Monday, January 13, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thuốc đặc trị Covid-19 dạng viên của Pfizer kết hợp thuốc kháng HIV cho hiệu quả 89%


Nếu được cấp phép, thuốc đặc trị Covid-19 dạng viên của Pfizer có thể trở thành yếu tố thay đổi cục diện cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu…

Hãng dược Mỹ Pfizer ngày 5/11 cho biết thuốc đặc trị Covid-19 mới của hãng, khi được dùng cùng với thuốc điều trị HIV thông thường, có hiệu quả giảm tỷ lệ nhập viện hoặc tử vong tới 89% ở người trưởng thành có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao.

Theo đó, đây là loại thuốc kháng Covid-19 thứ hai, sau loại của hãng Merck, được chứng minh có hiệu quả cao trong điều trị Covid-19 ở giai đoạn xuất hiện những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Nếu được cấp phép, thuốc này có thể trở thành yếu tố thay đổi cục diện cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên toàn cầu.

Chia sẻ với CNBC, ông Albert Bourla, Giám đốc điều hành (CEO) của Pfizer cho biết công ty này dự kiến nộp dữ liệu lên Cơ quan quảm lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) trước ngày lễ Phục sinh năm nay (25/11).

“Tôi cho rằng loại thuốc đặc trị này sẽ thay đổi mọi thứ đang diễn ra hiện tại, cứu hàng triệu mạng sống, nó có tiềm năng làm được điều đó”, ông Bourla cho biết trong cuộc phỏng vấn với CNBC.

Ông Albert Bourla, CEO Pfizer. Hình Getty

Ông Bourla cho biết Pfizer hiện có thể sản xuất 500 triệu viên thuốc này -tương đương 50 triệu liệu trình điều trị cho người bệnh.

“Hiệu quả cao của loại thuốc này khiến chúng tôi cũng ngạc nhiên, vượt qua cả những kỳ vọng cao nhất của chúng tôi”, CEO Pfizer chia sẻ.

Giá cổ phiếu Pfizer tăng vọt 8% trong phiên giao dịch sáng 5/11 sau thông tin này.

Thuốc đặc trị Covid-19 của Pfizer, có tên khoa học là PF-07321332, thuộc nhóm thuốc được gọi là thuốc được gọi là chất ức chế protease – hoạt động bằng cách ức chế một loại enzyme mà virus cần để tái tạo trong tế bào cơ thể người. Chất ức chế protease được sử dụng để điều trị các virus khác như HIV và viêm gan C.

Theo Pfizer, thuốc điều trị HIV giúp làm chậm quá trình trao đổi chất hoặc phân hủy của thuốc đặc trị Covid-19 Pfizer, từ đó giúp thuốc có thể hoạt động trong cơ thể lâu hơn với nồng độ cao hơn.

Dữ liệu về thuốc của Pfizer được đưa ra dựa trên một nghiên cứu từ giai đoạn giữa tới giai đoạn cuối với 1.219 người trưởng thành có ít nhất một bệnh nền và lây nhiễm Covid-19 trong vòng 5 ngày. Những người tham gia cũng được sử dụng Ritonavir liều thấp – loại thuốc thường được dùng kết hợp trong điều trị HIV.

Pfizer cho biết, trong số 607 người tham gia thử nghiệm dùng thuốc đặc trị Covid-19 cùng thuốc điều trị HIV trong 5 ngày khởi phát triệu chứng, có 6 người phải nhập viện và không có ca tử vong. Trong khi đó, ở nhóm 612 người dùng giả dược, có 41 trường hợp nhập viện và 10 ca tử vong.

“Những dữ liệu này cho thấy rằng thuốc đặc trị Covid đường uống của chúng tôi, nếu được cơ quan quản lý cấp phép, có thể cứu sống nhiều bệnh nhân, giảm mức độ nghiêm trọng khi lây nhiễm Covid-19 và giảm 9 trên 10 ca phải nhập viện”, ông Bourla cho biết.

Thuốc uống đặc trị Covid-19 của Pfizer hứa hẹn thay đổi cục diện cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu nếu được cấp phép. Hình Getty

Không giống thuốc kháng Covid tiêm tĩnh mạch Remdesivir đang được dùng rộng rãi của Gilead Sciences, thuốc đặc trị của Pfizer và Merck có thể được dùng bằng đường uống. Dù tiêm vaccine vẫn là hình thức bảo vệ tốt nhất chống lại virus, các chuyên gia y tế hy vọng những loại thuốc uống như thế này sẽ giúp ngăn chặn tình trạng diễn biến nặng ở người bệnh và giảm nguy cơ phải nhập viện.

Trước đó, ngày 1/10, Merck và đối tác Ridgeback Biotherapeutics cho biết đã phát triển một loại thuốc khi được sử dụng một mình có thể giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong tới 50% đối với bệnh nhân Covid-19 có các triệu chứng vừa và nhẹ. Thuốc kháng virus này của Merck đã được cơ quan quản lý dược phẩm của Anh cấp phép ngày 4/11.

Theo bà June Raine, giám đốc điều hành Cơ quan quản lý thuốc và sản phẩm chăm sóc sức khỏe của Anh, thuốc viên uống của Merck sẽ giúp ích nhiều cho việc điều trị Covid-19 – đại dịch đã khiến 5 triệu người tử vong trên toàn cầu và gây áp lực lớn cho hệ thống y tế. (T/H, VNEco)