Tang lễ của danh ca Lệ Thu tại Mỹ giữa lúc dịch bệnh phức tạp
FOUNTAIN VALLEY, California – Lễ phát tang và cầu nguyện cho danh ca Lệ Thu được cử hành tại nhà thờ Holy Spirit Catholic Church (Thánh Linh) trên đường Ward, Fountain Valley, vào sáng Thứ Sáu, 29 Tháng Giêng (giờ địa phương), một cách đơn giản mà chuẩn mực trong không khí ấm cúng và thân mật gia đình dưới sự chủ trì của Linh Mục Nguyễn Hoài Chương.
Danh ca Lệ Thu qua đời lúc 7 giờ tối Thứ Sáu, 15 Tháng Giêng, vì bệnh COVID-19, hưởng thọ 78 tuổi.
“Với mọi khán giả yêu chuộng giọng ca Lệ Thu, bà là một danh ca, nhưng với chúng tôi, bà luôn luôn là người mẹ mẫu mực, chịu thương, chịu khó và chịu hy sinh cho gia đình,” ông Nguyễn Hữu Bảo Long, con trai, nói.
Sau năm 1975, khi cha ông bị đi tù “cải tạo,” bà phải một mình tần tảo nuôi tám miệng ăn. Ông kể: “Một đoàn kịch nói rất nổi tiếng ở miền Nam mời bà đi hát, nhưng bà từ chối vì đó là đoàn kịch của nhà cầm quyền. Mãi về sau, khi cuộc sống trở nên khó khăn quá, bà phải buộc lòng nhận lời.”
Cưu mang gia đình, bà xoay xở đủ cách, từ bán chè ở vỉa hè chợ Bà Chiểu đến bán cà phê. “Một người cả đời chỉ biết ca hát, lương một đêm hơn một triệu đồng trước 1975, bà có biết bán chè bao giờ đâu,” ông nói. “Chỉ trong ba tuần, ngày nào cũng mang chè thiu về, bà bỏ nghề.”
Kỷ niệm về Lệ Thu mà ông không quên là những lần bà dạy ông hát. “Tôi nhớ mãi bà tập cho tôi bài ‘Đưa Bé Đến Trường’ của nhạc sĩ Phạm Duy,” ông chia sẻ.
Bà thường gọi ông là “Mã Láu Chảy,” một biệt danh ông còn ghi nhớ với sự trân quý.
“Sau 1975, có lẽ bà hạnh phúc nhất là lúc hát bài ‘Thu Vàng’ của nhạc sĩ Cung Tiến ở quán cà phê Thu Uyên của bà ở Đa Kao vì đó là lần bà được hát bằng tâm hồn chứ không chỉ vì đồng tiền,” ông nói.
Những người con dâu, con rể, có mặt tại buổi lễ, ai cũng nói về bà với lòng yêu thương.
“Bà là người sống bằng tình nghĩa và văn minh. Ly dị chồng đã lâu mà mỗi khi có thời gian, bà vẫn ghé thăm ông dù ông hôn mê nhiều năm,” một người con dâu không muốn nêu tên kể.
Ông Hoàn Trần, con rể, nói: “Thời gian vui nhất của vợ chồng tôi là lúc còn được chở bà đi hát hằng đêm. Bà là người rất vui vẻ. Đi đến đâu bà cũng làm mọi người vui lây.”
Mặc dù cáo phó nhấn mạnh là tang lễ chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình, nhưng một số khán giả vẫn âm thầm đến đưa tiễn bà. Họ chỉ ngồi ở hàng ghế xa nhất để tôn trọng sự riêng tư của gia đình.
Đặc biệt, trong số những người bạn bè thân thiết đến vĩnh biệt danh ca Lệ Thu có vợ chồng danh ca Hương Lan. Đứng trước linh cữu người bạn vừa rời cõi tạm, danh ca Hương Lan ngẹn ngào nói: “Cảm giác nói lời tiễn biệt thật khó khăn và đau lòng. Dẫu biết cánh cửa thế gian sẽ đến rồi đi nhưng tôi vẫn không kiềm nổi sự tiếc thương. Tim tôi đã thắt lại…”.
Bà Isabella Phạm, ở Fountain Valley, nói: “Là người di cư, tôi rất mê bài ‘Hướng Về Hà Nội’ của nhạc sĩ Hoàng Dương do bà hát. Tôi mê cách diễn tả của Lệ Thu qua bài này.”
Bà Georgina Lê, ở Garden Grove, cho biết bà đã gặp Lệ Thu cách nay nhiều năm trong một bữa tiệc ở Châu Âu. “Chị ấy rất có khiếu ăn nói. Bữa tiệc đang rời rạc, nhạt nhẽo mà chỉ cần chị nói vài câu là mọi người cười nói rôm rả. Khi ngồi đối diện tôi, chị rất ân cần, tử tế và bình dân chứ không xa cách như ca sĩ khác.”
Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh ngày 16 Tháng Bảy, 1943, tại Hải Phòng nhưng trải qua thời thơ ấu ở Hà Đông.
Năm 1953, bà cùng mẹ vào miền Nam sinh sống.
Trong khi theo học bậc trung học Les Lauriers vào năm 1959, trong một lần đến phòng trà Bồng Lai nghe nhạc, do sự khuyến khích của bạn bè, Lệ Thu lên sân khấu trình bày nhạc phẩm “Dang Dở, ” tức “Tà Áo Xanh” của Đoàn Chuẩn & Từ Linh.
Ngay sau đó, Lệ Thu được mời ký hợp đồng trình diễn diễn. Cũng từ đó bà lấy nghệ danh Lệ Thu.
Trong một lần phỏng vấn, Lệ Thu nói: “Tôi lấy tên Lệ Thu vì tôi giấu gia đình. Thật ra tên đó không có trong tiềm thức tôi nhưng tự nhiên nó bật ra, tôi không hiểu từ đâu.”
Sau khi nhận lời cộng tác với phòng trà Bồng Lai, Lệ Thu vẫn tiếp tục học một thời gian nhưng quyết định nghỉ để theo đuổi con đường ca hát.
Sau Bồng Lai, Lệ Thu cộng tác với vũ trường Tự Do vào năm 1962. Thời kỳ đó Lệ Thu thường trình bày những nhạc phẩm lời Pháp và Anh, nổi bật nhất là các bài “La Vie En Rose,” “A Certain Smile,” “La Mer,” “Love Is A Many Splendored Thing”…
Lệ Thu nổi tiếng và trở thành ca sĩ quan trọng của các vũ trường lớn ở Sài Gòn. Trong những năm 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do, và Ritz.
Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee.
Ngoài việc đi hát hàng đêm Lệ Thu còn ký giao kèo thu băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát.
Đến giữa năm 1969, Lệ Thu cùng với chương trình Jo Marcel dời về vũ trường Ritz trên đường Trần Hưng Đạo. Năm 1970 Lệ Thu trở lại với vũ trường Tự Do.
Lệ Thu cũng tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội, và Mẹ Việt Nam, và thu âm cho nhiều băng nhạc.
Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Sài Gòn cho tới năm 1975.
Sau 1975 khá lâu, Lệ Thu gia nhập đoàn kịch Kim Cương để trình diễn và hát.
Tháng Mười Một, 1979, Lệ Thu vượt biên đến Pulau Bidong, Malaysia, rồi sang Mỹ năm 1980.
Bà cộng tác với nhiều vũ trường, và thực hiện băng nhạc đầu tiên ở hải ngoại, mang tên “Hát Trên Đường Tử Sinh.”
Sau này, bà có về Việt Nam hát một thời gian.
Được biết, sau khi hoàn tất nghi thức nhà thờ, gia đình sẽ làm lễ hỏa táng cho Lệ Thu tại nhà quàn Thiên Môn, Stanton, nhưng còn phải đợi ngày thuận tiện, có lẽ sớm nhất là một tuần nữa. (T/H, N/V)