Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

“So-găng” hiệu quả của 7 loại vắc-xin Covid-19 trên thế giới

Trong khi các loại vắc-xin của Anh, Mỹ, Nga cho hiệu quả phòng ngừa Covid-19 khoảng 70-95%, vắc-xin của Trung Quốc đạt khoảng 50%…

Vắc-xin được xem là thần dược để chấm dứt đại dịch Covid-19. (Hình Getty)

Tuần trước, thế giới đón loạt tin vui về vắc-xin Covid-19 khi hai công ty Mỹ Johnson & Johnson và Novavax liên tiếp công bố dữ liệu về hiệu quả của các cuộc thử nghiệm vắc-xin giai đoạn cuối của mình. 

Vắc-xin JNJ-78436735 của công ty Johnson & Johnson đang được phát triển bởi công ty con Janssen Pharmaceuticals tại Bỉ. Liều tiêm đầu tiên của vắc-xin này cho thấy hiệu quả ngừa 66% trong các cuộc thử nghiệm trên toàn cầu. Trong khi đó, thử nghiệm tại Mỹ cho hiệu quả lên tới 72%. Hiện tại, Mỹ đã đặt 100 triệu liều vắc-xin JNJ-78436735, còn Johnson & Johnson cho biết công ty này có kế hoạch sản xuất tới 1 tỷ liều trong năm nay.

Trong khi đó, vắc-xin NVX-CoV2373 của công ty Novavax cũng cho thấy hiệu quả phòng ngừa Covid-19 lên tới 89% trong các cuộc thử nghiệm tại Anh và cũng có hiệu quả cao với biến thể Covid-19 phát hiện tại nước này. 

Cả hai vắc-xin này đều cần được nhà chức trách các nước xem xét và phê duyệt trước khi được đưa vào tiêm chủng.

So sánh hiệu quả của các loại vaccine trên thế giới - Ảnh 1.

Cũng trong tuần trước, vắc-xin do Đại học Oxford và hãng dược phẩm khổng lồ Anh AstraZeneca đồng phát triển đã được Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt trong bối cảnh nảy sinh nhiều tranh cãi về việc thiếu vắc-xin cũng như các nghĩa vụ hợp đồng chưa được thực hiện.

Khi AstraZeneca công bố dữ liệu sơ bộ của các cuộc thử nghiệm vắc-xin vào cuối tháng 11, ChAdOx1 nCoV-2019 cho thấy hiệu quả phòng ngừa khoảng 70,4% dù có thể đạt hiệu quả tới 90% nếu ban đầu tiêm nửa liều và sau đó tiêm một liều đầy đủ. 

Kết quả khả quan này được đưa ra sau khi các công ty Pfizer-BioNTech và Moderna của Mỹ công bố vắc-xin của họ mang lại hiệu quả ngừa Covid-1 tới 95% và 94%. Cả hai vắc-xin này đều được phát triển dựa trên công nghệ vật liệu di truyền (mRNA), được tiêm vào kích thích cơ thể tạo ra các protein gai, từ đó ngăn chặn virus xâm nhập tế bào cơ thể. 

Trong khi đó, vắc-xin của Đại học Oxford/AstraZeneca được phát triển dựa trên nền tảng virus Adeno bị làm suy yếu. Đây là một loại virus gây cảm cúm thông thường. 

So về giá cả, vắc-xin của Đại học Oxford/AstraZeneca có giá rẻ hơn nhiều so với các loại vắc-xin Covid-19 khác và cũng dễ bảo quản và phân phối hơn nhiều. Điều này đồng nghĩa đây là lựa chọn khả quan hơn cho các khu vực kinh tế kém phát triển trên thế giới. Không chỉ vắc-xin của Đại học Oxford/AstraZeneca, vắc-xin của Johnson & Johnson cũng dễ bảo quản khi có thể lưu trữ nhiều tháng trong điều tiện tủ lạnh thông thường. 

Với 2 loại vắc-xin của Mỹ, loại của Moderna có thể lưu trữ ở nhiệt độ 2-8 độ C trong 30 ngày, còn của Pfizer/BioNTech phải được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C, đặt ra hàng loạt thách thức trong khâu hậu cần. 

Một loại vắc-xin gây chú ý khác là Gam-COVID-Vac jab, còn được gọi là Sputnik V, của Nga, do Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học phát triển. Bộ Y tế Nga cho biết Sputnik V có hiệu quả ngừa Covid-19 là 92%. Mặc dù kêu gọi thận trọng, các chuyên gia vẫn đồng tình rằng đây là kết quả đáng khích lệ. 

Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, cũng không đứng ngoài cuộc đua vắc-xin. Tuy nhiên, vắc-xin Coronavac do công ty Sinovac Biotech của nước này phát triển chỉ cho hiệu quả phòng ngừa khoảng 50% trong các cuộc thử nghiệm ở Brazil.

Thông thường, một loại vắc-xin như vắc-xin Covid-19 phải mất một thập kỷ để phát triển, tuy nhiên, quy trình này đã được rút ngắn xuống chỉ còn 10 tháng do tính cấp bách và tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. (VNEco)