Tân Thủ tướng Úc nói về việc chống lại ảnh hưởng của TQ: ‘Chúng tôi đang sát gót Hoa Kỳ’
Úc sẽ đi theo sự dẫn đầu của Hoa Kỳ trong việc công nhận Trung Quốc là “thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế,” tân Thủ tướng đắc cử của Úc Anthony Albanese đã xác nhận như vậy, khi chế độ cộng sản này tiếp tục đẩy mạnh nền tảng cộng sản của mình ở khu vực Thái Bình Dương.
Nói với Sky News hôm Chủ Nhật (29/05), thủ tướng thứ 31 của Úc cho biết, “Úc đã khá sát gót với các đồng minh của chúng tôi ở Hoa Kỳ” khi ông được hỏi về cách tiếp cận của chính phủ Đảng Lao Động trung tả đối với Trung Quốc.
Bình luận trên được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tuyên bố hôm 26/05 rằng Hoa Thịnh Đốn “không thể dựa vào Bắc Kinh thay đổi quỹ đạo của họ” và sẽ “định hình môi trường chiến lược xung quanh Bắc Kinh để thúc đẩy tầm nhìn của chúng tôi về một hệ thống quốc tế cởi mở, bao trùm.”
“Ngay cả khi cuộc chiến của Tổng thống Putin tiếp diễn, chúng tôi sẽ vẫn tập trung vào thách thức lâu dài nghiêm trọng nhất đối với trật tự quốc tế — và đó là thách thức do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đặt ra,” ông Blinken nói trong bài diễn văn về chính sách Trung Quốc của chính phủ Tổng thống Biden.
“Trung Quốc là quốc gia duy nhất có ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có sức mạnh về kinh tế, ngoại giao, quân sự, và công nghệ để làm điều đó. Tầm nhìn của Bắc Kinh sẽ khiến chúng ta rời xa các giá trị phổ quát đã duy trì rất nhiều tiến bộ của thế giới trong vòng 75 năm qua.”
Tuy nhiên, ông Blinken lưu ý rằng Hoa Kỳ không muốn tách Trung Quốc khỏi Hoa Kỳ hoặc nền kinh tế toàn cầu. “Về phần mình, chúng tôi muốn có thương mại và đầu tư miễn là chúng công bằng và không gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia của chúng tôi,” ông nói khi vạch ra các chính sách mà một số chuyên gia quốc phòng và an ninh đã mô tả là một “cơ hội bị bỏ lỡ.”
“Cạnh tranh không cần thiết phải dẫn đến xung đột. Chúng tôi không tìm kiếm nó. Chúng tôi sẽ hành động để tránh né nó. Nhưng chúng tôi sẽ bảo vệ lợi ích của mình trước bất kỳ mối đe dọa nào,” ông Blinken nói, đồng thời lưu ý rằng cộng đồng quốc tế đang bắt đầu đồng ý về sự cần thiết của việc tiếp cận các mối liên hệ với Bắc Kinh với “chủ nghĩa hiện thực hơn,” vì Trung Quốc “thiếu sự có đi có lại.”
Ông nói rằng bất chấp luận điệu của mình, Bắc Kinh đang “theo đuổi sự tách rời bất cân xứng, tìm cách làm cho Trung Quốc ít phụ thuộc hơn vào thế giới và thế giới phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc.”
Cách tiếp cận của ông Blinken được ông Albanese nhắc lại, nhấn mạnh rằng chính phủ của ông sẽ tìm cách “nói về sự cạnh tranh mà không gây ra thảm họa” khi đối phó với Trung Quốc.
Thủ tướng Albanese thừa nhận “có sự cạnh tranh chiến lược” giữa Úc và chế độ cộng sản của Trung Quốc nhưng nói thêm rằng Đảng Lao Động sẽ “giải quyết vấn đề này một cách chín chắn và thừa nhận rằng sẽ có lợi cho tất cả chúng ta khi có hòa bình và an ninh trong khu vực.”
Ông nói thêm rằng việc gia tăng các cam kết với các quốc gia Thái Bình Dương là chìa khóa trong chính sách của Đảng Lao Động trong việc chống lại Trung Quốc, đồng thời chỉ ra chuyến công du của Ngoại trưởng Penny Wong tới đảo quốc Fiji trong tuần này nhằm làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các nước láng giềng.
Đảng Lao Động cũng có kế hoạch đầu tư vào các hoạt động huấn luyện quốc phòng, an ninh hàng hải và khí hậu của Úc; tăng cường các chuyến thăm của nghị viện và các chương trình hành động cho người dân Thái Bình Dương; cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng của các đảo Thái Bình Dương “để đối phó với thách thức khí hậu.”
Tuy nhiên, trước đây cựu thủ tướng Scott Morrison đã phản bác ý kiến rằng tăng cường tài trợ sẽ đủ để kiềm chế sự bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc trong khu vực.
“Quý vị đang gợi ý rằng nếu quý vị tăng gấp đôi tài trợ ở Thái Bình Dương, thì bằng cách nào đó chính quyền Trung Quốc không có bất kỳ ảnh hưởng nào hoặc sẽ không tìm cách ép buộc hoặc tăng cường ảnh hưởng của mình,” ông Morrison nói. “Giả định đó không đúng.”
Theo nguồn tin rò rỉ trước cuộc bầu cử được báo The Australian đưa tin, chính phủ cựu Thủ tướng Morrison đã bác bỏ đề nghị của cựu Ngoại trưởng Marise Payne về việc tăng gấp đôi viện trợ của Úc cho Thái Bình Dương, vì lo ngại rằng Bắc Kinh có thể xây dựng một căn cứ quân sự cách Úc chưa đầy 2,000 km.
Hôm thứ Bảy (28/05), Trung Quốc đã ký một thỏa thuận với quốc đảo Samoa ở Thái Bình Dương để làm sâu sắc hơn mối quan hệ ngoại giao. Do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ký vào ngày thứ ba trong chuyến công du kéo dài 10 ngày tới tám quốc gia Thái Bình Dương, thỏa thuận này bao gồm các thỏa thuận về tăng cường hợp tác thực thi pháp luật tại địa phương.
Chuyến đi của ông Vương đến Thái Bình Dương đã làm dấy lên lo ngại rằng tham vọng của Bắc Kinh trong việc định hình trật tự khu vực đang trở nên công khai hơn kể từ khi xuất hiện thỏa thuận quân sự Solomon-Trung Quốc và Bắc Kinh đang thống trị ở khu vực Biển Đông.
Ông Michael Shoebridge, Giám đốc Chương trình Quốc phòng, Chiến lược và An ninh Quốc gia của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), cho biết, “Việc Bắc Kinh đang tiến nhanh hơn và mở rộng hơn ở Nam Thái Bình Dương so với Canberra là có thể dự kiến được và họ sẽ không chờ xem chính phủ ông Albanese làm gì.”
“Phán đoán quan trọng mà các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương phải đưa ra là liệu sự hiện diện xâm phạm ở mức độ cao mà Bắc Kinh mang lại có xứng đáng với số tiền hay không.”
Trong một bài bình luận của ASPI hôm 26/05, ông Shoebridge đã viết rằng, với “tham vọng, tốc độ, và quy mô” về chiến lược của Bắc Kinh ở Thái Bình Dương, “những gì Úc cung cấp ngược lại là không đủ.”
“Nếu chúng ta tin rằng, một khi chúng ta thực hiện đúng chính sách về biến đổi khí hậu, chỉ cần làm nhiều hơn một chút những gì chúng ta đã làm trong nhiều năm sẽ cho chúng ta những kết quả khác biệt, thì chúng ta cần phải suy nghĩ lại. Những gì chúng ta đang làm đã đưa chúng ta đến nước này.”
Vị chuyên gia về quốc phòng này cũng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chính sách ngoại giao Trung Quốc của Đảng Lao Động, nói rằng Úc cần “trí tưởng tượng lớn hơn về một khu vực chung với các nước láng giềng Thái Bình Dương của chúng ta, chứ không phải là mở rộng gia tăng các kế hoạch hiện có như lao động thời vụ… và đào tạo thêm về quốc phòng.” (T/H, ETV)