Friday, April 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thói quen mặc quần áo mới không giặt là nguyên nhân gây ung thư?

Nhiều người có thói quen mua quần áo mới về là mặc luôn chứ không giặt trước. Một cuộc khảo sát với 11,266 người cho thấy chỉ 22.8% số người giặt quần áo mới sau khi mua. Tuy nhiên bạn có thể cần phải thay đổi thói quen này khi Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã phân loại chất formaldehyde có trên quần áo mới là chất gây ung thư nhóm 1, cùng mức nguy hiểm tương đương với hút thuốc lá.

Tại sao formaldehyde vẫn còn trên quần áo mới?

Theo Cơ quan các vấn đề người tiêu dùng (New Zealand),  formaldehyde là một chất tự nhiên trong bầu khí quyển. Nó cũng được tạo ra trong quá trình đốt, có thể tìm thấy formaldehyde trong khói từ đám cháy, khói bụi, khói thuốc lá và khí thải xe cộ. 

Formaldehyde không tồn tại độc lập mà tồn tại ở dạng dung dịch hay các hợp chất khác và chỉ hóa hơi khi có điều kiện thích hợp (khi độ ẩm và nhiệt độ tăng), do đó sự tồn tại của formaldehyde ở môi trường trong nhà (do gỗ, quần áo, rèm cửa, chăn gối, drap trải giường, bọc đệm ghế, thảm và các sản phẩm nhựa dùng trong nhà…) luôn cao hơn môi trường ngoài trời. Formaldehyde có thể lây nhiễm qua các sản phẩm khác khi giặt chung. Vì vậy sự nhiễm formaldehyde đối với sức khỏe con người diễn ra liên tục và có tính tích lũy.

Ở mức độ đậm đặc hơn, formaldehyde được sử dụng trong một số quy trình công nghiệp, bao gồm ngành công nghiệp dệt may. Formaldehyde thường được sử dụng để chống nhăn cho vải, chống bám bẩn và giúp bền màu. Nó cũng được sử dụng để giữ cho sản phẩm may mặc trông mới, đẹp trong suốt quá trình vận chuyển và để làm chậm sự phát triển nấm mốc trên vải.

Trước những nguy cơ lạm dụng formaldehyde, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 32/2009/TT-BCT vào năm 2009 và sau đó là Thông tư số 37/2015/TT-BCT năm 2015 nhằm kiểm soát việc sử dụng hóa chất có hại cho sức khỏe cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nội địa. Thông tư 37 quy định mức giới hạn hàm lượng formaldehyde trong sản phẩm dệt may đưa ra thị trường như sau: Sản phẩm dệt may cho trẻ em dưới 36 tháng tuổi tối đa đạt 30mg/kg; sản phẩm dệt may tiếp xúc trực tiếp với da 75mg/kg và sản phẩm dệt may không tiếp xúc trực tiếp với da 300mg/kg.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng quần áo mới chưa giặt sẽ thải ra 0.012-0.426 ppm formaldehyde mỗi ngày (Lưu ý: ppm nghĩa là mật độ với tỷ lệ phần triệu). Vào năm 1980, một số nhà khoa học đã phát hiện formaldehyde có thể gây ung thư mũi ở chuột. Vậy, formaldehyde có gây ung thư ở người không?

Formaldehyde qua nghiên cứu của các nhà khoa học 

Năm 2003, một nghiên cứu của Viện Ung thư Mỹ cho biết, 25,619 công nhân tiếp xúc gần với formaldehyde tại nơi làm việc có nguy cơ tử vong do ung thư máu cao hơn những người bình thường. Tuy nhiên, nồng độ cao nhất của formaldehyde để gây ung thư là trên 4.0 ppm hoặc nồng độ trung bình trên 1.0 ppm, lớn hơn nhiều so với lượng formaldehyde mà quần áo thải ra hàng ngày.

Formaldehyde là một chất có tiềm năng gây ung thư đã được tranh luận từ những năm 1980. Năm 2004, Viện Quốc gia về An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp Mỹ đã thực hiện một nghiên cứu, theo dõi 11,309 công nhân làm việc trong các nhà máy may mặc trong hơn 3 tháng. Họ phát hiện ra rằng việc tiếp xúc với formaldehyde có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh bạch cầu. 

Cùng năm đó, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế thuộc Tổ chức Y tế Thế giới đã phân loại formaldehyde thuộc nhóm 3 (chất có khả năng gây ung thư) sang nhóm 1 (chất gây ung thư), cùng mức với hút thuốc lá. 

Mặc dù có rất nhiều nghiên cứu về khả năng gây ung thư của formaldehyde, nhưng về cơ bản chỉ tập trung vào phương diện tiếp xúc nghề nghiệp, chưa có nghiên cứu nào về việc mặc quần áo mới có gây ung thư hay không.

Đối với quần áo mới, nhiều người có thói quen mặc luôn chứ không giặt trước. Một cuộc khảo sát với 11,266 người cho thấy chỉ 22.8% số người giặt quần áo mới sau khi mua.

Nồng độ và thời gian phơi nhiễm formaldehyde do mặc quần áo mới không thể so sánh với phơi nhiễm nghề nghiệp lâu dài, nồng độ cao. Do đó, có thể thấy rằng nguy cơ ung thư do mặc quần áo mới chưa giặt là rất thấp. Dù vậy, formaldehyde gây ra những tác hại ngắn hạn mà chúng ta không thể không kể đến.

Các tác hại của formaldehyde và cách phòng tránh 

Formaldehyde gây những triệu chứng cấp tính như kích thích gây cay niêm mạc mắt, đỏ mắt, kích thích đường hô hấp trên gây chảy mũi, viêm thanh quản, viêm đường hô hấp, hen phế quản, viêm phổi; gây viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, nổi mề đay; làm chậm tiêu, rối loạn tiêu hóa, viêm loét dạ dày, viêm đại tràng… Khi tiếp xúc, hoặc ăn phải với một hàm lượng cao có thể gây tử vong (30 ml là liều lượng có thể gây ra chết người).

Tuy vậy, formaldehyde là chất rất không ổn định, dễ bay hơi và dễ hòa tan trong nước. Bạn chỉ cần giặt quần áo mới thật kỹ trước khi mặc, đặc biệt là quần áo lót và quần áo trẻ em là hoàn toàn có thể tránh tiếp xúc với chất formaldehyde còn sót lại trên vải.

Đối với quần áo không thể giặt được trong nước, phơi ở nơi thoáng gió trong vài ngày cũng có thể loại bỏ hiệu quả các chất độc hại như formaldehyde. Một mẹo nhỏ, khi mua quần áo bạn hãy ngửi thử, nếu có mùi hăng thì tức là mức formaldehyde vượt quá tiêu chuẩn, hoặc có các hóa chất khác. (NTD)