Tiệm nail Việt bị biểu tình vì chủ tiệm bị cho là kỳ thị ‘ngầm’
LULA, Georgia – Vụ này xảy ra tại thị xã Lula nằm cách thành phố Atlanta khoảng 80 dặm về hướng đông bắc. Dưới đây là bản lược dịch từ một bản tin địa phương được đăng trên báo The Gainesville Times do ký giả Nathan Berg viết và đăng chiều Thứ Sáu ngày 10 tháng 7, 2020. Bản tin có tựa đề “Small protest claims ‘covert’ racism at Lula nail salon; owner says it was misunderstanding” (Một cuộc biểu tình nhỏ tố cáo có kỳ thị ‘ngầm’ tại tiệm nail; chủ tiệm nói đó chỉ là sự hiểu lầm).
Khoảng một chục người đã tụ tập bên ngoài tiệm Nails @ The Rails tại Lula sáng thứ Sáu, để lên tiếng về một hành động bị xem là kỳ thị chủng tộc gây ra bởi chủ tiệm là ông Đinh Phát với một thân chủ trong tiệm vào ngày 2 tháng 7.
Người đứng ra tổ chức cuộc biểu tình là cô Brittany Bailey và ông Devin Pandy, một ứng cử viên tranh cử dân biểu liên bang khu vực 9th Congressional district. Cả hai người đều phát biểu về mối nguy hiểm xuất phát từ sự kỳ thị “ngầm.”
Sau đó, những người biểu tình dành tám phút để cầm biểu ngữ đứng bên ngoài tiệm nail. Bailey nói rằng cô chọn thời gian tám phút vì trong kinh thánh thì số tám tượng trưng cho một sự khởi đầu mới.
Cô Bailey tuyên bố sáng thứ Sáu, “Kỳ thị ngầm là một vấn đề quan trọng và cần được mọi người lên tiếng khi họ phát hiện nó.”
Một nhóm nhỏ khác cũng đã xuất hiện và chống lại nhóm biểu tình của cô Bailey. Đôi bên đã trao đổi ý kiến. Không khí đã không gia tăng đến mức căng thẳng giữa hai nhóm, chỉ có đôi lúc có người nói lớn tiếng.
Ông Steve Gilstrap, một cư dân Lula và là một trong những người xuất hiện chống lại nhóm biểu tình của Bailey. Ông nói ông chỉ muốn nói cho Bailey và những người biểu tình khác hiểu rằng Lula không phải là một thành phố kỳ thị.
Ông nói, “Chúng tôi rất ôn hòa, không phải là người kỳ thị. Cô Bailey không nên quậy vụ này lên.”
Ban đầu Brittany Bailey đã tính tổ chức biểu tình vào thứ Sáu như nói trên, nhưng đến thứ Tư 8 tháng 7 thì cô muốn trì hoãn buổi biểu tình đó vì bị đe dọa bạo động trên mạng xã hội. Qua ngày thứ Năm, 9 tháng 7, một lần nữa cô đổi ý, quyết định tiếp tục cuộc biểu tình như đã dự tính. Bailey nói rằng cô đã nhận được sự hỗ trợ và bảo đảm an toàn từ Sở Cảnh Sát Hạt Hall County, và vì tầm quan trọng của sự lên tiếng này, nên cuối cùng cô quyết định phải biểu tình.
Một số cảnh sát viên từ Sở Hall County Sheriff’s Office đã có mặt để ngăn chặn mọi sự xung đột có thể xảy ra giữa hai nhóm.
Viên chức cảnh sát Greg Cochran nói rằng những người biểu tình thuộc cả hai nhóm đã tuân thủ “theo đúng bài bản” như họ đã nộp đơn xin phép và được phép. Ông cũng nói thêm rằng Sở Cảnh Sát đã xem xét những lời đe dọa trên mạng xã hội nhắm vào những người biểu tình, và ông nhận xét “chưa có vẻ có mối đe dọa gì sẽ xảy ra vào lúc này.”
Sau những bài phát biểu và biểu tình trong im lặng dài tám phút, hai phía biểu tình và chống biểu tình đã giải tán bên ngoài tiệm nail mà không có sự việc nào đáng tiếc xảy ra.
Nguyên nhân đưa đến cuộc biểu tình xuất phát từ những lời đối thoại xảy ra trong tiệm vào ngày 2 tháng 7.
Bà Maggie Gerrell nói rằng bà đã đến tiệm Nails @ The Rails một số lần, và vào ngày nói trên bà đã nghe ông Đinh Phát nói với một khách hàng khác rằng ông sẽ bớt 10% nếu người đó nói “white power” (quyền lực da trắng) và bớt 50% nếu khách hàng nói “chữ N.” [“Chữ N” đây là viết tắt cho một danh từ miệt thị, bày tỏ sự khinh thường người da đen rất nặng, tương tự hoặc tệ hơn chữ “Ba Tàu” mà người Việt dùng đối với người gốc Hoa].
Bà Gerrell kể tiếp với nhật báo Times, “Người khách hàng ấy nói ‘Cái gì?’ như chưa hiểu ý của ông Phát. Tôi đoán bà không tin những gì bà vừa nghe từ ông ấy. Thế rồi ông nói ‘Nếu bà nói white power thì tôi bớt 10% cho bà. Còn nếu bà nói chữ N thì tôi sẽ bớt 50%.’ Nghe đến đó thì tôi quay qua nhìn ông ta, miệng há hốc.”
Giải thích với nhật báo, ông Đinh Phát nói rằng bà Gerrell đã hiểu lầm một câu nói đùa mà ông đã nói với một thân chủ rất quen của tiệm.
“Bà thân chủ mà tôi làm móng hôm ấy có nói đại khái là ‘Anh Phát biết không, tôi quá mệt mỏi khi thấy đất nước chúng ta đang như thế này ngày hôm nay. Đi đâu cũng chỉ nghe mọi người bàn về vấn đề da đen và da trắng. Ngay cả khi đến sở làm tôi cũng bị gọi là đồ rác trắng, khùng, vân vân. Chúng tôi không thể nói gì lại được với họ. Nếu tôi nói chữ N với họ thì họ sẽ gọi tôi là kẻ kỳ thị.’”
Ông Đinh Phát kể tiếp, “Nghe vậy thì tôi mới nói giỡn với bà ta. ‘Chữ N có nghĩ là gì?’ và bà nói như thế này ‘Phát, tôi không thể nói ra chữ đó, vì tôi sẽ gặp rắc rối.’”
Đinh Phát nói rằng ông đề nghị giảm 10% nếu bà chọn “white color” (màu trắng) cho móng chân của bà.
Bà Maggie Gerrell không đồng ý với lời giải thích của ông Phát.
Bà Gerrell nói, “Ông ấy nói ‘white power’ (quyền lực da trắng), nếu bà nói ‘white power’ [thì tôi sẽ bớt cho bà] – tôi biết chắc ông nói vậy, vì trước đó ông đã nhắc đến những cuộc biểu tình và phong trào Black Lives Matter (mạng sống người da đen cũng quan trọng). Đáng lý thì tôi dùng điện thoại để thâu hình, nhưng lúc đó máy của tôi chỉ còn 1% pin.”
Ông Đinh Phát đã đăng lời xin lỗi trên trang Facebook, trong đó có đoạn nói: “Chúng tôi xin lỗi và không cố ý xấu đối với bất cứ ai. Chúng tôi không cố ý hại ai với những lời nói giỡn, và sẽ cố gắng hiểu rõ hơn về tình trạng của chúng tôi để tránh gây thêm hiểu lầm.” (We apologize and harbor no ill intentions to anyone. We mean no harm with our jokes, and will strive to better our situational awareness in order to prevent further misunderstandings.)
Nay thì trang Facebook này đã được lấy xuống.
Đinh Phát nói ông là người Á Châu và không là người kỳ thị. Ông nói ông không muốn gây rắc rối cho ai.
Ông nói với báo Times, “Tôi đã sống ở Mỹ hơn 30 năm. Tôi biết những gì mình nên nói và không nên nói. Khi mọi người vào trong tiệm, thỉnh thoảng tôi cũng nói đùa điều gì đó để giúp cho họ được thư giãn. Nhưng tôi không bao giờ muốn gây tổn thương người khác.” (V/Đ)