Monday, November 18, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ gặp tai nạn trên Biển Đông, Việt Nam lên tiếng

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng hôm 21/10 lên tiếng sau khi được hỏi về vụ tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Connecticut va chạm với một vật thể lạ và bị hư hại khi hoạt động ở Biển Đông hôm 2/10.

Tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Seawolf USS Connecticut (SSN 22) (Hình AP).

Truyền thông Nhà nước vào ngày 21/10 cho biết, bà Lê Thị Thu Hằng lặp lại rằng mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các quy định khác, đóng góp tích cực, thiết thực vào hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn ở Biển Đông.

Trước đó, truyền thông Hoa Kỳ đưa tin theo nguồn của Hải quân nước này cho biết, tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Connecticut đã va chạm với một vật thể ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương hôm 2/10 khiến 11 thủy thủ bị thương nhẹ.

Hạm đội Thái Bình Dương thuộc Hải quân Mỹ khẳng định không có thương tích nào nguy hiểm đến tính mạng các thủy thủ sau vụ va chạm và lò phản ứng hạt nhân của tàu không bị ảnh hưởng.

Việt Nam lên tiếng vụ tàu ngầm Mỹ bị hư hại khi ở Biển Đông
Tàu ngầm tấn công lớp Seawolf USS Connecticut (SSN 22) rời Căn cứ Hải quân Kitsap-Bremerton đến Bremerton, Washington vào ngày 27 tháng 5 năm 2021. (Hình AFP).

Ngay sau có tin về vụ va chạm, Trung Quốc hôm 8/10 lên tiếng yêu cầu Hoa Kỳ giải thích và nói rằng việc không cung cấp thông tin đầy đủ là vô trách nhiệm và bày tỏ lo ngại nguy cơ rò rỉ hạt nhân.

USS Connecticut là một trong ba tàu ngầm tấn công lớp Sea Wolf ra mắt cuối Chiến tranh Lạnh, được thiết kế để săn đuổi các tàu ngầm mạnh nhất của Liên Xô.

Tầu ngầm USS Connecticut (SSN 22) của Hải Quân Mỹ tại căn cứ Submarine Base New London, ở Groton, Mỹ, năm 2002.
Tầu ngầm USS Connecticut (SSN 22) của Hải Quân Mỹ tại căn cứ Submarine Base New London, ở Groton, Mỹ, năm 2002. (Hình US Navy).

Vật thể lạ là drone của Hải Quân Trung Quốc?

Theo trang thông tin quân sư Pháp Zone Miltaire ngày 08/10, các vụ va chạm giữa tàu ngầm và tàu trên mặt nước khá thường xuyên, nhưng các sự cố sâu dưới mặt nước rất hiếm. Vào năm 2005 chẳng hạn, tàu ngầm tấn công hạt nhân Mỹ USS San Francisco, đã va phải một ngọn núi ngầm khi di chuyển gần đảo Guam, khiến một thủy thủ thiệt mạng. Năm 2009, ở Đại Tây Dương, hai tầu ngầm Le Triomphant của Pháp và HMS Vanguard của Anh cũng đã va vào nhau khi đang di lặn “ở tốc độ rất thấp”.

Về sự cố liên quan đến chiếc USS Connecticut, hiện chưa rõ “vật thể” gây thiệt hại cho con tàu là gì. Một nguồn tin được trang mạng Mỹ Military Times trích dẫn đã loại trừ các giả thuyết va vào núi ngầm, vào một tàu khác hay là một hành động thù địch, nhưng cho biết là cuộc điều tra mới chỉ ở giai đoạn đầu.

Ngoài ra, theo trang tin Zone Miltaire, có một giả thuyết khác là chiếc tàu ngầm Mỹ đã va vào một chiếc drone, tức là một tàu ngầm tự hành. Hải Quân Trung Quốc được biết là đã đầu tư rất nhiều vào loại phương tiện này trong những năm gần đây. (T/H, RFA, RFI)