Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

‘Tội nghiệp nông dân Úc quá’: Hàng tấn bơ bị đổ bỏ trong đống rác


Hàng chục nghìn quả bơ đang bị vứt trong đống rác. Các lệnh phong toả do Covid đã dẫn đến tình trạng dư thừa trong khi người dân Úc đang phải vật lộn với giá lương thực tăng cao.

Khi áp lực chi phí sinh hoạt gia tăng trong bối cảnh lạm phát cao và tăng lương thấp, các siêu thị lớn đang bán một quả bơ với giá từ 1.60 đôla đến 1.80 đôla.
Tăng chi phí nhân công và vận chuyển có nghĩa là họ sẽ không kiếm được lợi nhuận gì và sẽ không đáng để đóng gói và gửi hàng. Bỏ chúng đi là lựa chọn rẻ nhất và dễ dàng nhất!

Jan De Lai đến từ Atherton, Bắc Queensland, đã chia sẻ những bức ảnh hàng nghìn quả bơ bị vứt ở mỏm đá nơi cô đang sinh sống.

“Những xe tải chở bơ đang được đổ đi ở Atherton!,” cô viết. “Chắc chắn chúng có thể được sử dụng làm thức ăn gia súc hoặc được sử dụng để làm dầu? Tội nghiệp những người nông dân quá.”

Jim Kochi, một nông dân địa phương, nói với Seven News rằng các nhà sản xuất trong vùng đã bắt đầu trồng nhiều cây bơ hơn trong thập kỷ trước khi nhu cầu từ các quán cà phê sang trọng tăng lên.

Ông nói: “Những cây đó hiện đang được sản xuất một cách đại trà. Chi phí để đóng gói sản phẩm, bao gồm cả nhân công, chi phí đóng gói và chi phí vận chuyển là không đáng. Vì vậy, chỉ còn có lựa chọn là vứt chúng đi.”

Người dẫn chương trình đài phát thanh 2GB Ben Fordham giải thích việc nông dân vứt bơ đi sẽ rẻ hơn là gửi đến các cửa hàng để bán, sau khi chia sẻ hình ảnh đau lòng về những quả bơ bị đổ đi trên trang Facebook của mình.

Một đống lớn bơ bị bỏ lại ở bãi rác Atherton. Hình FB Jan De Lai

“Tăng chi phí nhân công và vận chuyển có nghĩa là họ sẽ không kiếm được lợi nhuận gì và sẽ không đáng để đóng gói và gửi hàng. Bỏ chúng đi là lựa chọn rẻ nhất và dễ dàng nhất,” ông viết.

Người dân Úc đã bị sốc khi thấy số bơ bị bỏ đi, đặc biệt là khi giá thực phẩm tăng cao trên khắp đất nước. Họ đã lên tiếng trên Facebook về vấn đề này.

Deena Currie viết: ‘Không thể tin được với số lượng thực phẩm đã bị lãng phí. Điều này thật sự đau lòng khi có nhiều người còn đang bị đói.”

Rachel Anne Bendelle viết: “Mùa nào tình trạng này cũng xảy ra. Vào mùa hè, thứ phải chịu cảnh tương tự là dâu tây. Đáng lẽ ra không ai nên bị đói ở đất nước này với lượng thực phẩm được sản xuất quá mức và lãng phí như vậy. Chúng ta cần ngừng nhập khẩu các sản phẩm tươi sống từ các nước khác và học cách ăn những gì được trồng theo mùa và có sẵn ở đây như chúng ta đã từng làm.”

Lisa Murden viết: ‘Đây là điều xảy ra khi nông dân buộc phải ký hợp đồng với các chuỗi siêu thị lớn để tồn tại và sau đó chuỗi siêu thị lại không muốn sản phẩm của họ nữa.”

Jan De Lai cho biết đống trái cây cao hơn cô ấy. Hình FB

Các siêu thị lớn của Úc dự đoán giá thực phẩm sẽ tăng hơn 12% trong năm nay.

Ben Gilbert, nhà phân tích bán lẻ tại ngân hàng đầu tư Jarden, cho biết mức tăng giá tại các siêu thị sẽ rất lớn khi lạm phát tiếp tục tăng cao.

Ông Gilbert cho biết: “Mức tăng giá lớn hơn đáng kể so với dự kiến ​​của chúng tôi”.

Ông cũng dự đoán số lượng hàng và doanh số bán hàng tại các siêu thị sẽ giảm xuống khi họ cố gắng tăng doanh thu để đáp ứng nguồn cung đắt đỏ hơn.

Một số mặt hàng tạp hóa tại các siêu thị lớn của Úc đã tăng tới 94%, dữ liệu công bố vào tháng trước cho thấy. Các siêu thị thừa nhận họ buộc phải chuyển chi phí tăng cao cho khách hàng và cảnh báo rằng tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn.

Chuỗi siêu thị Coles đã tăng giá hơn 3.3% so với quý 3 do chi phí vận chuyển, nhiên liệu, thịt và rau tươi tăng cao. “Gã khổng lồ” này cảnh báo chi phí có thể tăng cao hơn nữa trong những tháng tới.

Woolworths đã cảnh báo rằng 160 trong số 200 nhà cung cấp hàng đầu đã tăng giá sản phẩm của họ. Các nhà cung cấp dự kiến ​​sẽ yêu cầu tăng thêm trong 12 tháng tới.

Các nhà dinh dưỡng lo ngại tình hình này sẽ gây bất lợi cho sức khỏe của người dân Úc. Các gia đình đang chật vật kiếm sống đã chuyển sang dùng đồ ăn vặt rẻ tiền hơn. (T/H, TTT)