Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

TẾT: 8 Bí quyết từ chối rượu bia không gây mất lòng


Cho dù có kỹ năng hay tiểu xảo như thế nào thì cách tốt nhất vẫn là hạn chế tham gia các buổi nhậu nhẹt. Tết là thời điểm sum vầy, vui vẻ, gặp mặt chứ không nên ép lẫn nhau uống bia rượu.

Kỹ năng từ chối là cần thiết cho mọi người nhất là trong các cuộc nhậu.

Bạn có thể vạch rõ giới hạn là những cuộc gặp nào cần đi và những cuộc nhậu nào là vô bổ. Hãy nghĩ về gia đình và bản thân trước khi quyết định đến một cuộc nhậu nào đó.

Đối với người Việt, Tết Nguyên Đán là một trong những dịp lễ quan trọng nhất năm. Đây là thời điểm mọi người đoàn tụ cùng gia đình, gặp mặt bạn bè, người thân sau 1 năm làm việc vất vả. Dẫu vậy, văn hóa ép rượu bia lại đang làm khó chịu nhiều người bởi chúng không chỉ gây tai nạn giao thông, mất trật tự xã hội và hại sức khỏe.

Vậy làm thế nào để bạn có thể từ chối, hoặc khéo ứng xử trong những bàn nhậu mà không làm mất lòng mọi người?

#1 – Ngồi xa những người hay ép rượu, những bợm nhậu hay những người giao tiếp nhiều

Rất rõ ràng, việc tránh ngồi gần những người có tửu lượng cao sẽ có lợi vì chắc chắn bạn sẽ bị ép uống liên tục nếu ngồi cạnh họ. Ngoài ra, những người thích giao tiếp, cụng ly xã giao cũng là đối tượng bạn cần tránh trên bàn nhậu. Tốt nhất là bạn nên chọn những góc khuất, hoặc ngồi cạnh người có tửu lượng thấp trên bàn nhậu.

8 tiểu xảo từ chối rượu bia không gây mất lòng ngày Tết - Ảnh 1.

#2 – Tìm đồng minh

Việc ngồi cùng những người không biết nhậu sẽ giúp bạn dễ từ chối hơn khi được mời rượu bia. Mọi người cũng sẽ hiểu đây là khu vực không uống được nên sẽ ít ép bạn hơn.

#3 – Cầm theo đồ uống khác

Cách này thường được mọi người sử dụng bởi một khi bạn đã cầm một thứ đồ uống khác, đối phương sẽ khó chọn rượu bia cho bạn được nữa. Tất nhiên với văn hóa Việt Nam, mọi người vẫn sẽ ép bạn uống bằng nhiều cách và đây là lúc khéo léo từ chối bằng những thủ thuật khác nhau.

Làm thế nào để từ chối khéo mà không làm mất lòng người mời?

#4 – Kéo giãn thời gian uống

Với Nghị định 100 và việc lực lượng chức năng làm gắt về nồng độ cồn, tốt hơn hết bạn nên hạn chế nhậu nhẹt. Nếu bị ép thì hãy cố gắng hoãn binh, hoặc kéo dài thời gian nhậu để tìm cớ. Một số ví dụ như dưới đây:

+ Giữ cho mình luôn bận rộn: Cố gắng trò chuyện mỗi lúc cụng ly để lảng tránh. Giả vờ bận bịu nhắn tin điện thoại, ra ngoài nghe điện thoại hay kiếm cớ để bản thân trở nên bận rộn, không thể uống nhiều.

+ Dương đông kích tây: Hãy pha trò hoặc hướng sự chú ý của mọi người vào thứ khác, như đồ ăn hay những câu chuyện thay vì chỉ uống.

+ Giải lao: Hãy cố gắng… đi vệ sinh nhiều để có thời gian giải lao cũng như tránh các lần nâng ly.

8 tiểu xảo từ chối rượu bia không gây mất lòng ngày Tết - Ảnh 2.

#5 – Từ chối và đưa ra một cái cớ

Khi bị ép rượu bia và không còn cách nào để tránh, đây là lúc bạn viện các lý do để thoát tình huống. Ví dụ:

+ Nói rằng bạn mới uống rồi: Bạn nói rằng mình mới uống, nồng độ cồn quá cao, vẫn còn say và không thể tiếp tục.

+ Giả bệnh (dán Salonpas vào thái dương): Dán miếng dán lên thái dương hoặc nói rằng bạn bị bệnh, không thể uống rượu bia.

+ Hoàn cảnh gia đình: Viện cớ phải về đón gia đình hay người thân không muốn bạn uống nhiều.

+ Lái xe: Viện cớ phải lái xe, cần hạn chế nồng độ cồn.

+ Phải gặp khách hàng: Viện cớ phải làm việc.

+ Đang uống thuốc: Viện cớ đang uống thuốc phải kiêng đồ có cồn.

Chiến lược lái xe đến dự tiệc: Uống rượu mà lái xe rồi gây tai nạn là thảm họa rất kinh khủng và vi phạm nghiêm trọng luật giao thông, nên những người ham uống nhất cũng không có quyền ép các lái xe phải mạo hiểm tính mạng của bản thân và người đi đường vì những cốc rượu.

#6 – Từ chối

Ngoài biện pháp viện cớ, bạn có thể dùng nhiều cách từ chối khác nhau. Ví dụ:

+ Than thở về những lần uống rượu: Hãy liên tục than thở trong bữa nhậu về những lần uống rượu say mèm và gây ra các lỗi lầm. Cho mọi người thấy bạn “thê thảm” thế nào khi uống rượu bia và mọi người sẽ hiểu khi bạn từ chối.

+ Dũng cảm từ chối thẳng: Từ chối thẳng lời mời rượu bia nếu mối quan hệ không quá nặng tính xã giao. Suy cho cùng mất công uống rượu bia hại sức khỏe chẳng vì cái gì thì không đáng.

+ Từ chối hài hước: Dùng những câu vui đùa, hài hước để tránh làm mất lòng người mới rượu bia. Biện pháp này khó dùng cho những người trầm tính và không có khả năng giao tiếp giỏi.

+ Trao đổi nghiêm túc: Nói chuyện nghiêm túc về tác hại rượu bia, phân tích sâu về triết lý không uống đồ có cồn. Tránh dùng trong những trường hợp xã giao mang tính công việc, dễ gây mất hứng cho đồng nghiệp.

8 tiểu xảo từ chối rượu bia không gây mất lòng ngày Tết - Ảnh 3.

#7 – Kỹ năng

Nếu bạn không thể từ chối uống rượu thì hãy uống một cách dè chừng và thông minh. Ví dụ:

+ Nghệ thuật nhổ rượu: Đặt một ly nước hoa quả, Pepsi hay nước ngọt có màu cạnh đó. Mỗi lần uống xong giả vờ uống thêm nước nhưng thực ra là nhổ vào cốc. Chú ý chỉ nên rót vơi các cốc nước hoa quả để đổ đi sau khi chúng đầy.

+ Uống nhiều nước: Biện pháp này để kích thích bạn đi vệ sinh nhiều và giải lao trong các buổi nhậu.

+ Nhấp môi: Nếu được, chỉ nên nhấp môi chứ không nên cố uống hết vì sĩ diện.

#8 – Hạn chế tham gia các buổi nhậu nhẹt

Cho dù có kỹ năng hay tiểu xảo như thế nào thì cách tốt nhất vẫn là hạn chế tham gia các buổi nhậu nhẹt. Tết là thời điểm sum vầy, vui vẻ, gặp mặt chứ không nên ép lẫn nhau uống bia rượu. Bạn có thể vạch rõ giới hạn là những cuộc gặp nào cần đi và những cuộc nhậu nào là vô bổ. Hãy nghĩ về gia đình và bản thân trước khi quyết định đến một cuộc nhậu nào đó. (T/H, CafeBiz)