Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ xâm chiếm Đài Loan sẽ diễn ra như thế nào? Kế hoạch tấn công của các giới nghiên cứu binh pháp


Lời người dịch: Bài viết của Neal E. Robbins chưa cập nhật một số diễn biến mới nhất từ cuối năm 2022:

Một là, Liên minh quân sự Mỹ-Nhật công khai đẩy mạnh hợp tác quân sự và Mỹ long trọng cam kết bảo vệ Nhật Bản trước mọi thử thách bằng mọi phương tiện, kể cả hạt nhân. Nhật Bản quyết định gia tăng ngân sách quốc phòng trong 5 năm tới để tăng cường khả năng tự vệ và phản công. Nhật dự trù xây dựng lại đảo Mageshima với mục đích mở rộng các cuộc thao diễn chung với Mỹ và huy động nhiều phương tiện chiến đấu hữu hiệu hơn. Trong trường hợp Đài Loan bị tấn công, Nhật còn cho phép Mỹ can thiệp khẩn cấp khi cần thiết. 

Trong cuộc họp báo hôm 11 Tháng Giêng vừa qua tại Washington, hai nước công bố kế hoạch đối phó với hiểm họa hạt nhân Bắc Triều Tiên và nguy cơ Trung Quốc xâm chiếm Đài Loan. Thông cáo nêu đích danh Trung Quốc là “thách thức lớn nhất” về chiến lược vượt ra ngoài khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Lloyd Austin, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ cũng đã báo động về hành vi khiêu khích của Trung Quốc khi muốn thiết lập một thế lực mới trong toàn cầu. Do tình thế đòi hỏi, Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực Thái Bình Dương. 

Do đó, hai nước sẽ mở rộng hiệp ước phòng thủ chung sang lĩnh vực không gian, nhằm đối phó với hiểm họa bị tấn công bằng tin học và các phương tiện công nghệ mới. Ngoài ra, hai nước sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trên biển, cụ thể là chỉnh đốn các lực lượng của Mỹ đang đồn trú tại đảo Okinawa, cách Đài Loan hơn 100 km. Đây sẽ là biện pháp cần thiết khi Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan.  

Hai là, giới hoạch định chính sách quốc phòng các nước đều nhận định chung là Trung Quốc hoàn toàn không từ bỏ mục tiêu kiểm soát Đài Loan bằng vũ lực; nhưng vấn đề là thời điểm thích hợp để một cuộc chiến có thể xảy ra. Thực tế hiện nay cho thấy Trung Quốc đang phải đương đầu với dịch bịnh COVID-19, hệ thống y tế đang nguy khốn và triển vọng hồi phục kinh tế sẽ còn kéo dài. Cả hai thách thức mới này làm cho Trung Quốc trì hoãn các hành động về Đài Loan ít nhất trong một vài năm. 

Ba là, một nguồn tin mới nhất của NBC News cho biết, ngày Thứ Sáu, 27 Tháng Giêng vừa qua, Đại Tướng Mike Minihan, Chỉ huy trưởng Bộ Tư Lệnh Tiếp Vận Không Quân Mỹ (AMC) gửi bản ghi nhớ cho các sĩ quan thuộc cấp với nội dung tiên liệu về chiến tranh Trung Quốc-Hoa Kỳ sẽ xảy ra trong năm 2025 vì năm 2024 cả Đài Loan và Mỹ đều sẽ bận rộn với cuộc bầu cử tổng thống. Trong thời gian này, Trung Quốc sẽ tận dụng hoàn cảnh để chuẩn bị xung kích Đài Loan.  

Trước mắt, Tướng Minihan yêu cầu tất cả sẵn sàng ứng chiến vào năm 2025 và các thuộc cấp phải báo cáo về công tác chuẩn bị ứng chiến trước ngày 28 tháng 2 năm nay. Bộ Tư Lệnh có khoảng 50,000 quân nhân và 500 máy bay lo chuyển vận và tiếp tế nhiên liệu. 

********

Đó là năm 2025. Trung Quốc đã phong tỏa Đài Loan. Các tàu sân bay, tàu ngầm và máy bay chiến đấu bay vòng quanh đảo, ngăn chặn tất cả, ngoại trừ việc viện trợ nhân đạo. Các chiến hạm của Mỹ, Đài Loan và đồng minh bay lượn gần đó, nhưng các cuộc đàm phán căng thẳng đã không có kết quả. Sau đó, cuộc xâm chiếm đẫm máu bắt đầu. 

Làm thế nào xảy đến việc này? 

Thiếu tá Tom Mouat quan sát với sự thất vọng. Đây không phải là cách mà mọi sự thường diễn ra. Ông nói: “Chúng ta tham chiến có đấu súng, điều này thực sự đáng buồn.” Chuyên gia người Anh chuyên nghiên cứu về các binh pháp chiến tranh đã thực hiện cách mô phỏng này trước đây. Thông thường, khi Bắc Kinh đặt các tham vọng kiểm soát chống lại việc cam kết tự quản của nước láng giềng dân chủ, xung đột chỉ “tiến gần hơn một chút để xảy ra”. Sau đó, mọi phe thoái bước. Như Mouat nói, nhưng lần này, có một loạt “những lời tuyên bố đến từ Trung Quốc và cuộc chiến Ukraine làm thay đổi tình trạng quân bình.” Khi những tác nhân gây chiến đang thực hiện các động thái vào ngày 9 tháng 11 trong thế giới thực, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với các giới chỉ huy quân đội là “tăng cường toàn diện huấn luyện quân sự để chuẩn bị chiến tranh”, những lời nói được coi là cảnh báo cho Đài Loan và Hoa Kỳ, nước giúp cho Đài Bắc trang bị và duy trì chính sách “khiến họ phải suy đoán” về việc sẵn sàng bảo vệ hòn đảo. 

Vị Thiếu tá mặc quần áo dân sự ngồi trong một hội trường dài tại Học viện Quốc phòng của Vương quốc Anh. Nơi ông làm việc có cuộc triển lãm về huấn luyện, trong đó có một phần hình mẫu với các xe tăng, máy bay không người lái và máy bay chiến đấu. Trước mặt ông là những chiếc bàn loại gấp lại có một bản đồ Đông Á bằng màu phấn và rải rác những mảnh gỗ mang hình các tàu, máy bay, binh sĩ, vũ khí hạt nhân, tiền bạc, gián điệp và một người được in màu xanh lam đứng trên bục giảng – mà ông luôn gọi là “hành động ngoại giao mơ hồ”. Xung quanh bàn là các hình các nhân vật quân sự và khoa bảng của Vương quốc Anh và Hoa Kỳ, những người mà lý do an ninh không được nêu tên, đang đóng các vai trò lãnh đạo Trung Quốc, quân đội Trung Quốc và chính phủ Hoa Kỳ, Đài Loan, Úc và Nhật Bản. Họ đã đặt ra các mục tiêu chính sách bí mật của mình và từng người một đề xuất bất cứ điều gì họ muốn xảy ra để theo đuổi mục tiêu của đất nước họ, bất cứ điều gì, nghĩa là họ có thể đưa ra lập luận thuyết phục cho mục tiêu. Sau đó, các tác nhân thảo luận về từng hành động một. Nếu họ bất đồng về tính hợp lý, Mouat, với tư cách là người điều phối chương trình, sẽ phán đoán về cơ hội thành công từ những tác nhân khác và giới quan sát chuyên nghiệp quanh bàn, họ là những người chọn trong số các xác suất từ 10 đến 90 phần trăm. Sau đó, như trong sòng bạc, ông tung những viên xúc xắc đỏ và xanh biểu hiện cho cơ hội. Những gì được coi là khó có thể xảy ra vẫn thành công, nếu được đủ điểm cao (hoặc ngược lại). Thành công hay thất bại được tính bằng khúc tuyến xác suất kết hợp với các số trên các con xúc xắc và mức tỷ lệ phần trăm trung bình của các thẻ. 

Mouat đã phát triển các binh pháp như một trò chơi từ năm 1988. Qua thời gian, ông đã chỉnh sửa các quy tắc dựa trên nghiên cứu học thuật về nguồn lực của cộng đồng, việc phân bổ các vai trò và dự đoán. Ông nói: “Một trò chơi bình thường mất khoảng ba giờ và không nên kéo dài hơn một ngày. Hình của các xác suất càng rộng ra khi bạn càng chơi lâu, vì vậy cơ hội đạt được một kết quả dự đoán tốt sẽ càng ít hơn.” 

Cái gọi là các trò chơi binh pháp theo bảng ma trận như thế được các nhà ngoại giao, phân tích chính sách và quan chức quân sự cấp cao sử dụng thường xuyên, nó không chỉ để khám phá cách các cuộc xung đột có thể diễn ra như thế nào, mà còn để “đối mặt với những điều họ biết là đích thực nhưng miễn cưỡng chấp nhận”, David A. Shlapak, chuyên gia về binh pháp chiến tranh của tổ chức Rand Corporation cho biết. “Khi họ hiểu các niềm tin mà tự họ không nói ra về thế giới, đó là điều cực kỳ quý giá.” Những trò chơi như vậy đã giúp phân tích nhiều vấn đề nan giải trên toàn cầu và đóng vai trò quan trọng, ví dụ như trong việc đánh bại tàu ngầm của Đức trong Đệ nhị Thế chiến. 

Một trong những binh pháp chiến tranh được biết đến sớm nhất được đề ra từ thời Trung Quốc cổ đại, thường được cho là của Tôn Tử. Đến thế kỷ 17, các binh pháp  phức tạp đã được phát triển, chẳng hạn như một “trò chơi của vua” được sử dụng rộng rãi bởi quân đội của các tiểu bang Đức. Trong thế kỷ 19 và 20, khi các đội quân đang phát triển khiến cho việc thực hành các huy động toàn diện trở nên không thực tế hoặc khiêu khích, nhiều quốc gia bắt đầu sử dụng các binh pháp để giúp mô phỏng việc phối trí. Kể từ đó, binh pháp đã phát triển mạnh, cho cả trong chiến lược và giải trí. Mouat phân loại các binh pháp cho giới hoạch định ở Anh và các quốc gia khác; các phiên bản chưa phân loại được dành riêng cho những người hâm mộ mà Mouat đã phổ biến trên mạng, cùng với hướng dẫn cách thực hành dài 52 trang.

Do sự hiện diện của tôi là một phóng viên, binh pháp được sử dụng là các tài liệu tóm tắt chưa được phân loại, đó là một phần của loạt bài trong chương trình huấn luyện dành cho các chiến lược gia quân sự để họ trau dồi kỹ năng phân tích. Mouat mô tả bài thực tập là “thiên về phẩm hơn là lượng, ít xác suất tiêu diệt và hơn thế nữa như bài tập: “Bài phát biểu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các dòng tweet của Donald Trump có hiệu quả như thế nào?” Gần đây nhất, ông đã được yêu cầu đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Ben Wallace. Mouat nói, các chuyên gia quân sự, quan chức chính sách và các dân biểu đã được khuyến khích sử dụng các binh pháp này để “suy nghĩ và hiểu biết” và hành động nhiều hơn là phản ứng như phản xạ. 

Neal E. Robbins trong buổi triển lãm về ‘Một Trung Quốc’ vào ngày 9 tháng 11 tại Học viện Quốc phòng của Vương quốc Anh. Hình Foreign Policy

Binh pháp tối nay bắt đầu trong hiện tại và mở đầu bằng việc các tác nhân của chính phủ Trung Quốc tham gia, họ thúc đẩy chính sách thống nhất thông qua áp lực kinh tế. Bắc Kinh cung cấp cho Đài Bắc nguồn thực phẩm được trợ cấp để cắt giảm lợi ích của Mỹ và giành đòn bẩy đối với nền kinh tế của hòn đảo. Không ai trong số những người tham gia phản đối, tất cả đều coi hành động này là thường lệ, vì vậy Bắc Kinh vẫn tiến hành động thái. Nhưng Đài Loan không hề bị ảnh hưởng. Đến lượt mình, Đài Loan kéo dài thời gian cưỡng bách việc thi hành nghĩa vụ quân sự để tăng cường lực lượng, vốn đang bị Trung Quốc áp đảo ồ ạt. Washington cử một phái đoàn kinh tế đến Bắc Kinh với hy vọng là xoa dịu các căng thẳng, nhưng giới chức tham gia và giới chuyên gia quan sát chê trách. Các thẻ định các xác suất đặt ra 30% cơ hội thành công và việc tung xúc xắc thấp cho thấy thiện chí thương thuyết của Hoa Kỳ không giúp ích được gì. 

Một năm sau trong thời gian binh pháp tăng tốc, Hoa Kỳ tăng cường các cuộc thao diễn hải quân với Úc, Nhật Bản và các quốc gia khác ngoài khơi của bờ biển Philippines. Để đáp trả, Trung Quốc thể hiện một màn trình diễn quy mô về sức mạnh xung quanh eo biển Đài Loan, giống như họ đã làm trong chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi vào tháng 8 vừa qua. Rất nhiều mảnh gỗ biểu tượng cho hải quân và máy bay được tung ra trên bàn để minh hoạ cho việc này. 

Mouat tuyên bố là hiện nay binh pháp đã kéo dài thêm một năm nữa. Khi các nỗ lực ngoại giao để tiến gần đến Đài Loan bị từ khước, Trung Quốc bắt đầu lén lút chiếm đóng quần đảo Kim Môn. Ngay ngoài khơi của bờ biển Trung Quốc, những hòn đảo nhỏ kiên cố này là điểm du lịch của du khách Trung Quốc đi bằng phà yêu thích, nhưng nhóm người mới nhất này lại hóa ra là những binh sĩ không mặc quân phục, họ không bắn một phát súng, nhưng chiếm giữ mảnh đất xa xôi này của Đài Loan. Hoa Kỳ tuyên bố gửi vũ khí mới với công nghệ cao đến Đài Loan. Đài Loan bảo vệ Kim Môn và các đảo nhỏ nơi tiền tuyến xa ven biển, bằng cách gài mìn trên biển. Trung Quốc phải phản ứng mạnh bằng cách phong tỏa không phận và hải phận, cắt đứt 23,5 triệu cư dân Đài Loan liên lạc ra khỏi thế giới bên ngoài. Vì vậy, một cuộc đối đầu như kiểu khủng hoảng tên lửa ở Cuba bắt đầu, chỉ có viện trợ nhân đạo là được phép.

Bây giờ là đầu năm 2025. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đài Loan gặp nhau để đàm phán, nhưng bị bế tắc ngay, vì Trung Quốc khăng khăng là Đài Loan phải chấp nhận sự kiểm soát của Trung Quốc, và Đài Loan kiên quyết từ chối bị bó buộc cho sự thống nhất này. Vẫn chưa có phát súng nào được bắn ra, nhưng lực lượng xâm lược Trung Quốc ồ ạt đóng ổ trên bờ biển, một tiến trình phải mất ít nhất là một tháng. 

Liệu họ có thực sự xâm lăng? Các tác nhân cùng tranh luận về điểm này, nhưng họ kềm chế trong phong cách: 

Trung Quốc: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán”. 

Đài Loan: “Chúng tôi vừa thử đàm phán và dường như có một sự bế tắc”. 

Trung Quốc: “Chúng tôi đang nói rằng chính phủ của các bạn đã hoàn toàn không có thiện chí đối thoại cởi mở như chúng tôi định nghĩa; chính vì thế, chúng tôi sẽ nói chuyện trực tiếp với chính phủ của các bạn.

Đài Loan: “Không đúng sự thật.” 

Trung Quốc: “Vậy thì hành động trong chính sách của chúng tôi là ra lệnh cho quân đội… đổ bộ trên đất liền, không bắn vào thường dân, đi thẳng về phía thủ đô Đài Loan, và sau đó bắt chính phủ đang cầm quyền và quốc hội làm con tin. 

Đài Loan: “Điều đó sẽ không hiệu quả. Chúng tôi sẽ có thể bắt họ và phát hiện ra khi họ đến khá dễ dàng. Các nhân vật quan trọng của chính phủ chúng tôi có lẽ ở trong một lô cốt vào thời điểm này”.  

Xâm lược Đài Loan khó khăn hơn Ukraine nhiều. Bị ngăn cách với lục địa bởi một eo biển dài 160 km, nơi thời tiết khắc nghiệt khiến cuộc xâm lược gần như không thể xảy ra trong mọi lúc trừ vài tháng trong năm, ở hầu hết các phía, Đài Loan được bảo vệ bằng các ngăn cản của vách đá ven biển. Phương cách tiến hành khả thi nhất là đi qua các vùng đất trũng thấp được củng cố nghiêm ngặt ở phía tây, nơi những bãi bùn nguy hiểm sẽ khiến cho việc băng qua đường đổ bộ bằng hỏa lực trở thành cơn ác mộng đối với những kẻ tấn công. Sự khôn ngoan thông thường là Trung Quốc, ngay cả với quân đội 2 triệu người và hải quân lớn nhất thế giới, vẫn chưa có đủ năng lực hoặc lực lượng đổ bộ đầy đủ để thúc đẩy một cuộc xâm lược khi mà Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan. Nhưng trong binh pháp này, Trung Quốc không hề nao núng. 

Các tác nhân thuộc chính phủ Trung Quốc tin rằng đó là thời điểm thích hợp. Quân đội Trung Quốc đưa ra một tuyên bố lạnh lùng: “Chúng tôi hỏi dân chúng Đài Loan rằng liệu họ có sẵn sàng chịu mất hoàn toàn mọi thứ, thay vì là đi đến một giải pháp mà cả hai bên đồng ý không”. Các cuộc đàm phán bế tắc, lực lượng đặc biệt của Trung Quốc bay đến để bắt giữ các nhà lãnh đạo dân cử Đài Loan ở Đài Bắc, giống như Nga đã cố gắng làm ở Kyiv lúc đầu trong cuộc xâm lược). Bây giờ việc đổ máu mới bắt đầu. Thúc đẩy một cuộc xâm chiếm toàn diện có nguy cơ làm cho binh sĩ Trung Quốc thiệt hại nặng nề, gây thảm họa to lớn hơn cho Đài Loan và tạo biến động cho tình trạng quân bình quyền lực toàn cầu. Nhưng Hoa Kỳ vẫn đang do dự, không sẵn sàng gởi quân đội tới và khăng khăng đòi đưa cuộc xung đột ra Liên Hiệp Quốc, vốn phải mất thêm một tuần nữa. 

Đến đây trò chơi kết thúc. 

Mouat nói, cuộc chiến và các làn sóng của cú sốc diễn ra như thế nào là một dạng khác của binh pháp, “binh pháp xâm lược Đài Loan” đang sử dụng các quy tắc khác. 

Trong cuộc phỏng vấn, các tác nhân đại diện cho chính phủ Trung Quốc nói, họ đã tấn công hung hãn, nhưng đó là “một sự leo thang rất cân bằng”, vì Bắc Kinh đã cho phép viện trợ nhân đạo và cố gắng “không bỏ đói dân chúng” trước khi tấn công. Nhưng tại sao Hoa Kỳ không đáp trả kịp thời cuộc xâm lược? Các tác nhân người Mỹ viện dẫn về sự thiếu ủng hộ quốc tế đối với tính hợp pháp của Đài Loan và sự mệt mỏi sau chiến tranh Ukraine. Liệu Trung Quốc hay Mỹ có thể thực sự mạo hiểm tham gia khi không có việc sản xuất các chất bán dẫn hàng đầu thế giới của Đài Loan? Tại sao Hoa Kỳ không mạnh mẽ phá vỡ lệnh phong tỏa, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, khi họ có cơ hội? Liệu điều đó có thể thuyết phục được Trung Quốc lùi bước? Mọi người đang tránh xa trong khi suy gẫm lại những vấn đề như vậy. 

Theo Mouat, các binh pháp dựa theo bảng ma trận có thể làm cho mọi thứ đúng 60% của trường hợp, tốt hơn là của các nhà phân tích cá nhân, nhưng mục tiêu cuối cùng là tác động “các cuộc trò chuyện thông minh”. 

Các chuyên gia đã tham khảo tạp chí Foreign Policy trước khi họ đồng thuận về binh pháp xâm lược là có thể, thậm chí là xảy ra, nhưng họ bất đồng về thời điểm. “Với thành tích của ông Tập Cận Bình, cuộc chiến có thể bắt đầu bất cứ lúc nào và có thể diễn ra theo những cách khiến cho  chúng ta ngạc nhiên”, nhà phân tích Ian Easton, tác giả cuốn sách Mối đe dọa xâm lược của Trung Quốc, nhận định. Đối với Easton, ngoài việc Trung Quốc tăng cường quân sự, Bắc Kinh bắn tên lửa đạn đạo gần Đài Loan vào tháng 8 là “hành vi gây bất ổn”, nó không có cơ sở theo luật quốc tế và “do đó, phải được coi là một tín hiệu của ý định thù địch”. 

Nhưng Shlapak, cũng là một chuyên gia về Đông Á, đã bác bỏ những dự đoán gần đây của quân đội Mỹ về cuộc xâm lăng vào năm 2027. Ông nói: “Những điều này nhầm lẫn giữa khả năng với ý định. Trung Quốc chắc chắn đang gia tăng khả năng  hành động để chống Đài Loan, nhưng họ nhận ra rủi ro cố hữu của cuộc xâm lược”. Ông bác bỏ “sự cứng rắn gần đây về ngôn ngữ” của Trung Quốc là phản ánh nhận thức của họ về việc thắt chặt các mối quan hệ Mỹ-Đài Loan”. Ông tin rằng hiện trạng sẽ không thay đổi trong khoảng 10 năm tới, trừ khi có những thay đổi đáng kể trong lập trường của Đài Loan hoặc Trung Quốc. 

Steve Tsang, Giám đốc Học viện Trung Quốc của Đại học London, cũng có dự đoán tương tự. Theo “điều kiện như cách đếm đậu”, Trung Quốc sẽ có khả năng xâm lược “khoảng năm 2027”, ông Tsang nói, nhưng họ vẫn sẽ thiếu sức mạnh tổ chức tổng thể để thực hiện một cuộc xâm lược toàn diện. Ông nói: “Nhưng cuối cùng, khi vấn đề đến là Tập Cận Bình cảm thấy có thể làm như vậy với cái giá phải trả có thể chấp nhận được, thì ông sẽ thực hiện”. 

Tsang đoán là ông Tập sẽ nắm quyền suốt đời và hành động chống lại Đài Loan trong 10 đến 20 năm nữa. Ông nói: “Tuy nhiên, một cuộc xâm lược là lựa chọn cuối cùng”. Giải pháp ưa thích của Bắc Kinh là chính phủ Đài Loan đầu hàng để Washington khó can thiệp, mặc dù ông hy vọng Đài Loan sẽ tăng cường phòng thủ và chống trả, như “bình thường đối với một nền dân chủ sinh động”. 

Theo quan điểm của Tsang, những lời lẽ hùng biện của Bắc Kinh có tác dụng khiến cho mọi người tin rằng hành vi của Bắc Kinh là sự thống nhất Trung Quốc, thực sự là hướng về một mục tiêu lớn lao hơn: “Làm cho Mỹ phá sản về chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương” và biến Đài Loan là thành trì trong sự thống trị ngày càng tăng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Đối với Trung Quốc, ông Tsang nói, kiểm soát Đài Loan là một bước quan trọng trong “giấc mơ trẻ trung hóa quốc gia”. 

– Neal E. Robbins

(Đỗ Kim Thêm dịch) 

Tác giả Neal E. Robbins là một nhà báo tự do cư ngụ tại Cambridge, Anh. Trước đây, ông là phóng viên nước ngoài tại Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ và Vương quốc Anh.