đồng hành” mới, là tiểu hành tinh 2024 PT5. Hình Nhóm nghiên cứu

Một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Complutense Madrid (Tây Ban Nha) mới đây phát hiện các đặc tính động lực học kỳ lạ của 2024 PT5, một tiểu hành tinh nhỏ, tiếp cận Trái Đất ở cự ly gần khoảng 4.5 triệu km.

Nó vốn dĩ thuộc Arjuna – một vành đai tiểu hành tinh thứ cấp – được tạo thành từ các khối đá vũ trụ có quỹ đạo rất giống với quỹ đạo của Trái Đất ở khoảng cách đến Mặt Trời trung bình khoảng 150 triệu km.

Điều thú vị là trong lần tới gần Trái Đất, tiểu hành tinh này sẽ trở thành mặt trăng tạm thời của chúng ta, nhờ cấu tạo năng lượng địa tâm của vật thể khiến nó tạm thời bị ràng buộc và quay xung quanh Trái Đất.

Quá trình này bắt đầu từ tuần tới và kéo dài trong khoảng 2 tháng.

Từ ngày 29/9 đến ngày 25/11, “mặt trăng mini” sẽ xoay quanh Trái Đất, trước khi dần dần thoát khỏi quỹ đạo.

Tuy nhiên, không giống như Mặt Trăng – người bạn của Trái Đất đã đồng hành cùng chúng ta trong khoảng 4 tỷ năm – “mặt trăng mới” sẽ chỉ tồn tại trong 2 tháng trước khi quay trở lại vành đai tiểu hành tinh của nó.

Cho đến nay, các nhà khoa học mới chỉ xác định được 2 vật thể chịu ảnh hưởng của quá trình tương tự, lần lượt được phát hiện vào các năm 2006 và 2020.

Nhìn chung, quá trình này cực kỳ hiếm khi xảy ra, và chỉ được bắt gặp sau khoảng 10 hoặc 20 năm.

Đáng tiếc, trong thời gian làm mặt trăng tạm thời của Trái Đất, 2024 PT5 sẽ không thể được quan sát đối với phần lớn chúng ta, ngay cả khi sử dụng kính thiên văn thông thường.

Trong tuần tới, thiên thể gần nhất của trái đất là mặt trăng sẽ bắt đầu có thêm một láng giềng mới là ‘mặt trăng thứ 2’. Hình AP

Giáo sư Carlos de Fuente Marcos cho biết, chúng ta cần có một kính thiên văn có đường kính ít nhất 30 inch, cộng với một máy dò CCD hoặc CMOS để quan sát vật thể này.

Ông nói thêm rằng nhóm nghiên cứu của mình có ý định thực hiện các quan sát quang phổ và quan trắc đối với 2024 PT5 để hiểu rõ hơn về bản chất của nó.

Trước đó, nhóm này vẫn thường xuyên theo dõi các vật thể mới phát hiện để tìm ra hành vi thú vị tiềm ẩn của chúng. (T/H, D/T)