Saturday, November 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tại sao ông Tập Cận Bình đến “Chùa Đại Phật”

Kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà vừa kết thúc, sao ông Tập Cận Bình dẫn đầu đến thăm chùa Phổ Ninh đã thu hút sự chú ý của các phóng viên. Nếu xem xét những hành động của ông Tập đối với những ngôi chùa linh thiêng trong cuộc đời làm quan của ông, thì có thể phát hiện ra những bí mật thú vị.

Ông Tập Cận Bình đã đến thăm khu nghỉ dưỡng núi Thừa Đức, chùa Phổ Ninh và bảo tàng Thừa Đức ngày 24/8 để nghiên cứu xem xét. (Hình Xinhua) 
Ông Tập Cận Bình đến chùa Phổ Ninh (nguồn Apollo)

Ông Tập Cận Bình đến chùa Phổ Ninh

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, ngày 24 tháng 8, ông Tập Cận Bình đã đến thăm khu nghỉ dưỡng núi Thừa Đức, chùa Phổ Ninh và bảo tàng Thừa Đức để nghiên cứu xem xét. 

Kỳ nghỉ ở Bắc Đới Hà vừa kết thúc, sao ông Tập Cận Bình dẫn đầu đến thăm chùa Phổ Ninh đã thu hút sự chú ý của các phóng viên.

Chùa Phổ Ninh là một trong tám ngôi chùa nằm ngoài khu nghỉ dưỡng, ở phía đông bắc của khu nghỉ dưỡng, là một ngôi chùa kết hợp Hán-Tạng điển hình được xây dựng vào năm Càn Long thứ 20 (1755) thời nhà Thanh. Nửa đầu của ngôi chùa theo phong cách Hán, mang đặc điểm của một ngôi chùa Phật giáo truyền thống của người Hán, nửa sau mang phong cách Tây Tạng, kết hợp hai phong cách kiến ​​trúc khác nhau. Toàn bộ ngôi đền rất uy nghi và có diện tích khoảng 23,000 mét vuông.

Chùa Phổ Ninh có một bức tượng Bồ Tát Quán Âm khắc gỗ cao 22.29 mét. Tổng chiều cao tượng này cao 27.21 mét. Chiều cao của bệ Tu Di là 1.22 mét. Chiều cao từ đỉnh tòa sen trên bệ Tu Di đến đỉnh của tượng Phật Bà là 22.29 mét, và phần dưới là 3.7 mét. Tượng Phật Bà có chu vi vòng eo 15 mét, nặng 110 tấn, riêng phần đầu nặng 5.4 tấn, hiện là tượng Phật bằng gỗ lớn nhất thế giới. Chùa Phổ Ninh do đó thường được biết đến với cái tên “Chùa Đại Phật“.

Các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, không đề cập đến các hoạt động khác của ông Tập Cận Bình ở chùa Phổ Ninh mà chỉ đề cập rằng, ông Tập Cận Bình đã đến Thừa Đức để tiến hành nghiên cứu về bảo vệ và kế thừa di sản văn hóa, công tác tôn giáo và đoàn kết dân tộc.

Tuy nhiên, ngôi chùa lớn và bức tượng Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt này khiến các phóng viên liên tưởng đến câu chuyện của Tập Cận Bình và một “Chùa Đại Phật” khác.

Hình ảnh: Tượng Bồ Tát Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt chạm khắc bằng gỗ được thờ trong chùa Phổ Ninh. (Nguồn: Apollo)

Ông Tập Cận Bình trùng tu chùa Long Hưng

Vào những năm 1980, ông Tập Cận Bình từng nhậm chức tại huyện Chính Định, Hà Bắc. Huyện Chính Định có một ngôi chùa được xây dựng vào thời nhà Tùy tên là chùa Long Hưng, đã xuống cấp. Chính Định còn có một ngôi chùa Lâm Tế, sớm hơn chùa Long Hưng 46 năm, là ngôi Tổ đình của Phật giáo dòng Lâm Tế, nhưng ngôi chùa đã biến mất và chỉ còn lại một tòa tháp Phật. 

Thật trùng hợp, chùa Long Hưng, cũng giống như chùa Phổ Ninh, còn được gọi là “Chùa Đại Phật”, là do trong chùa thờ một bức tượng bằng đồng của Phật Bà Quán Âm nghìn tay nghìn mắt được đúc vào thời Bắc Tống. Bức tượng này là tượng Phật cổ bằng đồng cao nhất và lâu đời nhất trên thế giới.

Bức tượng Quán Thế Âm bằng đồng này cao khoảng 22 mét, có 42 cánh tay trong đó 20 tay ở mỗi bên trái phải của thân thể, và 2 tay hợp thập trước ngực. Trên các bàn tay cầm các Pháp khí như Mặt trời, Mặt trăng, Sao, Chòm sao, Đai áo, Hương hoa, Bảo kiếm, Gương báu và Gậy kim cương và các Pháp khí khác, mỗi tay có một con mắt, 40 tay có 40 con mắt, mỗi tay và mắt có 25 loại Pháp lực, 40 tay và mắt này nhân với 25 chính là nghìn tay nghìn mắt.

Tháng 4 năm 1984, nhờ sự nỗ lực vận động của Tập Cận Bình, ông đã nhận được một quỹ đặc biệt dành cho việc tu bổ các kiến trúc cổ từ Tỉnh ủy Hà Bắc. Với số tiền tài trợ này, huyện Chính Định đã sửa chữa và sơn lại Phương trượng viện, Thiên Vương điện, Giới đàn và điện A Di Đà của chùa Long Hưng, đồng thời xây dựng các bia ranh giới và cổng vòm ở phía Nam của Giới đàn, khôi phục lại diện mạo lịch sử ban đầu của chùa Long Hưng. Chùa Lâm Tế cũng được trùng tu sau đó.

Không lâu trước khi ông Tập Cận Bình trùng tu chùa Long Hưng, ông Tập Trọng Huân – phụ thân ông Tập Cận Bình, cũng vừa ra lệnh khôi phục chân thân của Lục Tổ Thiền tông Huệ Năng.

Hình ảnh: Tượng đúc đồng Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt ở Chùa Long Hưng (Nguồn: Apollo)

Ông Tập Trọng Huân dốc sức khôi phục lại chùa Nam Hoa

Theo ghi chép lịch sử, sau khi Lục Tổ Thiền tông Huệ Năng viên tịch, cơ thể của ông không bị thối rữa. Cho đến ngày nay, kim thân bất hoại của Lục Tổ vẫn được tôn trí trong chùa Nam Hoa, và được tín đồ phật tử, du khách thập phương và trên thế giới lễ bái.

Tuy nhiên, trong Cách mạng Văn hóa, kim thân bất hoại của ông đã bị khinh nhờn và bị phá hủy. Theo trụ trì chùa Nam Hoa, hòa thượng Phật Nguyên nhớ lại: “Một ngày nọ, chân thân Lục Tổ bị Hồng vệ binh dùng xe đẩy tay đem đến Thiều Quan diễu hành. Họ nói rằng, đây là một kẻ xấu xa, giả tạo, lừa dối, và muốn đốt nó đi. Thế là có người dùng gậy sắt đập vào lưng, vỡ một lỗ bằng miệng bát. Họ lấy nội tạng ra rồi ném vào điện Đại Phật, xương sườn và xương sống văng khắp nơi. Họ nói rằng, đó là xương lợn và xương chó, là giả, và úp một cái bát sắt lên đầu Lục Tổ, trên bát có viết chữ ‘kẻ xấu’ rồi đặt trong điện Đại Phật”

“Chúng tôi không được phép đến xem, nhưng tôi vẫn lén lút chạy đến xem, trong lòng buồn rầu khóc lóc tiếc thương. Tôi bí mật nhặt nhạnh gói ghém linh cốt của Lục Tổ nhưng không có chỗ giấu. Một là, sợ người ta biết; hai là, sợ rằng không biết khi nào mình bị đánh chết. Linh cốt của Lục Tổ không thể vứt bỏ thế này được! Thế là tôi dùng một hộp sành đựng, rồi đem chôn dưới gốc cây cổ thụ trên núi phía sau giếng Cửu Long. Tôi đánh dấu và gửi một lá thư cho Pháp sư Thánh Nhất ở Hồng Kông, muốn ông ấy đến và dùng máy ảnh để chụp ảnh nơi này, để chờ đến thời bình thì lấy ra”

Năm 1979, hòa thượng Phật Nguyên được minh oan, và ngay lập tức được chuyển đến Học viện Phật giáo Trung Quốc Bắc Kinh để giảng dạy về luật. Ở đây, ông đã gặp hai vị Pháp sư là Minh Chân và Cự Tán, và kể cho họ nghe về sự việc của chân thân Lục Tổ. Sau đó, tin này được truyền đến tai ông Tập Trọng Huân – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông, cầu xin ông cứu giúp.

Tập Trọng Huân nhận được thư và ngay lập tức cử người đến chùa Nam Hoa để thu xếp, tuy nhiên, tình hình lúc đó là chính sách tôn giáo của ĐCSTQ vẫn chưa được thực hiện đầy đủ, và chùa Nam Hoa không đồng ý khôi phục thờ cúng Lục Tổ.

Người này đã chuyển lời của Tập Trọng Huân đến chùa Nam Hoa rằng: “Đồng ý sẽ khôi phục, không đồng ý cũng sẽ khôi phục”

Chùa Phổ Ninh và bảo tàng Thừa Đức.

Dưới yêu cầu mạnh mẽ của Tập Trọng Huân, chùa Nam Hoa chỉ có thể tuân theo mệnh lệnh.

Cuối cùng, kim thân bất hoại của Lục Tổ Huệ Năng đã được phục hồi.

Xét về thời gian, năm 1979, Tập Trọng Huân ra lệnh khôi phục kim thân bất hoại của Lục Tổ Huệ Năng, đến năm 1984, Tập Cận Bình cho tu sửa lại chùa Long Hưng chùa và các ngôi chùa cổ khác ở Chính Định, chỉ chênh lệch nhau 5 năm.

Ông Tập Cận Bình có thái độ thế nào đối với tín ngưỡng và văn hóa truyền thống 

Có thể thấy, từ phụ thân là Tập Trọng Huân cho đến bản thân ông Tập Cận Bình, đều là những người tín Phật, trân quý và bảo vệ văn hóa tín ngưỡng truyền thống kính Trời tín Phật, hòa hợp với thiên nhiên. 

Mới đây vào tháng 4 năm 2020, ông Tập Cận Bình có đi thăm Tần Lĩnh, nơi được coi là long mạch của các bậc đế vương Trung Hoa các triều đại. Tại đây, ông Tập đã chỉ thị phá dỡ các công trình xây dựng trái phép của các quan chức địa phương, và bảo vệ sinh thái Tần Lĩnh. Về vấn đề này, Thạch Tàng Sơn, một chuyên gia về Trung Quốc ở Washington nhìn nhận rằng:

“Tập Cận Bình trên bề mặt thì nói về việc phải kiên định đi theo con đường chủ nghĩa cộng sản, nhưng trên thực tế ông ta có niềm tin vào phong thủy, khí công, tu hành, những việc như vậy… Vì lẽ đó, ông ta không ngại “đem trảm” một loạt quan chức ở Thiểm Tây, Tây An, cũng không ngại việc đắc tội với Triệu Lạc Tế – Ủy viên Thường vụ Chính trị hiện thời, nguyên Bí thư tỉnh ủy Thiểm Tây – nhất định phải phá hủy tất cả các biệt phủ này. Điểm mấu chốt chính là liên quan đến phong thủy của dãy Tần Lĩnh”.

Chùa Phổ Ninh và bảo tàng Thừa Đức.

Có lẽ ông Tập là một trong những lãnh đạo ĐCSTQ hiếm hoi còn giữ lại được tín ngưỡng đối với Thần Phật và văn hóa truyền thống. Tuy nhiên, ĐCSTQ trong 100 năm tồn tại đã dốc sức phá hủy văn hóa truyền thống, ra sức tuyên truyền Thuyết Vô Thần, dùng mọi biện pháp từ nhẹ nhàng đến ép buộc để tẩy não người dân, xóa bỏ tín ngưỡng, tiêu diệt chính tín, như đàn áp Phật giáo Tây Tạng, bức hại Pháp Luân Công, đàn áp người Hồi giáo Tân Cương… 

ĐCSTQ muốn người dân nghe theo tuyên truyền của họ để hành ác, làm công cụ để tấn công những cá nhân và nhóm người mà họ muốn tiêu diệt. Trong suốt lịch sử tồn tại 100 năm, ĐCSTQ liên tục phát động các cuộc vận động, đều là thủ đoạn kích động người dân đấu tố, phê phán, trấn áp, thậm chí giết chết một nhóm người mà họ chụp cho cái mũ như “phong kiến”, “tư sản”, “phản đồng”, “thế lực thù địch”…

Thế nên, ông Tập dẫu trong tâm là đi lễ Phật kính Thần, thì do ảnh hưởng của hệ thống tuyên truyền giáo dục nhồi sọ người dân, nên ông vẫn không dám thể hiện rõ ra, mà đều lấy cớ “công tác”, “khảo sát”, “nghiên cứu”…

Nếu ông Tập có đủ dũng khí công khai tín ngưỡng của mình, khôi phục lại tín ngưỡng truyền thống, văn hóa truyền thống cho người dân Trung Quốc, xóa bỏ thứ văn hóa Giả – Ác – Đấu của ĐCSTQ, thì ông chính là cứu tinh của người Trung Quốc, và đem lại hòa bình cho thế giới. Còn nếu ông không dám làm điều đó, mà lại mượn cái văn hóa của loài sói đó để bảo vệ địa vị “chí tôn” của mình, thì ông cũng sẽ bị lịch sử đào thải, sẽ trở thành tội đồ của người dân Trung Quốc và người dân trên toàn thế giới. (T/H, NTD)