Sunday, November 3, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Taiwan News: Thêm bằng chứng WeChat theo dõi người dùng ở nước ngoài

Một người dùng Trung Quốc đã bị bỏ tù vì chia sẻ nội dung bị kiểm duyệt cho bạn bè ở Mỹ thông qua ứng dụng WeChat, theo Taiwan News.

WeChat được cho là mục tiêu tiếp theo trong lệnh cấm của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các ứng dụng do Trung Quốc sở hữu vì lo ngại về bảo mật dữ liệu.

Theo nhiều cáo buộc, WeChat có mối quan hệ chặt chẽ với Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và đã nhiều lần thể hiện cam kết của mình với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bằng cách theo dõi và kiểm soát người dùng trên nền tảng của mình, bao gồm cả những người bên ngoài Trung Quốc.

Theo Taiwan News, chính quyền Trung Quốc đã giam giữ một người đàn ông ở tỉnh Sơn Tây trong 10 tháng sau khi người này chuyển một đoạn video nhạy cảm về chính trị cho bạn mình ở Mỹ thông qua ứng dụng nhắn tin WeChat.

Vào ngày 26/9/2018, anh Gao Zhigang đã bị cảnh sát ở Taiyuan, tỉnh Sơn Tây bắt giữ vì chia sẻ video về chiến dịch “Tất cả mọi người cùng hành động” cho bạn bè của mình, bao gồm cả những người ở hải ngoại. Trong số này có Geng Guanjun, nhà hoạt động nhân quyền hiện đang ở Mỹ. Chiến dịch do một nhà hoạt động người Hoa ở nước ngoài khác là Li Yiping khởi xướng vào năm 2018, kêu gọi người Trung Quốc xuống đường vào ngày 1/5 để đòi công bằng xã hội và cải cách hệ thống phúc lợi.

Chiến dịch này và tin tức về nó sớm được coi là nhạy cảm ở Trung Quốc. Vào ngày 11/12, anh Gao bị kết tội vu khống và phá rối hòa bình và bị tù giam 10 tháng vì đã gửi video cho Geng.

Văn bản của tòa án xác nhận nhà chức trách Trung Quốc giám sát trực tiếp người dùng trên WeChat. Hơn nữa, cảnh sát có thể xác định các cá nhân sống ở nước ngoài thông qua công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

“Tôi không bao giờ nghĩ rằng cảnh sát có quyền truy cập vào những tin nhắn riêng tư này giữa bạn bè. Tôi không nhớ mình đã chia sẻ nội dung này và đã xóa WeChat cách đây rất lâu”, anh Gao nói với đài RFA.

Đối với các Hoa kiều, WeChat là ứng dụng không thể thiếu để liên lạc với bạn bè và gia đình sống trong chế độ độc tài. Tuy nhiên, người dùng ở nước ngoài thường xuyên phải đối mặt với việc kiểm duyệt và trục trặc ứng dụng, vì tin nhắn của họ bị cố ý chặn hoặc bị lọc trong các cuộc trò chuyện nhóm riêng tư.

Tại Trung Quốc, tất cả các doanh nghiệp viễn thông hoặc Internet có trách nhiệm hỗ trợ chính phủ và kiểm soát xã hội. Theo Luật An ninh mạng, các công ty này phải hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để bàn giao dữ liệu người dùng cho các cuộc điều tra.

Trước lệnh cấm WeChat, nhiều người dùng ở hải ngoại đã hoan nghênh quyết định này của Tổng thống Donald Trump, họ cho rằng những rủi ro do ứng dụng này gây ra lớn hơn nhiều so với tiện ích mà nó cung cấp, theo The Epoch Times. (T/T)