TQ-Úc ra tuyên bố chung về quan hệ song phương
Trong khuôn khổ cuộc gặp ngày 7/11, Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Úc cam kết tiếp tục ổn định và phát triển quan hệ song phương thông qua các cuộc đối thoại chính trị, thương mại, ứng phó với biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân.
Nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Úc Anthony Albanese có chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ 4–7/11, nhân kỷ niệm 50 năm chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc của Cựu Thủ tướng Úc Edward Gough Whitlam.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã có những trao đổi sâu sắc về quan hệ Trung Quốc-Úc cũng như các vấn đề khu vực và quốc tế. Sau cuộc gặp, hai quốc gia cũng ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh vào sự nhất trí trong việc “phát triển mối quan hệ song phương và duy trì lợi ích quốc gia tương ứng nếu giải quyết được những khác biệt một cách khôn ngoan”.
Theo Tân Hoa Xã, các nhà lãnh đạo đã cùng nhất trí tiếp tục hoặc mở rộng hợp tác trong đối thoại chính trị, bao gồm nối lại Hội nghị lãnh đạo thường niên giữa Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Úc, Đối thoại chiến lược và đối ngoại, Đối thoại kinh tế chiến lược cùng các cơ chế khác.
Hai quốc gia cũng đồng ý mở rộng thương mại song phương bằng cách tái khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc-Úc, cũng như tạo thuận lợi cho các liên kết thương mại và kinh tế với nỗ lực hướng tới việc ký kết các biên bản ghi nhớ về tiêu chuẩn, đo lường, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giáo dục và an toàn thực phẩm.
Ngoài lĩnh vực chính trị và kinh tế, các lĩnh vực khác như biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường cũng được kêu gọi thúc đẩy thông qua việc bắt đầu các cuộc đối thoại song phương về biến đổi khí hậu và năng lượng và khởi động hợp tác kỹ thuật thực hành nông nghiệp thông minh với khí hậu.
Về giao lưu nhân dân, Trung Quốc và Autralia nhất trí tạo thuận lợi cho trao đổi, bao gồm thỏa thuận cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần từ 3 đến 5 năm cho du khách và doanh nhân trên.
Những tiến bộ trên diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc và Úc nỗ lực hàn gắn quan hệ căng thẳng trong những năm gần đây. Các rạn nứt xuất hiện đầu tiên khi chính phủ Úc coi Trung Quốc như một mối đe dọa an ninh tiềm ẩn và cấm nhà khổng lồ viễn thông thuộc sở hữu của Trung Quốc là Huawei triển khai mạng 5G tại Úc.
Ngoài ra, căng thẳng còn tới từ việc Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc virus Corona và quan hệ an ninh quốc phòng ngày càng gần gũi của nước này với Mỹ, đặc biệt là thông qua thỏa thuận AUKUS. Để đáp trả, Trung Quốc đã áp đặt một số lệnh cấm và hạn chế lên các mặt hàng nhập khẩu từ Úc. (T/H, M/A)