Wednesday, January 22, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sau đại dịch COVID-19, nhìn lại quan hệ Mỹ-Trung

Khi những tia nắng ấm mùa Xuân trở lại xua tan cái băng giá mùa Đông Bắc Mỹ thì Hoa Kỳ cũng bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm sau một năm dài vật vã với đại dịch COVID-19, cuộc sống bị gò bó, thương mại suy sụp, xã hội bị chia rẽ về chính trị và sắc tộc. Công cuộc chữa trị nước Mỹ đã bắt đầu có những tín hiệu khả quan dù nhiều thách thức vẫn còn ở phía trước.

Kinh tế Mỹ tăng nhanh gấp đôi

Tổ chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế (Organization for Economic Cooperation and Development, OECD) – một tổ chức liên chính phủ đặt trụ sở tại Paris, Pháp, có 37 thành viên là các nền kinh tế phát triển nhất thế giới – hôm Thứ Ba, 2 Tháng Ba, phát hành bản báo cáo giữa năm, trong đó dự báo kinh tế Hoa Kỳ sẽ tăng nhanh gấp đôi trong năm nay, đạt mức 6.5%, nhanh hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác, trừ Trung Quốc.

Một số kinh tế gia khác cũng có đánh giá tương tự. Khảo sát ý kiến chuyên gia do hãng tin tài chính Bloomberg thực hiện đưa ra con số tăng trưởng kinh tế Hoa Kỳ trong năm nay là 5.5%, mức cao nhất kể từ thập niên 1990. Ngân hàng Đầu Tư Goldman Sachs – một trong vài nguồn thẩm định uy tín về kinh tế thế giới, đưa ra mức tăng trưởng của Hoa Kỳ là 7.7%, cao nhất kể từ năm 1984…

Các chuyên gia kinh tế tại ngân hàng JP Morgan cũng dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng vượt mức trước khủng hoảng vào giữa năm 2021 và lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Hoa Kỳ sẽ vượt qua Trung Quốc trong việc tạo động lực thúc đẩy kinh tế thế giới.

Căn cứ để đưa ra các dự báo lạc quan như vậy là tốc độ nhanh chóng trong việc khống chế đại dịch COVID-19 ở nước Mỹ và các biện pháp kích thích kinh tế “mạnh bạo” mà chính phủ Joe Biden đang thực hiện. Hai yếu tố này kết hợp lại đã giúp cho chính quyền yên tâm nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội, mở cửa trường học và nhà thờ, phục hồi các hoạt động kinh tế thương mai và đưa cuộc sống từng bước trở lại bình thường.

Chính phủ Biden đặt công cuộc chống dịch COVID-19 là ưu tiên hàng đầu, và cam kết tiêm chủng cho 100 triệu người Mỹ trong 100 ngày đầu tiên cầm quyền. Sau vài trục trặc ban đầu, chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn chưa từng có ấy đang được thực hiện với tốc độ nhanh hơn dự tính, có những ngày số người được tiêm chủng lên tới hai triệu người và đến ngày 9 Tháng Ba đã có hơn 61 triệu người Mỹ được tiêm ít nhất một liều vaccine Moderna hoặc Pfizer.

Theo thống kê của báo Washington Post, chiến dịch tiêm chủng của Mỹ đã chủng ngừa cho hơn 50.1% số người trong các diện ưu tiên và bằng 18.4% tổng dân số. Nếu tính theo số liều vaccine đã được tiêm vào cơ thể người dân so với tổng dân số thì tỷ lệ của Hoa Kỳ là 27.82%, chỉ sau Israel (102.3%), Các tiểu vương quốc Arab UAE (63.57%) – hai nước có dân số chưa bằng một thành phố lớn của Hoa Kỳ – cao gấp nhiều lần so với tỷ lệ bình quân toàn thế giới (3.93%), thậm chí cao gấp ba lần so với Liên Minh Châu Âu (9.34%) – số liệu của tổ chức OurWorldinData ngày 9 Tháng Ba.

Những con số thống kê vô hồn này cho thấy nỗ lực lớn lao của ngành y tế Hoa Kỳ và quyết tâm của chính phủ Joe Biden. Khả năng tiêm chủng cho toàn bộ người dân Hoa Kỳ vào mùa Hè này là hoàn toàn có thể thực hiện được, nhất là khi thị trường đã có thêm một số loại vaccine mới, tiện lợi hơn như loại vaccine của hãng Johnson & Johnson vừa được phê chuẩn và sản xuất hàng loạt kết hợp với đại công ty dược phẩm Merck.

Đại dịch COVID-19, cơn ác mộng của nhân loại năm 2020 sẽ sớm bị bỏ lại sau lưng chúng ta chỉ trong vài tháng nữa. Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh Mỹ (CDC) đã bắt đầu khuyến cáo những người Mỹ đã được tiêm vaccine đầy đủ đã có thể tụ tập với nhau một cách an toàn, các cụ ông cụ bà đã có thể ôm nựng cháu nội cháu ngoại mà không phải lo ngại truyền virus cho chúng.

Trên lĩnh vực kinh tế, kế hoạch Cứu Nguy Nước Mỹ (American Rescue Plan, ARP) có chi phí tới $1,900 tỷ đã được Thượng Viện thông qua, và sẽ trở thành luật trong vài ngày tới. Biện pháp hỗ trợ này sẽ giúp người Mỹ, nhất là các công ty nhỏ vượt qua thời điểm khó khăn, sẵn sàng đi làm việc lại và chi tiêu trở lại như thời trước đại dịch. Ông Paul Krugman, giáo sư kinh tế học đoạt giải Nobel Kinh Tế và là bình luận viên hàng đầu của báo The New York Times, nhận định: “Tôi rất lạc quan về triển vọng kinh tế trong một hai năm tới. Tuy nhiên sau đó chúng ta cần những sáng kiến chính sách lớn khác để tiếp tục kéo dài thời kỳ tốt đẹp.”

Đến ngày 9 Tháng Ba đã có hơn 61 triệu người Mỹ được tiêm ít nhất một liều vaccine Moderna hoặc Pfizer. Hình minh họa. Credit: Steven Cornfield/Unsplash.

Sáng kiến chính sách mới để khôi phục nước Mỹ

Những sáng kiến chính sách lớn mà Giáo Sư Krugman nói tới dường như đã được chính phủ Biden và đội ngũ cố vấn kinh tế của ông ấp ủ, chờ thời điểm thích hợp để đưa ra thành những chính sách quốc gia nhằm đẩy mạnh sự phục hồi của nước Mỹ sau nhiều năm loạng choạng tìm cách duy trì lợi thế trước xu hướng trọng tâm phát triển chuyển dần sang Châu Á và sự trỗi dậy mạnh mẽ nhưng đầy nguy cơ của Trung Quốc.

Qua những bài phát biểu của ông Biden và các quan chức cao cấp tại các hội nghị, trên báo chí, có thể thấy những sáng kiến chính sách mới của chính phủ Mỹ về đối nội sẽ là gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng lại hệ thống cầu cống, đường sá, sân bay, bến cảng, mạng lưới điện và viễn thông, chuyển dần từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo… Những chính sách này không chỉ giúp tạo ra công ăn việc làm với quy mô lớn mà còn cải thiện đáng kể môi trường đầu tư và kinh doanh của Mỹ.

Về đối ngoại, chính phủ Biden sẽ thực hiện chương trình “Mua hàng Mỹ,” buộc các chính quyền liên bang và tiểu bang ưu tiên mua sắm hàng hóa sản xuất tại Mỹ để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đồng thời liên kết với các quốc gia “có cùng chí hướng” như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Úc, Châu Âu để xây dựng lại mạng lưới cung cấp toàn cầu, tránh phụ thuộc vào các quốc gia độc tài như Trung Quốc, Nga.

Một lĩnh vực mà chính phủ Biden rất chú ý là đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao như viễn thông 5G, trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử, y sinh học… để giành lợi thế trong cuộc đua công nghệ thế kỷ 21. Nhiều thành tựu nổi bật mà nhân loại ngày nay thụ hưởng, như mạng Internet hay hệ thống định vị vệ tinh GPS chẳng hạn, đã được sinh ra trong các chương trình đầu tư và nghiên cứu của chính phủ Mỹ, được tài trợ từ đồng tiền đóng thuế của người dân Mỹ.

Trong những năm gần đây, công việc nghiên cứu, sáng tạo gần như được giao khoán cho các đại công ty, làm bật lên những tên tuổi lớn như Google, Apple, Microsoft trong công nghệ điện toán, Intel, AMD, Qualcomm, Nvidia trong công nghệ bán dẫn, Amazon trong thương mại điện tử, Tesla trong xe hơi điện hoặc SpaceX, Blue Origin trong công nghệ hàng không vũ trụ. Đa số các công ty tư nhân đều hoạt động theo hướng tối đa hóa lợi nhuận, sẵn sàng chuyển cơ sở sản xuất, cơ sở nghiên cứu và phát triển tới những nơi nào có thể thuê được chuyên viên giá rẻ, bán được nhiều sản phẩm và thu được nhiều tiền lời; thậm chí đôi khi họ chuyển giao các bí quyết công nghệ để đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, làm cho khả năng sáng tạo và đổi mới của kinh tế Mỹ bị thui chột và các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc nhanh chóng vượt lên.

Chính quyền Biden đang dự tính đảo ngược xu hướng đó, sử dụng các công cụ thuế, tài chính và đầu tư để thúc đẩy các chương trình nghiên cứu và sáng tạo mới, nhằm duy trì vị thế dẫn đầu của Mỹ về khoa học và công nghệ. Dự tính sẽ có nhiều ngàn tỷ đô la sẽ được chi cho nỗ lực này, trước mắt chính phủ đã cam kết dành ra $300 tỷ và lập một cơ quan chuyên trách về khoa học trực thuộc Tòa Bạch Ốc để phối hợp với khu vực tư nhân thực hiện các chương trình phát triển công nghệ. Nếu như chính quyền Trump trước đây tập trung vào việc phục hồi các ngành kinh tế cũ như khai thác than đá, dầu mỏ thì chính quyền Biden hiện nay lại nhắm vào các ngành công nghệ của tương lai.

Đường lối chung là như vậy, song có thực hiện được hay không, thực hiện đến đâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận về chính trị ở cấp cao, vượt qua được tình trạng chống đối nhau gay gắt giữa hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa trong việc đề ra những chính sách kinh tế-xã hội.

Trước mắt, với triển vọng dịch bệnh được kiểm soát, kinh tế tăng trưởng, đa số người dân Mỹ đã bắt đầu nghĩ tới chuyện “quẳng gánh lo mà vui sống,” lập kế hoạch gặp gỡ người thân, người gốc Việt thì đã dự trù những chuyến đi xa hoặc trở về Việt Nam thăm quê hương bản quán.

Thách thức còn lại, theo nhận định của các chuyên gia, là chương trình tiêm chủng bị gián đoạn do các lực lượng chống đối, hoặc các biến chủng mới của virus Coronas lan tràn, làm mất hiệu lực của các loại vaccine. Tâm lý sốt ruột, thèm được “bung ra” sau thời gian dài ở yên trong nhà làm cho nhiều người lơ là việc thực hiện những biện pháp phòng chống dịch cũng là trở ngại đáng kể trên con đường khống chế đại dịch, trở lại nhịp sống bình thường.

Hết dịch thì ta cứ “quẳng gánh lo đi mà vui sống.” Hình minh họa. Credit: Steven Lewis/Unsplash.

Trung Quốc bề ngoài hung hăng, bên trong lo sợ

Ở bên kia đại dương, Trung Quốc – đối thủ cạnh tranh số một của Mỹ – cũng đang tái lập cuộc sống bình thường. Trung Quốc về căn bản đã khống chế được đại dịch COVID-19 xuất phát từ trên lãnh thổ của họ cách đây hơn một năm. Báo chí Hoa Lục đưa tin trong vài ngày gần đây số người nhiễm COVID-19 ở lục địa Trung Quốc chỉ còn dưới 10 người mỗi ngày và cuộc sống ở nước này đã trở lại bình thường như thời trước đại dịch.

Tại hội nghị đang diễn ra của Quốc Hội Trung Quốc, đảng Cộng Sản cầm quyền tận dụng việc Trung Quốc nhanh chóng khống chế được đại dịch để đề cao mô hình nhà nước độc tài đảng trị của Bắc Kinh, coi sự lãnh đạo của đảng là nguyên nhân chính đưa đến sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong các lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế mà biểu hiện tập trung nhất là việc vượt qua đại dịch đang làm điêu đứng cả thế giới.

Tại hội nghị của Quốc Hội Trung Quốc, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng những quan chức hàng đầu của đảng Cộng Sản, đã ra sức quảng bá quan niệm “Phương Đông đang trỗi dậy, phương Tây đang suy tàn,” theo cái mà họ mô tả là tính ưu việt của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong việc giải quyết các cuộc khủng hoảng và thách thức trong dài hạn. “Thời gian và động lực đều đứng về phía chúng ta,” ông Tập Cận Bình tuyên bố tại Đại Hội Đảng hồi Tháng Mười, 2020.

Thế nhưng trò chuyện với các cố vấn thân cận trong những phiên họp kín, ông Tập lại cảnh báo thẳng thừng: Đừng coi thường các đối thủ, đặc biệt là Hoa Kỳ. “Nguồn gốc lớn nhất của những bất ổn trong thế giới ngày nay chính là nước Hoa Kỳ. Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh và sự phát triển của đất nước chúng ta,” ông Tập nói tại cuộc họp với lãnh đạo một tỉnh miền Tây Bắc Trung Quốc tuần trước, báo The New York Times dẫn lại. “Có nhiều phương diện ‘phương Tây vẫn mạnh và phương Đông thì yếu kém,’” ông Tập nói thêm.

Ông Tập Cận Bình không nhắc tới Tổng Thống Joe Biden nhưng rõ ràng những động tác chính sách của chính phủ mới ở Washington đang làm cho nhà lãnh đạo cực quyền của Trung Quốc phải mất ăn mất ngủ. Một khi Hoa Kỳ đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh số một và dốc sức vào cuộc cạnh tranh đó thì Trung Quốc không có cửa thắng. Chính quyền Biden cạnh tranh với Trung Quốc không phải bằng những cách đánh thuế “ăn miếng trả miếng” lên hàng hóa Trung Quốc, không bằng biện pháp hành chính cấm các công ty Trung Quốc mua hàng Mỹ thời ông Trump mà như đã nói trên, bằng chủ trương củng cố bản thân, khôi phục thế mạnh vốn có của Mỹ: năng lực canh tân công nghệ và điều đó làm cho Trung Quốc phải sợ hãi.

Thêm vào đó, giới phân tích đã chỉ ra những điểm yếu chết người trong mô hình chính trị-kinh tế Trung Quốc, làm cho đất nước này khó mà duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế “thần kỳ” của những thập niên trước. Dân số bị lão hóa, năng suất lao động suy giảm đè nặng lên sản lượng của Trung Quốc những năm tới, núi nợ khổng lồ lên tới 300% GDP, cùng với thể chế chính trị xơ cứng, tập trung quyền lực vào một cá nhân Tập Cận Bình là những trở ngại mà Trung Quốc không dễ dàng vượt qua được.

Có thể xuất phát từ tâm lý bất an đó, những ngày gần đây ông Tập thường lên giọng kêu gọi quân đội Trung Quốc “sẵn sàng chiến đấu,” “sẵn sàng ứng phó với những tình huống khó khăn và phức tạp mà đất nước đang đối mặt,” như lời ông ta nói với cuộc họp của các đại biểu quân đội trong khuôn khổ Quốc Hội Trung Quốc hôm Thứ Ba, 9 Tháng Ba.

Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh – Nơi diễn ra Đại Hội Đảng Cộng SảnTrung Quốc. Hình: Wikipedia.

Bắc Kinh kêu gọi hòa giải nhưng không nhượng bộ

Mặt khác, Trung Quốc đang tìm cách “xuống thang” trong cuộc xung đột căng thẳng với Hoa Kỳ về ngoại giao và quân sự. Từ khi nhậm chức, Tổng Thống Biden chỉ một lần điện đàm với ông Tập nhân dịp chúc mừng năm mới Tân Sửu và chưa có kế hoạch gặp gỡ ông Tập dù hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung đã có thời gian làm việc cùng nhau hàng chục năm khi ông Biden còn là phó tổng thống và quan hệ Mỹ-Trung được coi là mối quan hệ quan trọng nhất của Mỹ, theo lời Ngoại Trưởng Antony Blinken. Thái độ có phần lạnh nhạt của Washington không thể không làm Bắc Kinh suy nghĩ.

Chủ Nhật vừa qua, tại cuộc họp báo thường niên, Bộ Trưởng Ngoại Giao Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) kêu gọi Hoa Kỳ “gỡ bỏ những rào cản không hợp lý” đang cản trở quan hệ giữa hai nước càng sớm càng tốt và làm việc cùng nhau về những vấn đề như biến đổi khí hậu. “Chúng tôi hy vọng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ gặp nhau giữa đường [ý nói mỗi bên nhân nhượng một phần] và dỡ bỏ những hạn chế bất hợp lý đang đặt lên sự hợp tác Trung-Mỹ hiện nay càng sớm càng tốt và không tạo ra thêm những trở ngại giả tạo mới,” ông Vương nói.

Kêu gọi Mỹ nhân nhượng, nhưng ông Vương đồng thời khẳng định các vấn đề diệt chủng ở Tân Cương, phong trào dân chủ ở Hồng Kông, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, vị thế của Đài Loan – tức là những mối quan tâm của Hoa Kỳ – là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc mà Bắc Kinh không bao giờ nhân nhượng.

Báo chí Hoa Lục mấy hôm nay lại hồ hởi đưa tin giới chức ngoại giao cao cấp nhất của Trung Quốc – gồm Trưởng Ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) và Ngoại Trưởng Vương Nghị – sẽ có cuộc gặp gỡ mặt đối mặt với những người đồng cấp phía Hoa Kỳ tại thành phố Anchorage, tiểu bang Alaska. Báo chí không cho biết cuộc gặp sẽ diễn ra lúc nào, phía Mỹ có những quan chức nào, mà chỉ nhấn mạnh rằng Anchorage là địa điểm “trung vị” về địa lý giữa hai nước, hai bên tới đó dự họp trong tư thế “bình đẳng” không bên nào yếu hơn (!).

Chưa thấy Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ có thông tin về cuộc gặp cấp cao Trung-Mỹ nào, ở Anchorage hay ở bất kỳ đâu. Chỉ có thông tin được xác nhận là Tổng Thống Joe Biden sẽ dự hội nghị trực tuyến với ba nhà lãnh đạo của khối Đối Thoại An Ninh Tứ Cường (Quadrilateral Security Dialogue, Quad) – gồm Thủ Tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ Tướng Úc Scott Morrison và Thủ Tướng Ấn Độ Narendra Modi – vào Thứ Sáu tới, 12- Tháng Ba, mà nội dung chính là bàn biện pháp hợp tác đẩy lùi ảnh hưởng kinh tế và quân sự của Trung Quốc tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ngoài ra, còn có tin các Ngoại Trưởng Antony Blinken và Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin sẽ công du Nhật Bản từ ngày 15 đến 17 Tháng Ba; và tham dự hội nghị bộ trưởng “hai cộng hai” với Bộ Trưởng Ngoại Giao Toshimitsu Motegi và Bộ Trưởng Quốc Phòng Nobuo Kishi của Nhật Bản. Hai bộ trưởng Hoa Kỳ cũng có thể sẽ thăm Nam Hàn và Úc trong khuôn khổ chuyến đi này.

Cuộc gặp gỡ với ông Dương Khiết Trì và Vương Nghị, nếu có, phải diễn ra sau chuyến công du Châu Á đầu tiên của Ngoại Trưởng Blinken dưới thời chính quyền Biden, nghĩa là sau khi Hoa Kỳ đã sắp xếp xong về căn bản nền tảng quan hệ với các đồng minh Châu Á trong mặt trận đoàn kết chống Trung Quốc.

Xem ra, ông Biden chưa vội đáp ứng lời kêu gọi hòa giải của người bạn cũ Tập Cận Bình! (SGN)