Thí nghiệm ‘sống chung với dịch’: Anh đã sẵn sàng cho ‘Ngày Tự do’?
Dù Vương Quốc Anh đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm Covid-19 mới, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson vẫn ủng hộ việc mở cửa lại hoàn toàn nền kinh tế và loại bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế trong nước vào ngày 19/7. Kế hoạch “sống chung với dịch” của nước Anh đang gây nghi ngại khi được cho còn nhiều thiếu sót.
Dự đoán rằng SARS-CoV-2 “sẽ trở thành một loại virus mà chúng ta có thể cách sống chung như bệnh cúm”, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã công bố kế hoạch dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế phòng dịch, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang và các quy tắc giãn cách xã hội từ ngày hôm nay (19/7) –dấu mốc mà nhiều người Anh gọi là “Ngày Tự do”.
Theo ông Johnson, chiến dịch triển khai vắc-xin ngừa Covid-19 thành công của Anh, với 66% dân số trưởng thành hiện đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, đã phân tách các ca nhiễm và ca bệnh nặng.
Tuy nhiên, các ca nhiễm virus mới ở Anh đã gần chạm ngưỡng 55,000 trường hợp/ngày vào thời điểm “cuộc sống bình thường” đang trở lại. Hôm 17/7, nước này ghi nhận 54,674 trường hợp dương tính mới trong 24 giờ, là kỷ lục hàng ngày cao nhất mà nước này ghi nhận trong 6 tháng qua.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2 sau khi thực hiện test nhanh. Tất cả như đang đặt câu hỏi: Liệu Anh đã sẵn sàng cho “Ngày Tự do”?
Quyết định mở cửa trở lại của Anh đã gây chia rẽ dư luận trong nước. Trong khi nhiều người thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ cách tiếp cận của Chính phủ London, các nhà khoa học cảnh báo rằng sức khỏe của hàng triệu người đang bị đe dọa vì Anh chưa đạt được miễn dịch cộng đồng. Khoảng 17 triệu người, bao gồm một số được xếp vào nhóm cực kỳ dễ bị tổn thương bởi Covid-19, vẫn chưa được tiêm chủng.
“Ngoài vấn đề 17 triệu người chưa được tiêm chủng, số ca nhiễm tăng cũng có thể dẫn đến việc một số người đã tiêm chủng tử vong”, Tiến sĩ Oliver Watson –chuyên gia tại Đại học Hoàng gia London –nói và bình luận rằng “thật khủng khiếp” khi Anh, một trong số ít quốc gia trên thế giới có nguồn cung vắc-xin lớn, lại lãng phí công cụ quan trọng chống Covid-19 này với việc mở cửa trở lại quá sớm.
Đỉnh điểm, 1,200 nhà khoa học đã cùng ký vào một bức thư được đăng tải trên tạp chí y học danh tiếng Lancet, trong đó khẳng định kế mở cửa ồ ạt của Chính phủ London là “quá sớm và nguy hiểm”. Tuy nhiên, phát biểu trong một cuộc họp báo đầu tuần qua, Thủ tướng Johnson khẳng định sẽ không đảo ngược kế hoạch mở cửa trở lại, tin rằng kỳ nghỉ Hè sẽ đóng vai trò như rào chắn tự nhiên giúp hạn chế lây lan virus ở trẻ em.
Thủ tướng Anh cũng kêu gọi mọi người có ý thức cá nhân, khuyến cáo họ nên che mặt ở những nơi đông người hoặc không gian kín, bất chấp quyết định dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang kể từ ngày 19/7.
So sánh với Singapore –quốc gia cũng đang theo đuổi chiến lược “sống chung với Covid-19”, lộ trình thoát khỏi khủng hoảng dịch bệnh tại đây ít vấp phải sự phản đối của công chúng, một phần nhờ mức độ tin tưởng cao vào Chính phủ. Việc mở cửa trở lại của Singapore được cho đang diễn ra từ từ thay vì vội vã.
Mặc dù có ngưỡng số ca mắc bệnh thấp hơn so với Anh, nhưng Singapore hiện vẫn cấm tụ tập hơn 5 người. Trong khi 40% dân số trưởng thành của Anh đã tiêm chủng đầy đủ vào tháng 6, tương đương mức tiêm chủng hiện tại ở Singapore, chính quyền London đã cho phép đám đông lên tới 30 người có thể tụ tập trong môi trường trong nhà.
Hay như việc kể từ tuần trước, nhân viên các cơ sở “có nguy cơ cao” ở Singapore như phòng gym, nhà hàng và thẩm mỹ viện sẽ phải làm xét nghiệm 2 tuần/lần. Trong khi đó, Anh không bắt buộc xét nghiệm tại nơi làm việc.
“Thật đáng tiếc khi Anh không thể kiên nhẫn thêm chút nữa như Singapore, thay vào đó họ đang chọn đánh cược vào lợi ích của chiến dịch vắc-xin mà họ đã ca ngợi là “tuyệt vời và hiệu quả”, Tiến sĩ Watson nói. (KTDT)