Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Thiếu hụt Vitamin D làm trầm trọng bệnh COVID-19

Nghiên cứu mới của các nhà khoa học Tây Ban Nha đã chỉ ra mối liên quan giữa việc thiếu hụt vitamin D và mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19.

Từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng sức khỏe, vai trò của vitamin D đối với những bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được đưa ra bàn luận. Các nhà nghiên cứu từ Đại học Cantabria (Tây Ban Nha) đã thực hiện một nghiên cứu trên nhóm 216 bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi SARS-CoV-2 và một nhóm đối chứng gồm 197 người. Mức độ vitamin D được đo ở cả hai nhóm. Các nhà nghiên cứu cũng theo dõi các biến chứng như nhập viện vào khoa chăm sóc đặc biệt, nhu cầu thở máy và tỷ lệ tử vong.

Các nhà khoa học đã quan sát thấy mức vitamin D đặc biệt thấp ở các đối tượng COVID-19. Gần 82,2% trong số họ bị thiếu vitamin D khi nằm viện.

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học cũng nhận thấy rằng nồng độ vitamin D đặc biệt thấp ở nam giới. Họ cũng xác định tăng huyết áp, nồng độ ferit cao, biến chứng tim mạch và thời gian nằm viện lâu hơn ở những bệnh nhân thiếu vitamin D.

Các nhà khoa học tin rằng cần có nhiều nghiên cứu quy mô lớn hơn để hiểu tác động của việc thiếu vitamin D đối với mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19. Theo họ, việc điều trị cho sự thiếu hụt có thể ngăn ngừa bệnh hoặc tránh được các biến chứng trong trường hợp nhiễm bệnh.

Phần lớn lượng vitamin D hấp thụ đến từ ánh sáng mặt trời, nhưng nó cũng được tìm thấy trong thực phẩm. Thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm giàu chất béo giúp giảm nguy cơ thiếu hụt. Vitamin D được tìm thấy trong: Cá thu, cá hồi, cá mòi, cá ngừ, cá trích, dầu gan cá, nấm, phô mai tươi, trứng, sữa, sô cô la đen.

Việc thiếu hụt vitamin D có thể làm trầm trọng bệnh COVID-19
Việc thiếu hụt vitamin D có thể làm trầm trọng bệnh COVID-19.

Một số loại thực phẩm làm giảm sự thiếu hụt vitamin D, việc bổ sung đôi khi là cần thiết. Tháng 5 năm ngoái, Học viện Y khoa Pháp đã đưa ra khuyến cáo đối với những người bị nhiễm SARS-CoV-2 về vấn đề này. Họ cho biết: Bổ sung vitamin D “không thể được coi là phương pháp điều trị dự phòng hoặc điều trị bệnh nhiễm SARS-CoV-2, nhưng bằng cách giảm bớt cơn bão viêm nhiễm và hậu quả của nó, thì đó có thể được coi là phương pháp hỗ trợ cho bất kỳ hình thức điều trị nào”.

Do đó, Học viện Y khoa khuyến nghị đo nhanh mức vitamin D ở những người trên 60 tuổi mắc COVID-19 và sử dụng trong trường hợp thiếu hụt. (SKDS)