Sunday, December 22, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Tác động của COVID-19 đến sức khỏe tâm thần chỉ mang tính tạm thời

Cách ly xã hội làm tăng các yếu tố rủi ro với sức khỏe tâm thần, song quy định bắt buộc ở nhà cũng khiến người dân có nhiều thời gian hơn ở trong nhà, qua đó sẽ thúc đẩy các lối sống mới.

Cabin fever': Australia must prepare for the social and psychological  impacts of a coronavirus lockdown

Theo nghiên cứu được các nhà khoa học thuộc Đại học Illinois (Mỹ) công bố ngày 25/1, những tác động tiêu cực tới sức khỏe tâm thần do lệnh phong tỏa trong đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, chỉ mang tính tạm thời và giảm dần theo thời gian khi người dân thích nghi với trạng thái “bình thường mới.”

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Economics and Human Biology và website của Đại học Illinois.

Để đưa ra kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã đánh giá xu hướng sức khỏe tâm thần trong thời gian từ tháng 1-6/2020 bằng cách phân tích dữ liệu tìm kiếm hằng ngày trên công cụ Google Trends tại nước này.

Các nhà nghiên cứu đầu tiên sử dụng một loạt từ khóa liên quan đến các chính sách phòng dịch và tiếp đó tiến hành công tác thu thập dữ liệu trên các tìm kiếm về sức khỏe tâm thần. Bộ dữ liệu tìm kiếm này cũng bao gồm các từ khóa liên quan tới các hoạt động trong nhà.

Kết quả cho thấy các tác động tiêu cực của quy định buộc người dân ở nhà nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, không nghiêm trọng như dự đoán ban đầu.

Giáo sư về tâm lý và quản trị doanh nghiệp Dolores Albarracin thuộc nhóm nghiên cứu cho biết: “Trong thời gian đầu của đại dịch, các quy định giãn cách xã hội có tương quan với sự gia tăng tìm kiếm về cách thức đối phó với tình trạng cách ly và những nỗi lo lắng. Điều này không có gì ngạc nhiên.

Nói chung, nếu phải đối mặt với một đại dịch hay cú sốc về kinh tế, thì con người sẽ sinh ra trầm cảm, bất an và những cảm xúc tiêu cực ở các mức độ khác nhau, và chúng ta có tất cả cảm xúc này trong dịch COVID-19.” Tuy nhiên, các nghiên cứu cho rằng các tác động này chỉ mang tính tạm thời và giảm dần sau khi đạt đỉnh điểm.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu sau tiến sỹ về tâm lý Bita Fayaz Farkhad cho biết các phát hiện này chứng tỏ rằng ngay cả khi các biện pháp phòng chống dịch làm gia tăng cảm xúc tiêu cực về cách ly và lo lắng, thì tác động mà đại dịch gây ra phần lớn mang tính tạm thời.

Theo ông, lời giải thích hợp lý cho phát hiện này là mặc dù cách ly xã hội làm tăng các yếu tố rủi ro đối với sức khỏe tâm thần, song quy định bắt buộc ở nhà cũng khiến người dân có nhiều thời gian hơn ở trong nhà, qua đó sẽ thúc đẩy các lối sống mới và các thành viên gia đình giúp đỡ nhau nhiều hơn.

Cụ thể, các tìm kiếm liên quan đến một số hoạt động như “tập thể dục,” “Netflix” và “nấu ăn” đều có liên quan mang tính tích cực với các quy định bắt buộc ở nhà. Điều này cho thấy mọi người phấn khởi khi có thêm nhiều thời gian ở nhà.

Trong khi đó, hoạt động tìm kiếm đối với các từ khóa như “thuốc chống suy nhược” và “tự tử” lại giảm, cho thấy không có bằng chứng về sự gia tăng các triệu chứng nghiêm trọng.

Theo nhà nghiên cứu Farkhard, có khả năng những người có thể làm việc tại nhà cũng thích được làm việc ở nhà, thích được tự mình lên kế hoạch và được tập thể dục nhiều hơn, tất cả đều mang lại tác động tích cực đến sức khỏe thể chất và tâm thần. Mặc dù họ không thể đến nhà hàng hay quán bar, nhưng họ có thể kiểm soát nhiều hơn một chút về các mặt khác trong đời sống hằng ngày, từ đó khiến họ cảm thấy hạnh phúc.

Chuyên gia Farkhard khẳng định điều này cho thấy mọi người đã thích nghi với trạng thái bình thường mới và do vậy những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tâm thần giảm dần./. (VN+)