Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tiêm vắc-xin tăng cường -chốt chặn hiệu quả với COVID-19


Các chuyên gia cho biết việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tăng cường mũi 3, mũi 4 sẽ làm tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Người dân chờ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Hình AFP

Singapore là một trong những quốc gia đang cân nhắc triển khai tiêm nhắc lại vắc-xin phòng COVID-19 hằng năm để bảo vệ người dân trước nguy cơ bị tái nhiễm với biến thể mới của virus SARS-CoV-2.

Như chia sẻ của Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung, quốc gia Đông Nam Á này cần phải cảnh giác với mối đe dọa từ một biến thể mới có khả năng lây nhiễm cao hơn, dẫn đến các bệnh nặng hơn hoặc phá vỡ khả năng bảo vệ của các loại vắc-xin hiện tại.

Trong khi đó, các nước láng giềng của Singapore như Indonesia, Malaysia, Lào… đang khuyến khích người dân tiêm mũi vắc-xin tăng cường thứ hai nhằm tạo ra “chốt chặn hiệu quả” ngăn chặn các biến thể mới của virus hiện gây ra những đợt lây nhiễm ở nhiều nơi.

Các chuyên gia cho biết lượng kháng thể từ việc tiêm phòng COVID-19 không duy trì lâu dài mà sẽ giảm dần theo thời gian.

Do đó, việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tăng cường mũi 3, mũi 4 sẽ làm tăng hiệu lực bảo vệ cơ thể, giúp cơ thể sản xuất đủ kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2.

Một nghiên cứu của Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đầu tháng Tám chứng minh mũi vắc-xin thứ tư có hiệu quả cao chống các biến thể dòng phụ BA.1, BA.2 và BA.2.12.1 của Omicron.

Theo nghiên cứu của CDC, người tiêm 3 mũi vắc-xin có hiệu quả cao hơn, nhưng người tiêm mũi thứ tư có hiệu quả cao nhất.

Mũi tăng cường đầu tiên có hiệu quả 68% trước các biến thể trên, nhưng sau 6 tháng, hiệu quả giảm dần xuống còn 52%.

Mũi thứ hai đạt hiệu quả 80% trong 6 tháng đầu tiên và hiện chưa có dữ liệu về hiệu quả sau 6 tháng tiêm mũi này.

Nghiên cứu trên cũng cho thấy mũi thứ tư giúp giảm tỷ lệ nhập viện hoặc đến trung tâm chăm sóc khẩn cấp (ED/UC) ở những người nhiễm các biến thể BA.1, BA.2 và BA.2.12.1.

Đồng tác giả nghiên cứu, Giáo sư Shaun Grannis tại Đại học Y Indiana (Mỹ), khẳng định: “Dữ liệu trên cho thấy rõ rằng mũi vắc-xin tăng cường thứ hai giúp tăng đáng kể hiệu quả của vắc-xin trước các biến thể dòng phụ của Omicron.”

Ông kêu gọi mọi người đủ điều kiện nên chủ động đi tiêm phòng vì virus sẽ gia tăng hoạt động vào mùa Thu-Đông, và tiêm phòng sẽ tăng khả năng bảo vệ cho chính mình, đồng thời giảm tải cho các cơ sở chăm sóc y tế.

Một nghiên cứu khác ở Israel cũng cho thấy mũi vắc-xin tăng cường thứ hai giúp giảm 10% ca tái nhiễm so với người chỉ tiêm 3 mũi.

Nghiên cứu được thực hiện với vắc-xin BNT162b2 của Pfizer/BioNTech để so sánh tỷ lệ tái nhiễm ở nhóm nhân viên y tế đã tiêm 3 mũi và 4 mũi vắc-xin.

Kết quả cho thấy số ca tái nhiễm ở những người tiêm đủ 4 mũi rất thấp (chỉ 7%) trong khi đó con số này ở nhóm người đã tiêm 3 mũi là 20%.

Thêm một nghiên cứu nữa của Israel kết luận rằng mũi vắc-xin thứ tư cũng hiệu quả với người cao tuổi.

Các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh người từ 60 tuổi trở lên và người bị suy giảm miễn dịch cần tiêm mũi tăng cường này.

Các kết quả nghiên cứu trên là những bằng chứng khá thuyết phục về hiệu quả của mũi vắc-xin tăng cường thứ hai trong bối cảnh diễn biến dịch trên thế giới đang có xu hướng gia tăng trở lại với các biến thể dòng phụ lây lan nhanh của Omicron.

Theo thông tin cập nhật, số ca COVID-19 thể nặng tại Hàn Quốc đã lên mức cao nhất trong 3 tháng qua do một dòng phụ của biến thể Omicron dễ lây lan.

Nước láng giềng Nhật Bản cũng đang vật lộn với làn sóng dịch thứ bảy. Các số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy Nhật Bản đứng đầu thế giới về số ca mắc mới trong tuần thứ ba liên tiếp.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho trẻ em tại Needham, Massachusetts, Mỹ, ngày 21/06/2022. Hình AFP

Tại Thái Lan, sự lây lan của dòng phụ BA.5 đã đặt thủ đô Bangkok vào tình trạng báo động cao về một đợt bùng phát mới.

Số ca mắc mới ở thành phố này tăng trở lại với hơn 10,000 ca/ngày, đe dọa hệ thống y tế công cộng.

Tiến sỹ Yong Poovorawan, người đứng đầu Trung tâm Virus lâm sàng tại Khoa Y thuộc Đại học Chulalongkorn, cảnh báo đợt bùng phát thứ sáu sẽ chứng kiến tỷ lệ nhiễm cao hơn các đợt bùng phát trước.

Philippines cũng cân nhắc gia hạn tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng khi nước này vẫn đang chật vật ứng phó với COVID-19.

Tại Việt Nam, Bộ Y tế chiều 17/8 cho biết trung bình số ca mắc mới mỗi ngày đã tăng ở mức trên 2.300 ca, số ca nặng đang tăng cao nhất trong nhiều tháng qua.

Úc cũng đang trải qua làn sóng nghiêm trọng và là một trong những nước có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất thế giới.

Số ca nhập viện tăng lên mức cao kỷ lục từ cuối tháng Bảy vừa qua khiến giới chức y tế và chuyên gia Úc hối thúc các chủ sở hữu lao động cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Số ca tử vong trung bình trong tuần là 86 ca/ngày và vẫn đang tiếp tục tăng, gần tới mức đỉnh trong làn sóng tồi tệ hồi tháng Một.

Tại châu Âu, làn sóng lây nhiễm mới cũng khá phức tạp khi tỷ lệ phải nhập viện và điều trị tích cực tăng cao.

Ủy viên phụ trách y tế và an toàn thực phẩm của Liên minh châu Âu (EU), bà Stella Kyriakides nhấn mạnh đại dịch COVID-19 vẫn hiện hữu và có những dấu hiệu đáng lo ngại về các đợt bùng phát mới tại một số nước.

Đáng chú ý, tại Nga, bác sỹ truyền nhiễm Yevgeny Tamakov cảnh báo tỷ lệ mắc COVID-19, đặc biệt là ở các siêu đô thị, có thể sẽ tăng từ giữa đến cuối tháng 8, khi người Nga bắt đầu trở về sau các kỳ nghỉ, cũng như vào mùa Thu, khi năm học mới bắt đầu, hoạt động giao tiếp xã hội nhiều hơn, cũng là mùa mà độ ẩm không khí sẽ kéo dài thời gian tồn tại của virus trong môi trường.

Tại Mỹ, số ca tử vong đang ở mức cao, gần 400 ca/ngày, và chưa giảm đáng kể từ mùa Xuân đến nay. Đợt bùng phát mới nhất chủ yếu do các biến thể lây lan nhanh gây ra, tiếp tục làm người dân Mỹ nhiễm mới hoặc tái nhiễm.

Trong khi đó, giới chức Canada cũng cho biết các biến thể dòng phụ của Omicron có khả năng lây nhiễm cao và né tránh miễn dịch của vắc-xin đang lây lan khắp nước này, gây ra một làn sóng mới ngay cả ở những người đã từng mắc COVID-19.

Trước diễn biến phức tạp của làn sóng dịch mới trên khắp thế giới, các nước đã triển khai chiến dịch đẩy nhanh tiêm mũi tăng cường và mũi tăng cường thứ hai trong bối cảnh đại dịch được dự báo còn kéo dài.

Trong khi đó, Nhật Bản đã đề xuất triển khai chương trình tiêm mũi thứ năm cho nhóm có nguy biến chứng cao như người cao tuổi.

Giới chuyên gia Mỹ cũng khuyến cáo những người có nguy cơ bệnh trở nặng không nên chờ tới khi có vắc-xin thế hệ thứ hai (nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron) mới tiêm mũi thứ tư.

Tiến sỹ John Moore – giáo sư vi sinh vật và miễn dịch thuộc trường Cao đẳng Y tế Weill Cornell – khẳng định các vắc-xin đang lưu hành vẫn có thể giảm ca nặng hoặc tử vong.

Ông khẳng định biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho những người có nguy cơ cao là tiêm loại vắc-xin hiện có.

Trong khi đó, Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) và Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cập nhật các khuyến cáo dịch bệnh và bổ sung khuyến nghị tiêm mũi tăng cường thứ hai đối với người từ 60-79 tuổi, người có vấn đề về y tế khiến họ dễ mắc bệnh nặng.

ECDC và EMA cũng kêu gọi các cơ quan y tế cộng đồng trên khắp EU lên kế hoạch tiêm mũi vắc-xin tăng cường vào mùa Thu và Đông tới cho những người có nguy cơ mắc bệnh nặng, có thể kết hợp tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 với vắc-xin phòng cúm.

WHO cảnh báo dòng phụ BA.5 của biến thể Omicron có thể sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trên toàn cầu.

Theo WHO, các vắc-xin được cấp phép lưu hành hiện nay vẫn có giá trị bảo vệ cao, là vũ khí quan trọng nhất giúp giảm nguy cơ chuyển nặng đối với tất cả các biến thể virus SARS-CoV-2 (bao gồm BA.5).

Do đó, các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó như tiêm vắc-xin tăng cường, nhắc lại cho những nhóm có nguy cơ mắc và bệnh trở nặng, tăng thêm hiệu quả cho “chốt chặn” đã tại được nhằm ngăn chặn vòi bạch tuộc của các biến thể virus SARS-CoV-2./. (T/H, VN+)