Thursday, December 26, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

‘Tháng cô hồn’ là gì? Tập tục và những kiêng kỵ cần tránh


Theo quan niệm của dân gian, tháng 7 âm lịch hàng năm được xem là ‘Tháng cô hồn’. Người xưa cho rằng đây là khoảng thời gian mà ma quỷ thường lai vãng nơi chốn dương gian. Đặc biệt là Rằm tháng 7 được xem là ngày “xá tội vong nhân”, cần tránh nhiều điều để không bị vướng vào chuyện xui xẻo. 

Lễ Rằng tháng Bảy còn gọi là lễ xá tội vong nhân. Hình pixabay

Vậy nguồn gốc của ‘Tháng cô hồn’ bắt nguồn từ đâu và vào ‘Tháng cô hồn’ theo như phong tục của dân gian thì chúng ta cần phải lưu ý, kiêng kỵ những điều gì?…

Nguồn gốc của ‘Tháng cô hồn’

‘Tháng cô hồn’ là cách gọi dân gian chỉ tháng 7 âm lịch. ‘Tháng 7 cô hồn’ có lẽ bắt nguồn từ tín ngưỡng trong văn hóa Á Đông xưa, dân gian cho rằng hàng năm từ ngày mồng 1 tháng Bảy trở đi, Diêm Vương hạ lệnh mở rộng cửa địa ngục, để cho những oan hồn quanh năm chịu khổ, bị giam cầm trong địa ngục được thoát ra trong một thời gian ngắn hạn, hưởng thụ huyết thực nhân gian.

Vì vậy, người ta cũng gọi tháng Bảy là tháng ma quỷ, tháng này được cho là không may mắn, không nên kết hôn, cũng không nên chuyển nhà. Cũng bởi vậy mà người xưa cho rằng, đây là tháng cần hết sức cẩn trọng trong năm, nếu không dễ gặp phải ‘tai bay vạ gió’ hoặc nếu làm việc lớn thì khó thành.

Sách “Tục thờ cúng của người Việt” có viết: “Theo tín ngưỡng truyền thống thì vào Rằm tháng 7, các tội nhân ở cõi âm được tha một ngày, bởi vậy các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn cúng gia tiên, đốt vàng mã, tụng kinh độ trì cho họ”.

Sách “Phong tục thờ cúng của người Việt” cũng có viết rằng: “Tết Trung nguyên là Tết tổ chức vào Rằm tháng 7, dân gian còn gọi là ngày Xá tội vong nhân. Nhiều người bày lễ cúng chúng sinh ngoài sân, trước thềm nhà, rìa đường phố, cúng cô hồn, ma đói, dùng lễ vật sơ sài như bánh đa, bánh bỏng, ngô bắp, khoai lang, trứng luộc”.

Không chỉ ở Việt Nam và Trung Quốc, một số nước như thuộc Châu Á như: Ấn Độ, Campuchia, Nhật Bản cũng có chung quan niệm về ‘Tháng 7 cô hồn’. Riêng ở Việt Nam, những tập tục, thói quen thờ cúng, kiêng kỵ… đã trở thành một phần trong văn hóa tín ngưỡng dân gian.

Tháng Cô hồn, Diêm Vương mở cửa địa ngục. (Tranh đời Thanh)

Tháng 7 âm lịch – ‘Tháng cô hồn’ theo quan niệm dân gian cần kiêng kỵ những gì?

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có truyền miệng nhiều điều cần lưu ý, kiêng kỵ trong tháng cô hồn với quan niệm “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Dưới đây là một số điều kiêng kỵ và cách lý giải về chúng để chúng ta có thể tham khảo:

Kiêng đi chơi đêm

Dân gian tin rằng vào tháng 7 âm lịch, Diêm Vương sẽ mở cửa Quỷ môn quan để cho ma quỷ, cô hồn được trở lại cõi trần trong một số ngày. Đến tối ngày Rằm trong tháng thì chúng phải quay về, vì cửa ngục khi này sẽ đóng lại. Vì thế trong nửa đầu tháng 7, nhiều người tránh đi chơi đêm – khoảng thời gian được cho là âm khí nặng nhất – để không bị ma quỷ trêu ghẹo, quấy nhiễu.

Thậm chí vào ban ngày, nhiều gia đình còn không cho trẻ con ra đường chơi một mình vì sợ xảy ra những chuyện bất an. Người già cũng hay dặn con cháu tránh xa ao, hồ, sông nước trong những ngày này.

Không gọi réo tên nhau lúc nửa đêm

Theo quan niệm dân gian, vào ‘Tháng cô hồn’, những người đi chơi đêm không được réo gọi tên nhau, nếu không ma quỷ sẽ ghi nhớ tên người được gọi, và chúng có thể gây phiền nhiễu tới họ.

Trên thực tế, đi trên đường lúc nửa đêm đã đủ cảm thấy bất an rồi, nên bất ngờ giữa đêm thanh vắng mà nghe ai đó gọi tên mình sẽ khiến bạn sợ hãi tới “hồn bay phách lạc”.

Ngoài ra, dân gian cũng cho rằng: khi đi qua những nơi vắng vẻ hoặc đi một mình vào ban đêm trong ‘Tháng cô hồn’, bạn không quay đầu nhìn lại ngay khi nghe ai đó gọi tên hoặc có cảm giác “hình như” có người đang đi theo mình, vì đó có thể là do ma quỷ trêu chọc.

Tuy nhiên, nếu ai đó gọi tên thì theo phản xạ bình thường, bạn sẽ sững sờ một lúc rồi mới quay đầu nhìn lại xem đó là ai. Đây có thể coi là một cơ chế bảo vệ tự nhiên của con người.

Không ăn vụng đồ cúng

Trẻ con ăn vụng đồ cúng là chuyện vẫn hay xảy ra, nhưng riêng mâm cỗ cúng cô hồn thường được người lớn canh chừng đặc biệt cẩn thận, không để trẻ động vào cho đến khi hương cháy hết, mọi nghi thức hoàn tất.

Điều này cũng xuất phát từ quan niệm cho rằng: trong tháng 7 âm lịch, cô hồn dã quỷ thường xuất hiện khắp nơi, trong số đó có rất nhiều quỷ đói. Mâm cỗ cúng cô hồn là dành cho những sinh mệnh này, nếu ai đó động vào sẽ chọc giận ma quỷ, khiến chúng nổi giận và gây rối.

Không cắm đũa lên bát cơm

Trong quan niệm của người Việt, việc cắm đũa lên bát cơm giống như bạn đang cúng người đã mất. Điều này sẽ khiến ma quỷ đánh hơi thấy và tới dùng cơm chung, chúng cũng sẽ mang theo âm khí vào nhà bạn.

Không đốt vàng mã tùy tiện

Tháng 7 âm lịch thường là khoảng thời gian người ta tiêu thụ lượng vàng mã lớn nhất. Tuy vậy nhiều người vẫn nhắc nhau cẩn thận khi đốt vàng mã vào tháng này. Vì dân gian có quan niệm rằng ‘Tháng cô hồn’ là tháng của quỷ đói, chúng thiếu thốn mọi thứ nên thường đi lang bạt khắp nơi. Nếu tùy tiện đốt vàng mã, ma quỷ dữ sẽ kéo tới tranh cướp tiền vàng và dễ mang theo những điều không hay đến cho gia chủ.

Trên thực tế, việc đốt vàng mã vừa gây tốn kém, ô nhiễm môi trường, vừa tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn, vì vậy đây là hoạt động được khuyến cáo hạn chế thực hiện.

Không nên mặc toàn đồ trắng hoặc trang phục có hình thù kỳ dị

Dân gian cho rằng: trong những ngày thuộc ‘Tháng cô hồn’, bạn không nên mặc y phục toàn màu trắng. Đặc biệt, không nên vận những bộ quần áo có in thêu những hình thù đáng sợ, kỳ quái.

Không treo chuông gió đầu giường

Dân gian cho rằng không nên treo chuông gió đầu giường trong tháng cô hồn vì tiếng chuông sẽ dễ thu hút sự chú ý của những sinh mệnh khác. Khi con người đi ngủ, chúng sẽ kéo đến quấy phá giấc ngủ của bạn, khiến bạn dễ gặp ác mộng.

Vẫn biết, theo quan niệm của một số chuyên gia phong thủy, chuông gió thường được làm từ kim loại, tre, gỗ, gốm… phát ra những âm thanh đặc biệt có khả năng khắc chế năng lượng xấu, án ngữ làm giảm hung khí, giúp lưu chuyển luồng khí tốt và tăng năng lượng tích cực khi được treo đúng nơi. Tuy nhiên, nếu treo chuông gió ở đầu giường sẽ khiến bạn bị khó ngủ, thậm chí là mất ngủ, không tốt cho sức khỏe.

Không nhặt tiền lẻ rơi vãi ngoài đường

Đây cũng là một trong những điều kiêng kỵ trong tháng 7 âm lịch mà người lớn tuổi thường hay nhắc nhở con cháu. Bởi lẽ khi làm các lễ cúng trong ‘Tháng cô hồn’, nhiều người hay rải tiền lẻ trên đường để mua chuộc quỷ đầu trâu mặt ngựa, hoặc để bố thí cho các vong hồn… nếu như người trên dương thế mà gom nhặt những đồng tiền kiểu này thì là điều rất không nên.

Không nên chụp ảnh vào ban đêm

Không chụp ảnh lúc ban đêm vào ‘Tháng cô hồn’, vì dân gian cho rằng nhỡ đâu có ma quỷ lảng vảng xung quanh sẽ “vô hình” lẫn vào ảnh chung với người sống, đó là điều tối kỵ.

Không nên thề thốt, hứa suông

Thề thốt và hứa suông vốn dĩ đã là điều tối kỵ. Tuy nhiên dân gian cho rằng trong ‘Tháng cô hồn’ thì càng không nên thề suông, hứa hão hay ăn nói bậy bạ bất cứ điều gì kẻo rước họa vào thân.

Không phơi quần áo vào ban đêm

Theo quan niệm dân gian, trong tháng cô hồn, nếu phơi quần áo vào ban đêm thì các cô hồn vất vưởng không người thờ cúng sẽ có thể ‘mượn đồ’ và để lại ‘quỷ khí’. Những ai mặc đồ từng bị cô hồn mượn rất dễ gặp phải điều xui xẻo.

Mặt khác, theo dưới góc độ khoa học, tháng 7 âm lịch thường mưa nhiều, đặc biệt là vào ban đêm. Không chỉ vậy, độ ẩm không khí cũng cao, nếu không kịp cất quần áo thì khí ẩm rất dễ ngấm vào quần áo, khiến vi khuẩn phát triển, gây hại cho sức khỏe người mặc.

Tránh các hoạt động dưới nước

Dân gian cho rằng nên hết sức hạn chế bơi lội trong ‘Tháng cô hồn’, đặc biệt là ở những nơi sông, hồ vắng vẻ… vì có thể ma quỷ sẽ ‘cùng đùa’ với bạn. Nếu không cẩn thận, bạn sẽ bị chúng làm trẹo chân, thậm chí là đuối nước.

Trên thực tế, tháng 7 âm lịch thường xảy ra mưa bão, lũ lụt khiến mực nước sông dâng cao, đất đá dễ bị lở. Nếu không cẩn thận, người chơi đùa dưới nước trong thời gian này rất dễ bị trượt chân, sa vào vùng nước sâu hoặc dễ gặp nguy hiểm.

Không hù dọa người khác

Nhiều người cho rằng, hù dọa người khác hoặc bất ngờ vỗ vai, vỗ đầu làm họ giật mình “hồn bay phách lạc” thì người đó rất dễ bị hốt hoảng, đây là điều cần tránh, đặc biệt là trong ‘Tháng cô hồn’.

Hạn chế làm những chuyện đại sự

Vào ‘Tháng cô hồn’, dân gian cũng hạn chế làm những chuyện đại sự hơn, như: ký hợp đồng làm ăn, cưới hỏi, chuyển nhà, mua xe… nếu bất khả kháng gia chủ thường phải xem kỹ ngày giờ.

Trên đây là những thông tin về tháng cô hồn và những điều cấm kỵ bạn cần biết. Những chia sẻ trên đây chỉ mang tính chất tham khảo và hoàn toàn phụ thuộc vào niềm tin tín ngưỡng trong lòng mỗi người.

Những điều nên làm trong tháng cô hồn

  1. Nên hạn chế sát sinh các con vật.
  2. Nên xuất tâm làm việc phúc thiện.
  3. Nên ăn nói nhã nhặn, vui vẻ trong gia đình hay với bạn bè đối tác.
  4. Nên tránh xa các cuộc xung đột.
  5. Nên tận tình cứu giúp người khi gặp khó khăn nguy khốn.

Trên đây là những điều nên tránh và nên làm trong ‘Tháng cô hồn’ theo quan niệm của văn hóa Á Đông. Tuy nhiên, tất cả các nội dung trên chỉ mang tính chất giúp chúng ta tham khảo, chiêm nghiệm, trên thực tế, chúng có sức thuyết phục hay không đương nhiên là còn phụ thuộc vào quan niệm và đức tin của mỗi người.

Suy cho cùng, dù hành lễ ở đâu và kiêng kỵ như thế nào thì quan trọng nhất vẫn là sự thành tâm hướng thiện, thường xuyên trau dồi phúc đức. Bởi lẽ cổ ngữ Á Đông có câu: “Chỉ cần ta lương thiện, Trời xanh sẽ an bài”. Người thường xuyên làm việc thiện, biết giúp đỡ, tôn trọng và thương yêu người khác thì dù trong hoàn cảnh nào, bản thân họ cũng cảm thấy an yên. (T/H, NTD)

Đường Phong – tổng hợp từ nhiều nguồn tư liệu.

(*) Lưu ý: Thông tin trong bài chỉ mang tính tham khảo, chiêm nghiệm.