Friday, November 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TQ quyết không bỏ ‘lưỡi bò’ ngang ngược, Biển Đông khó yên

BẮC KINH, Trung Quốc – Trung Quốc quyết không từ bỏ chủ quyền ngang ngược theo các vạch hình “lưỡi bò” khiến Biển Đông vẫn tiềm tàng nổi sóng.

Tuần lễ vừa qua, nhiều diễn tiến thời sự cả trên bàn hội nghị lẫn các cuộc tập trận diễn ra trên Biển Đông, khiến không thấy một chút lạc quan nào cho hòa bình và ổn định ở khu vực.

Mười nước ASEAN họp trực tuyến cấp ngoại trưởng với các đối tác khu vực gồm cả Trung Quốc và Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến tranh chấp Biển Đông, cuộc khủng hoảng chính trị ở Miến Điện do nhóm quân phiệt cầm đầu, đại dịch COVID-19 gia tăng tại ASEAN, và hợp tác kinh tế.

Trong các cuộc họp này, hôm 3 Tháng Tám, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị vẫn lập lại những lời tuyên bố ngụy biện cũ của họ. Một mặt vu cáo cho Mỹ là “thế lực bên ngoài” gây mất hòa bình và ổn định trên Biển Đông, vừa cả quyết Bắc Kinh không thay đổi lập trường về tuyên bố chủ quyền.

Theo báo chí Trung Quốc tường thuật, ông Vương Nghị khoe rằng đã có tiến bộ khi các bên đàm phán cho bản nháp thứ hai để đàm phán Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC). Không thấy ông ta nêu ra chi tiết gì về sự tiến bộ trong khi các nước ASEAN cũng không thấy đề cập.

Mẫu hạm HMS Queen Elizabeth của Anh Quốc tập trận với chiến hạm Mỹ trên Biển Đông. (Hình: HMS Queen Elizabeth Twitter)

Dịp này, tờ Trung Quốc Thời Báo thuật lại lời Vương Nghị cả quyết Trung Quốc “không bao giờ tuyên bố lấn thêm chủ quyền chỗ nào nhưng vẫn giữ nguyên lập trường (tuyên bố chủ quyền “lưỡi bò”) không đổi từ trước tới giờ” tại Biển Đông.

Vương Nghị còn ngụy biện là tuyên chủ quyền và quyền chủ quyền cũng như các lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông “phù hợp với các luật lệ quốc tế gồm cả Công Ước Quốc Tế Về Luật Biển” (UNCLOS).

Ông ta ngang nhiên nói như vậy dù cái tuyên bố chủ quyền với các vạch “lưỡi bò” tưởng tượng chiếm gần 90% Biển Đông mà Bắc Kinh đưa ra đã bị Tòa Trọng Tài Quốc Tế ở The Hague, Hòa Lan, bác bỏ là “vô giá trị” vào ngày 12 Tháng Bảy, 2016.

Không chỉ ngụy biện, Vương Nghị còn kêu gọi các nước ASEAN “an hưởng tình hình ổn định, tự do hải hành và phi hành” tại khu vực. Đồng thời hô hào các nước “cảnh giác với những nước ngoài khu vực ngang nhiên can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền cả trên bộ cũng như trên biển, gây bất hòa giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.”

Vương Nghị đả kích những nước bên ngoài đưa một số lớn chiến hạm đến khu vực, gọi là “những kẻ gây rối nghiêm trọng nhất,” và đe dọa “không cho phép ngăn trở hòa bình và ổn định ở khu vực”.

Lực lượng hỏa tiễn diệt hạm tầm xa DF-26 trong một cuộc diễn hành tại Bắc Kinh. (Hình: Xinhua)

Trong khi ông Vương Nghị tuyên truyền ở bàn hội nghị thì Bắc Kinh mở cuộc tập trận quy mô thuộc hàng lớn nhất từ trước tới nay tại Biển Đông, tại khu vực rộng lớn Đông Nam giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa cùng một lúc với cuộc tập trận của nhóm tàu của Hải quân Mỹ với lực lượng đồng minh.

Bộ Tư Lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ loan báo cuộc tập trận quy mô với lực lượng đồng minh (Anh Quốc, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ) gồm cả không quân, hải quân, bộ binh, thủy quân lục chiến với các hình thái tác chiến từ đổ bộ, nhảy dù, tấn công trên bộ, trên không, trên biển kéo dài cho đến gần hết Tháng Tám.

Tờ South China Morning Post hôm Thứ Sáu, 6 Tháng Tám, dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc nói trong cuộc tập trận kéo dài 5 ngày bắt đầu từ ngày này trên Biển Đông, có thể Bắc Kinh cho bắn cả hỏa tiễn diệt hạm tầm xa DF-26 (tầm bắn xa đến 5,000km). Rõ ràng họ bắn tiếng cho “Bộ Tứ” biết họ cũng có những vũ khí để đối phó với “các thế lực bên ngoài”.

Xem vậy, nỗi âu lo về hòa bình và ổn định mong manh tại vùng biển bận rộn nhất thế giới vẫn thấy không có gì phấn khởi hơn, trừ phi Bắc Kinh từ bỏ tham vọng muốn nuốt trọn Biển Đông. (N/V)