Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Toàn cảnh vụ Julian Assange nhận tội, được trả tự do về Úc


Ông chủ WikiLeaks Julian Assange hoàn tất thỏa thuận nhận tội với Bộ Tư pháp Mỹ và được trả tự do ngay tại tòa sau đó lên máy bay trở về quê nhà ở Úc.

WikiLeaks Julian Assange sáng 26/6 trình diện tại tòa án ở thành phố Saipan, quần đảo Bắc Mariana thuộc lãnh thổ Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ông Julian Assange bước vào tòa án mà không đưa ra phát biểu nào với truyền thông.

Assange, 52 tuổi, nhận tội âm mưu lấy và tiết lộ các tài liệu quốc phòng bí mật của Mỹ. “Tôi thừa nhận phạm tội danh này”, ông nói trước tòa.

Ông Assange đạt thỏa thuận với Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 24/6, trong đó ông sẽ nhận tội danh trên để được tuyên mức án 62 tháng tù, đúng bằng khoảng thời gian ông đã ngồi tù ở London, giúp ông được trả tự do ngay tại tòa.

Trước đó ông Assange được đưa khỏi nhà tù Belmarsh ở London, để tới đảo Saipan trình diện tòa. Ông Assange chọn tòa án này vì gần Úc và ông cũng không muốn tới lục địa Mỹ.

“Julian Assange đã được tự do. Ông ấy đã rời nhà tù Belmarsh ngay sáng 24/6, sau khi trải qua 1,901 ngày ở đây”, WikiLeaks thông báo.

Bà Stella, vợ của Assange, cho biết chồng mình đã trở thành người tự do và gửi lời cảm ơn những người đã vận động phóng thích ông suốt những năm qua.

Sau khi kết thúc phiên tòa hôm 26/6, ông chủ WikiLeaks lập tức lên máy bay trở về Canberra, Úc.

Ông Assange sinh ngày 3/7/1971 tại Queensland, Úc. Khi mới 20 tuổi, Assange đã trở thành hacker chuyên nghiệp và nổi tiếng trong cộng đồng tin tặc ở Úc với biệt danh Mendax.

Năm 1996, ông thừa nhận 24 tội danh về hoạt động tin tặc tại Tòa án hạt Victoria ở Melbourne. Mặc dù thẩm phán mô tả các hành vi phạm tội là “khá nghiêm trọng”, nhưng lại cho rằng động cơ của Assange chủ yếu là do “tò mò” hơn là ác ý. Ông Assange cuối cùng chỉ bị phạt hành chính và được phóng thích.

Năm 2006, ông Assange trở thành đồng sáng lập tổ chức WikiLeaks nhằm tạo ra nền tảng cho phép những “người thổi còi” công bố các tài liệu rò rỉ một cách an toàn.

WikiLeaks năm 2010 công bố hàng trăm nghìn tài liệu mật của quân đội Mỹ về các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Cùng năm 2010, WikiLeaks tiếp tục tung ra hơn 250.000 tài liệu của Bộ Ngoại giao Mỹ chứa những đánh giá nhạy cảm về các chính phủ và chính trị gia nước ngoài.

Ông Assange bị Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump truy tố về tội làm lộ tài liệu bí mật của Mỹ, vi phạm Đạo luật Gián điệp. Ông đối mặt 18 tội danh và có thể bị kết án tù lên tới 175 năm nếu bị xét xử ở Mỹ.

Các công tố viên Mỹ và quan chức an ninh phương Tây coi Assange là “kẻ thù liều lĩnh và nguy hiểm với quốc gia”, cho rằng hành động của ông đe dọa tính mạng những đặc vụ có tên trong tài liệu bị rò rỉ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ Assange coi sáng lập viên WikiLeaks là nạn nhân của Mỹ vì vạch trần hành vi sai trái của nước này trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq.

Ông Assange bị tạm giữ lần đầu ở Anh năm 2010 theo lệnh bắt giữ của châu Âu, sau khi chính quyền Thụy Điển muốn thẩm vấn ông về các cáo buộc tấn công tình dục.

Ông Assange phản đối, cho rằng cáo buộc này là cái cớ để giới chức dẫn độ ông sang Mỹ xét xử.

Ông chủ WikiLeaks bắt đầu cuộc chiến pháp lý kéo dài, đưa sự việc lên Tòa án Tối cao Anh. Sau khi sử dụng hết mọi lựa chọn pháp lý, ông vào ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London từ tháng 6/2012 để tránh bị bắt.

Ecuador đã cấp quyền tị nạn chính trị cho Assange vào tháng 8 năm đó, song ông chủ WikiLeaks không thể ra khỏi khuôn viên đại sứ quán, nơi có cảnh sát Anh túc trực bên ngoài để sẵn sàng thực thi lệnh bắt ông.

Assange đã ở lại trong đại sứ quán Ecuador nhiều năm. Tuy nhiên, trong quá trình này, ông đã có nhiều hành động thất thường và không tuân thủ một số quy định, khiến giới chức Ecuador khó chịu và cuối cùng quyết định thu hồi quyền tị nạn cho ông.

Tháng 4/2019, Ecuador rút quy chế tị nạn với Assange. Ngoại trưởng Ecuador vào thời điểm đó cáo buộc Assange can thiệp vào giao dịch của Ecuador với các nước khác. Quan chức Ecuador cũng cho biết ông chủ WikiLeaks có những vấn đề về sức khỏe và không thể đảm bảo an toàn nếu tiếp tục ở đại sứ quán nước này tại London.

Cảnh sát Anh sau đó bắt Assange tại đại sứ quán Ecuador, nói rằng họ hành động “thay mặt Mỹ” và cáo buộc ông vi phạm các điều kiện bảo lãnh.

Assange đã trải qua 5 năm trong nhà tù Belmarsh ở London, tiếp tục các nỗ lực pháp lý ở tòa án để tránh bị dẫn độ sang Mỹ.

Năm 2021, thẩm phán Anh từ chối yêu cầu dẫn độ Assange sang Mỹ với lý do ông có khả năng tự sát nếu bị giam trong các nhà tù có điều kiện khắc nghiệt ở Mỹ. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ sau đó kháng cáo thành công.

Tháng 5/2024, tòa án ở London quyết định Assange có thể tiếp tục kháng cáo lệnh dẫn độ sang Mỹ, dựa trên lập luận ông có thể không được bảo vệ quyền tự do ngôn luận hay gặp bất lợi vì không phải công dân Mỹ.

Thỏa thuận mới với Bộ Tư pháp Mỹ sẽ giúp ông chủ WikiLeaks kết thúc 1,901 ngày phải ở trong phòng giam chật chội. Stella Assange, vợ ông, đăng bài trên mạng xã hội X, cảm ơn những người ủng Assange, “những người đã nỗ lực nhiều năm để biến điều này trở thành hiện thực”. (ANTD)