Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Taliban: Trung Quốc là ‘đối tác chính của chúng tôi’

Phát ngôn viên của Taliban đã ca ngợi Bắc Kinh là một “đối tác” và nhà tài trợ chính khi nhóm này tiến tới xây dựng nền quản trị quốc gia và phát triển kinh tế của Afghanistan.

Phát ngôn viên của Taliban Zabihullah Mujahid phát biểu trong một cuộc họp báo ở Kabul, Afghanistan ngày 17 tháng 8 năm 2021. (Hình Reuters)

Phát ngôn viên của Taliban Zabiullah Mujahid nói với tờ la Repubblica của Ý hôm 01/09, “Trung Quốc là đối tác chính của chúng tôi và họ đặt ra một cơ hội quan trọng và phi thường dành cho chúng tôi, vì họ sẵn sàng đầu tư và tái thiết đất nước chúng tôi.”

Ông Mujahid đưa ra những nhận xét trên trong bối cảnh nhóm phiến quân này – nhóm đã nhanh chóng chiếm được Afghanistan vào giữa tháng Tám – ăn mừng cuộc rút lui cuối cùng của quân đội Hoa Kỳ khỏi nước, chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 20 năm.

Nhưng vấn đề tài chính đã trở thành mối lo cấp thiết đối với Taliban sau khi Hoa Kỳ chặn nhóm này tiếp cận với hàng tỷ [dollar] tài sản của Afghanistan được lưu trữ trong các tài khoản ngân hàng của Hoa Kỳ, và Ngân hàng Thế giới cũng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã đình chỉ tài trợ cho Afghanistan.

Khi tiền mặt cạn kiệt, Taliban dường như đặt cược vào Bắc Kinh, vốn đã bày tỏ sự sẵn lòng kết giao với nhóm này những ngày gần đây—mặc dù Bắc Kinh vẫn chưa chính thức công nhận quyền cai trị của Taliban.

Ông Mujahid cho biết Taliban “rất quan tâm” đến Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc, một dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ dollar do lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bảo trợ nhằm mục đích mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chính trị của nhà cầm quyền này trên toàn thế giới. Mặc dù Afghanistan là thành viên chính thức của BRI, nhưng vẫn chưa có dự án nào được khai triển theo kế hoạch này.

Phát ngôn viên Taliban cũng đề cập đến khoản đầu tư hiện đang không hoạt động của Trung Quốc vào một dự án phát triển mỏ đồng tại nước này. Ông Mujahid nói, “Chúng tôi cũng có những mỏ đồng dồi dào mà với sự trợ giúp của người Trung Quốc, sẽ có thể hồi sinh và được hiện đại hóa.”

Ông nói thêm, Trung Quốc “là cửa ngõ dẫn đến các thị trường trên thế giới của chúng tôi.”

đối tác chính của taliban
Người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar (bên trái) và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chụp ảnh chung trong cuộc gặp tại Thiên Tân, Trung Quốc, vào ngày 28/07/2021. (Hình: Li Ran/Tân Hoa Xã/AP)

Hôm 02/09, trong cuộc điện đàm với trợ lý ngoại trưởng Trung Quốc Ngô Giang Hạo (Wu Jianghao), Taliban bày tỏ sự hứng khởi hơn nữa đối với BRI.

Trong cuộc điện đàm, ông Abdul Salam Hanafi, một thành viên cao cấp trong đội ngũ đàm phán của Taliban, đã gọi Trung Quốc là “bằng hữu đáng tin cậy của Afghanistan,” theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ông Hanafi bày tỏ mong muốn “tích cực hỗ trợ và tham gia” vào dự án BRI mà ông nói sẽ “đóng góp vào sự thịnh vượng của khu vực này.”

Để thúc đẩy tình hữu nghị Afghanistan-Trung Quốc, ông Hanafi tuyên bố rằng Taliban “sẽ tuyệt đối không cho phép bất kỳ lực lượng nào đe dọa đến lợi ích của Trung Quốc,” ngầm ám chỉ về các chiến binh Duy Ngô Nhĩ mà Bắc Kinh lo ngại có thể tiến hành các cuộc tấn công vào Tân Cương, khu vực biên giới giáp với Afghanistan nơi Bắc Kinh đã giam cầm hơn 1 triệu người dân tộc thiểu số theo đạo Hồi trong các trại giam giữ tập trung.

Trung Cộng đã cam kết hỗ trợ Afghanistan khi Taliban cai trị. Trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (01/09), phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) đã mô tả việc Taliban kiểm soát đất nước là một “trang mới trong lịch sử của đất nước này” và cho biết Bắc Kinh sẽ “không ngừng hỗ trợ tối đa cho Afghanistan để sớm hiện thực hóa hòa bình và tái thiết.”

Taliban đã hứa hẹn sẽ thành lập một “chính phủ hòa hợp” và ân xá cho những người đã chiến đấu chống lại họ hoặc làm việc cho chính phủ Afghanistan hiện đã bị lật đổ. Nhưng những lời hứa như vậy đã vấp phải sự hoài nghi ở cả người dân trong nước lẫn trong cộng đồng Afghanistan lớn hơn trên toàn thế giới.

đối tác chính của taliban
Các gia đình Afghanistan tập trung để nhận thực phẩm do một tổ chức Cơ Đốc Giáo có trụ sở tại Islamabad phân phát ở vùng ngoại ô Chaman, một thị trấn ở tỉnh Baluchistan, phía tây nam Pakistan, ở khu vực biên giới giáp với Afghanistan, hôm 31/08/2021. Hàng chục gia đình Afghanistan đã vượt qua biên giới tây nam Chaman để vào Pakistan một ngày sau khi Hoa Kỳ kết thúc 20 năm hiện diện quân sự tại quốc gia do Taliban kiểm soát này. (Hình: AP Photo)

Một người di tản Afghanistan từng làm việc cho chính phủ trước khi Taliban chiếm đóng đã phát hiện rằng kể từ khi ông đào thoát, một nhóm lớn các thành viên Taliban đã đến nhà ông để gặng hỏi thông tin về nơi ở của ông. Ông nói với The Epoch Times rằng ba người Afghanistan mà ông biết đã bị các thành viên Taliban giam giữ và tra tấn trong ba ngày, và chỉ được thả sau khi ký một văn bản nói rằng họ sẽ không rời khỏi nước này cũng như tiết lộ việc họ bị giam giữ và tra tấn với công chúng.

Trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã tận dụng cuộc khủng hoảng Afghanistan để tuyên truyền nhằm hạ thấp uy tín Hoa Kỳ. Phương tiện truyền thông Anh ngữ CGTN của chính quyền này mới đây đã kêu gọi Hoa Thịnh Đốn hãy “chấp nhận Taliban,” “làm việc với chúng tôi,” và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Mặc dù một số nhà phân tích cho rằng bằng cách lấp đầy khoảng trống mà Hoa Kỳ để lại, Trung Cộng có nhiều lợi ích ở Afghanistan, nhưng câu hỏi ở đây vẫn là liệu họ có thể duy trì một mối kết giao khả thi với Taliban hay không, khi mà sự hợp tác của Taliban sẽ có khả năng phụ thuộc vào nguồn kinh phí của Trung Quốc.

đối tác chính của taliban
Phiến quân Taliban đứng canh giữ tại cổng vào Phi trường Quốc tế Hamid Karzai một ngày sau khi quân đội Hoa Kỳ rút quân ở Kabul, Afghanistan hôm 31/08/2021. (Hình: Stringer/Reuters)

“Nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc không sẵn lòng hoặc không thể cung cấp tài chính kịp thời như dự kiến, hoặc nếu Trung Quốc làm bất cứ điều gì khiến Taliban phật lòng, thì Taliban sẽ rất mau chóng ăn cháo đá bát,” ông Frank Lehberger, một cộng sự nghiên cứu cao cấp của Tổ chức Usanas có trụ sở tại Ấn Độ, nói với The Epoch Times trước đó.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang vật lộn với khả năng các phần tử quá khích tràn ra khu vực xung quanh Afghanistan, nơi nhà cầm quyền này vẫn đang phải đối mặt với sự gia tăng bạo lực nhắm vào người lao động Trung Quốc trong các dự án BRI.

Hai vụ đánh bom tự sát gần đây nhắm vào người lao động Trung Quốc ở Pakistan đã làm ít nhất 9 người làm việc trong dự án BRI ở Pakistan thiệt mạng.

“Trung Quốc nghĩ rằng họ có thể kiểm soát Taliban,” nhưng chiến thắng của Taliban lại đang truyền cảm hứng cho các nhóm phiến quân khác, chẳng hạn như nhóm khủng bố Tehreek-e-Taliban Pakistan, vốn “rất đối kháng với Trung Quốc,” ông Gordon Chang, tác giả của cuốn sách “The Coming Collapse of China” (“Sự Sụp Đổ Sắp Tới của Trung Quốc”), cho biết trong một hội thảo trên web gần đây của Epoch TV.

Ông Chang nói thêm, “Chúng ta có thể chứng kiến toàn bộ khu vực này chìm trong biển lửa, trong tình huống đó, Trung Quốc sẽ chính là một mục tiêu.” (ETV)