Tại sao nhiều quốc gia ngừng tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca?
Mặc dù chưa có bằng chứng cho thấy vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca gây tác dụng phụ nghiêm trọng, nhiều quốc gia trên thế giới vẫn tạm ngừng sử dụng vắc-xin này.
Theo AP, hàng loạt quốc gia bao gồm Đức, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan, Indonesia…, đã tạm ngừng sử dụng vắc-xin Covid-19 của hãng AstraZeneca như biện pháp đề phòng sau khi có báo cáo ghi nhận một số người tiêm ở Đan Mạch và Na Uy phát triển cục máu đông.
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dữ liệu hiện có không cho thấy vắc-xin này gây ra cục máu đông. Các quan chức y tế khuyến khích mọi người nên tiếp tục chủng ngừa.
EMA cho biết: “Sự an toàn của công chúng sẽ luôn được đặt lên hàng đầu. Mọi người vẫn nên đi tiêm vắc-xin Covid-19 khi được yêu cầu”.
Chuyện gì đã xảy ra?
Ngày 11/3, Đan Mạch là quốc gia đầu tiên ngừng sử dụng vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca sau khi có báo cáo về tình trạng cục máu đông ở một số người. Trong đó, một trường hợp nặng với nhiều cục máu đông đã tử vong 10 ngày sau khi tiêm ít nhất một liều vắc-xin.
Các cơ quan y tế Đan Mạch cho biết việc đình chỉ sẽ kéo dài ít nhất hai tuần để điều tra sự việc ngay cả khi họ lưu ý “không thể kết luận liệu có mối liên hệ giữa vắc-xin và các cục máu đông hay không”.
Tiếp sau đó, Na Uy, Iceland, Bulgaria, Thái Lan và Cộng hòa Dân chủ Congo cũng thông báo tạm ngừng tiêm vắc-xin AstraZeneca do lo ngại về an toàn. Ngày 13/3, các nhà chức trách Na Uy báo cáo 4 người dưới 50 tuổi đã tiêm vắc-xin AstraZeneca có số lượng tiểu cầu trong máu thấp bất thường. Điều đó có thể dẫn đến chảy máu nghiêm trọng. Ireland và Hà Lan sau đó cũng thông báo họ ngừng tiêm vắc-xin này.
Hugo de Jonge, Bộ trưởng Y tế Hà Lan, cho biết: “Chúng ta phải luôn thận trọng, đó là lý do việc tạm ngừng ngay bây giờ để đề phòng là điều hợp lý”.
Ngày 15/3, Chính phủ Đức và Pháp và Italy đình chỉ việc sử dụng vắc-xin Covid-19 của hãng AstraZeneca do lo ngại nguy cơ gây đông máu của loại vắc-xin này.
Bộ Y tế Đức cho biết quyết định đình chỉ nói trên được coi là “biện pháp phòng ngừa” và dựa trên khuyến cáo của Viện Paul Ehrlich, cơ quan quản lý vắc-xin quốc gia Đức. Viện này đang kêu gọi điều tra thêm về các trường hợp xuất hiện tác dụng phụ khi được tiêm vắc-xin Covid-19 của hãng AstraZeneca.
Cùng ngày, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo nước này cũng sẽ tạm ngừng sử dụng vắc-xin ít nhất là chiều 16/3. Sau đó là thông báo của Italy và Tây Ban Nha rằng họ cũng sẽ ngừng tiêm vắc-xin.
Chưa có dấu hiệu liên quan giữa vắc-xin và cục máu đông
Trước việc nhiều quốc gia ngừng sử dụng vắc-xin, hãng AstraZeneca cho biết đã xem xét cẩn thận dữ liệu về 17 triệu người tiêm ở châu Âu và phát hiện có 37 trường hợp phát triển cục máu đông. Tuy nhiên, theo AstraZeneca, không có bằng chứng về việc tăng nguy cơ đông máu ở bất kỳ nhóm tuổi hoặc giới tính nào ở các quốc gia.
“Con số này thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mắc bệnh tự nhiên ở cùng quy mô dân số và tương tự đối với các loại vắc-xin Covid-19 được cấp phép khác”, công ty cho biết.
Mới đây, EMA cũng khẳng định không có bằng chứng nào cho thấy việc tiêm chủng đã gây ra những tình trạng này. Cơ quan quản lý của EU vẫn tiếp tục điều tra và đang tiến hành phân tích nghiêm ngặt tất cả dữ liệu. Theo EMA, trong khi quá trình xem xét diễn ra, họ phát hiện lợi ích của vắc-xin AstraZeneca vượt trội hơn các tác dụng phụ tiềm ẩn.
Tại Anh, nơi 11 triệu liều vắc-xin AstraZeneca đã được sử dụng, nhiều hơn bất kỳ quốc gia khác, khoảng 11 người xuất hiện cục máu đông sau khi tiêm. Nhưng cũng chưa có bằng chứng những tình trạng này do vắc-xin gây ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng khi chiến dịch tiêm chủng bắt đầu bằng cách tiêm cho những người dễ bị tổn thương nhất, họ có khả năng gặp vấn đề về sức khỏe. Điều đó có thể gây khó khăn cho việc xác định liệu vắc-xin có phải là nguyên nhân hay không.
Tiến sĩ Soumya Swaminathan, nhà khoa học của WHO, cho biết các quan chức tại cơ quan y tế Liên Hợp Quốc “không muốn mọi người hoảng sợ” khi có nhiều báo cáo về tình trạng tác dụng phụ nghiêm trọng xảy ra. Bà Swaminathan cũng lưu ý rằng trong số 300 triệu liều vắc-xin Covid-19 đã được tiêm cho mọi người trên toàn cầu, không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận có liên quan đến vắc-xin.
Tại sao các quốc gia lại dừng tiêm?
Bất cứ khi nào một loại vắc-xin được đưa ra phổ biến, các nhà khoa học đều chờ đợi liệu có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hay tử vong xảy ra hay không. Điều này có thể dễ hiểu vì hàng triệu người tiêm vắc-xin đó và các vấn đề sẽ xảy ra ngẫu nhiên trong một nhóm quá lớn. Thông thường, phần lớn trong số những người này không liên quan đến vắc-xin.
Trong khi đó, vắc-xin Covid-19 vẫn trong quá trình thử nghiệm và không có dữ liệu lâu dài, các nhà khoa học phải điều tra mọi khả năng rằng mũi tiêm này có thể mang những tác dụng phụ không lường trước được.
Vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca được cấp phép sử dụng cho người lớn tại hơn 50 quốc gia và đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong nghiên cứu thực hiện ở Anh, Brazil và Nam Phi. Nhưng những lo ngại về cách thức công bố dữ liệu vắc-xin đã xuất hiện. Một số nhà lãnh đạo châu Âu, bao gồm Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, đã đặt câu hỏi về hiệu quả của vắc-xin đối với người lớn tuổi với lý do thiếu thông tin.
Dữ liệu về việc liệu vắc-xin có bảo vệ người lớn tuổi hay không cũng không đầy đủ, dẫn đến một số nước châu Âu ban đầu từ chối tiêm cho người lớn tuổi.
Một số ít các tác dụng phụ được báo cáo ở châu Âu đã làm đảo lộn các chương trình tiêm chủng vốn đang chịu áp lực về việc triển khai chậm và sự hoài nghi về vắc-xin ở một số quốc gia.
Hà Lan cho biết họ ghi nhận 10 trường hợp gặp tác dụng phụ sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca. Nó diễn ra vài giờ sau khi chính phủ nước này đình chỉ chương trình tiêm chủng, sau các báo cáo về tác dụng phụ ở một số quốc gia khác.
Trong khi đó, Đan Mạch cũng nhận được báo cáo về triệu chứng “rất bất thường” ở bệnh nhân 60 tuổi tử vong vì cục máu đông sau khi tiêm vắc-xin. Na Uy cũng ghi nhận 3 người dưới 50 tuổi nhập viện vì tình trạng đông máu có triệu chứng không bình thường.
Tại Mỹ, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã dừng nghiên cứu ở 30.000 người Mỹ trong 6 tuần bất thường, vì các nhà quản lý không nhận được thông tin về một số tác dụng phụ có thể xảy ra được báo cáo ở Anh.
Tiến sĩ Paul Hunter, giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, cho biết: “Tất cả dữ liệu chúng tôi có về vắc-xin của AstraZeneca cho thấy nó rất an toàn và có khả năng ngăn ngừa người tử vong vì Covid-19. Nhưng đây có thể là vấn đề về nhận thức vì mỗi khi có vấn đề về vắc-xin, chúng tôi lại nghe thấy cái tên ‘AstraZeneca’ ngay sau đó”, Tiến sĩ Paul Hunter cho biết. (Z/N)