Thế giới sẽ ra sao nếu vắc-xin COVID-19 không thể tạo ra miễn dịch cộng đồng?
Các nước đang gấp rút triển khai tiêm chủng COVID-19, nhưng cần thời gian để thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng, và hậu quả ra sao nếu không đạt được mục tiêu đó?
Trong bối cảnh thế giới phải trải qua hàng loạt cột mốc thương tâm với hơn 100 triệu người mắc COVID-19, chiến dịch tiêm chủng của các quốc gia trên toàn thế giới mang lại hy vọng về khả năng miễn dịch cộng đồng. Người dân hy vọng vắc-xin có thể loại bỏ hoàn toàn dịch bệnh toàn cầu này. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo viễn cảnh đó có thể không thành sự thực.
Ông Mike Ryan, giám đốc phụ trách chương trình Khẩn cấp của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dự đoán khả năng vắc-xin không thể ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trong “tương lai gần”. Một số chuyên gia khác cảnh báo loại virus này có thể sẽ không bao giờ bị tiêu diệt.
Vậy thế giới sẽ đón nhận viễn cảnh nào nếu vắc-xin COVID-19 không thể tạo ra miễn dịch cộng đồng?
Trước khả năng đó, Liên minh châu Âu (EU) phản ứng bằng cách đe dọa thắt chặt xuất khẩu vắc-xin do các nước trong khối sản xuất báo hiệu một kịch bản xấu. Nơi chủ nghĩa dân tộc vắc-xin bao trùm thế giới, chỉ có những thế lực mạnh nhất mới có đủ số lượng vắc-xin COVID-19.
Bao lâu mới có đủ vắc-xin?
Gần đây, những vấn đề ảnh hưởng đến tốc độ sản xuất vắc-xin COVID-19 là chủ đề nóng được thế giới quan tâm. Các chuyên gia cho rằng chúng đều có khả năng được khắc phục, dù có lẽ đây sẽ là một nhiệm vụ dài hạn.
Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học tại đại học Hong Kong, cho biết việc các nhà sản xuất đánh giá cao tốc độ sản xuất thuốc là chuyện thường xảy ra: “Trên thị trường cạnh tranh, mọi nhà sản xuất đều muốn tối đa hóa thị phần của mình, việc đánh giá thấp nguồn cung có thể khiến giá vắc-xin giảm”.
Teo Yik Ying, hiệu trưởng đại học Quốc gia Singapore, lưu ý răng các nhà phát triển vắc-xin này đã dành phần lớn nguồn lực để thiết lập và sửa đổi chuỗi sản xuất thuốc. Do vậy, sự chậm trễ không phải là thất bại mà chỉ là bước “cần thiết” để tạo ra dây chuyền sản xuất bền vững và hiệu quả hơn.
Ông Teo cho rằng chắc chắn các nước sẽ có đủ thuốc để tiêm chủng cho toàn dân, nhưng nhấn mạnh thách thức thực sự là thời điểm đạt được điều này: “Theo dự đoán của tôi, số lượng vắc-xin được phê duyệt sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới. Điều này nghĩa là ngày càng nhiều dây chuyền sản xuất thuốc số lượng lớn sẽ đi vào hoạt động, giúp thế giới đạt được số lượng vắc-xin cần thiết để tiêm chủng cho phần lớn dân số toàn cầu”.
Lawrence Gostin, giáo sư kiêm giám đốc của Viện O’Neill về luật Sức khỏe Quốc gia và Toàn cầu tại đại học Georgetown, viễn cảnh thế giới đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn là “hoàn toàn không thực tế”.
Theo giáo sư Lawrence, các nước thu nhập thấp khó có thể hoàn thành chương trình tiêm chủng đại trà trước năm 2024 do thiếu chi phí và nguồn cung.
Nghiên cứu gần đây của cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) cho thấy trong số các nền kinh tế ở khu vực châu Á và Thái Bình Dương, chỉ có Hong Kong, Singapore và Đài Loan được kỳ vọng đạt tỷ lệ tiêm chủng ít nhất 60% dân số trong quý 4 năm 2021.
Dự báo các nước Úc, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ đạt chỉ tiêu này vào quý 2 năm 2021. Trong khi đó, các quốc gia có thu nhập thấp hơn như Myanmar và Campuchia có thể mất thêm 4 năm hoặc hơn để đạt tỷ lệ tiêm chủng 60%.
Những rào cản lớn hơn
Giả sử coi vấn đề phân phối vắc-xin COVID-19 là ngắn hạn, con người vẫn gặp phải những rào cản lớn hơn để đạt được miễn dịch cộng đồng, bao gồm vấn đề vận chuyển thuốc và thái độ e ngại của cộng đồng với việc tiêm chủng.
Ngay cả những nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng không tránh khỏi các vấn đề này. Tuần này, một cuộc khảo sát ở Hong Kong cho thấy hơn một nửa cư dân tại đây không có ý định tiêm vắc-xin COVID-19.
Nguyên nhân người dân e ngại tiêm chủng không chỉ vì nghi ngờ tính hiệu quả của thuốc mà còn do một số người không đủ điều kiện y tế để tiêm vắc-xin. WHO cũng khuyến cáo những người bị dị ứng, phụ nữ có thai và đang cho con bú cùng trẻ em dưới 16 tuổi không nên dùng vắc-xin Pfizer-BioNTech. Một bộ phận người dân khác lại gặp khó khăn vì lý do địa lý hoặc kinh tế.
Jeremy Rossman, giảng viên virus học tại đại học Kent, cảnh báo chi phí tiêm chủng có thể leo thang “khủng khiếp” ngay cả tại các quốc gia giàu có nhất. Ông cũng nói thêm rằng các vấn đề hậu cần trong việc phân phối vắc-xin có thể làm chậm quá trình tiêm chủng trên toàn cầu.
Liên đoàn các nhà sản xuất và hiệp hội dược phẩm quốc tế ước tính một nhà máy sản xuất vắc-xin với điền kiện tiêu chuẩn tiêu tốn tới 9.000 nguyên liệu xuất xứ từ 300 nhà cung cấp ở 30 quốc gia.
Quá trình phân phối cũng là một thách thức lớn. Theo báo cáo của công ty dịch vụ vận chuyển quốc tế DHL, để vận chuyển 10 tỷ liều vắc-xin, ước tính sẽ cần khoảng 15.000 chuyến bay, 200.000 lượt giao hàng và 15 triệu lượt vận chuyển thiết bị làm lạnh. Máy làm lạnh rất cần thiết do một số loại vắc-xin, bao gồm cả vắc-xin Pfizer-BioNTech, phải được bảo quản ở nhiệt độ cực thấp.
Quy trình vận chuyển phức tạp và tốn kém đặt ra thách thức với các nước không có đủ điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất. Ví dụ như tại Philippines, các quan chức chính phủ nước này đã tuyên bố việc tiêm chủng vắc-xin Pfizer-BioNTech sẽ chỉ được triển khai ở Metro Manila và vài khu vực đô thị khác.
Ngay cả tại Mỹ, chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden cũng ám chỉ rằng việc đưa vắc-xin đến các khu vực nông thôn có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Dù vậy, Mỹ vẫn hứa hẹn sẽ tăng cường tiêm chủng ở những khu vực này bằng cách xây dựng các phòng khám di động.
Trước một loạt thách thức kể trên, ông Jeremy Rossman cho biết việc đạt được miễn dịch cộng đồng trên toàn thế giới là rất khó xảy ra: “Hiện tại, chúng tôi không có đủ vắc-xin hay khả năng về hậu cần để triển khai chiến dịch tiêu diệt (virus SARS-CoV-2)”.
Đằng sau những khó khăn trong công tác sản xuất và phân phối vắc-xin COVID-19, vẫn còn tồn tại những lo ngại về một loạt biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là các biến thể có khả năng lây lan mạnh hơn xuất hiện ở Anh và Nam Phi. Có khả năng vẫn còn nhiều biến thể chưa được phát hiện, vài loại trong số đó rất có thể có khả năng kháng lại các loại vắc-xin đang được sử dụng.
Giáo sư Gostin từ đại học Georgetown cho biết có khả năng con người sẽ cần đổi loại vắc-xin mới định kỳ, khiến nỗ lực tiêm chủng toàn cầu gặp nhiều khó khăn hơn.
“Tôi có thể dự đoán cảnh các quốc gia giàu có ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay, nhưng phần lớn thế giới sẽ bị bỏ lại phía sau. Điều đó sẽ dẫn đến những hậu quả to lớn về kinh tế, y tế và ngoại giao”, ông Gostin nói. (VTC)