Saturday, December 21, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Sài Gòn ‘phong tỏa toàn thành phố,’ nhiều người chết ‘không có bệnh nền’

SÀI GÒN, Việt Nam – Lo sợ số ca tử vong tăng mạnh trong lúc dịch bệnh COVID-19 lây lan “rất phức tạp,” ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch thành phố Sài Gòn đã quyết định tiếp tục “giãn cách xã hội toàn thành phố 15 ngày, kể từ 0 giờ ngày 9 Tháng Bảy, theo chỉ thị 16 của thủ tướng chính phủ.”

Lần đầu Việt Nam công bố cùng lúc bốn bệnh nhân COVID-19 tử vong “không có bệnh nền.” (Hình: Tiền Phong)

Truyền thông tại Việt Nam trích lời ông Phong như vậy tại cuộc họp “công bố một số nội dung chỉ đạo quan trọng về công tác chống dịch COVID-19” vào chiều 7 Tháng Bảy.

Theo “Chỉ Thị 16” này, “gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh.” Đặc biệt, lần này thành phố ngưng luôn hoạt động các loại hình vận tải công cộng, xe gắn máy kết nối công nghệ với hành khách, xe ôm.

Như vậy, đây là lần thứ hai Sài Gòn phải thực hiện “cách ly xã hội” toàn thành phố, sau khi đã trải qua 36 ngày “giãn cách xã hội” từ 0 giờ ngày 31 Tháng Năm vừa qua.

Ông Phong nhấn mạnh “cần coi việc chống dịch như một cuộc chiến, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng người dân là trên hết.”

Công ty Nidec Sankyo ở khu Công Nghệ Cao Sài Gòn biến nhà xe thành nơi tạm trú cho hàng ngàn công nhân cách ly. (Hình: Zing)

Theo Trung Tâm Kiểm Soát Bệnh Tật ở Sài Gòn, tính đến trưa 7 Tháng Bảy, thành phố ghi nhận 8,002 ca COVID-19. Trong đó, 335 bệnh nhân nặng tại 11 bệnh viện, tám trường hợp cần can thiệp ECMO.

Trên bình diện toàn quốc, vào sáng 7 Tháng Bảy, Tiểu Ban Điều Trị Ban Chỉ Đạo Quốc Gia Phòng, Chống Dịch COVID-19 thông báo cùng lúc năm ca tử vong trong ngày, trong đó có bốn ca “không có bệnh lý nền” ở Sài Gòn.

Theo báo Tiền Phong, ngoài ca tử vong thứ 98 là nữ “bệnh nhân 10,096,” 67 tuổi, ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang “có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm, đái tháo đường một năm,” thì bốn bệnh nhân tử vong còn lại đều “không có bệnh lý nền.

Cụ thể, ca thứ 99 là nam “bệnh nhân 13,183,” 49 tuổi, ở huyện Nhà Bè, Sài Gòn, “chưa ghi nhận tiền sử bệnh lý.” Bệnh nhân nhiễm COVID-19 hôm 19 Tháng Sáu, điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với chẩn đoán “viêm phổi do nhiễm SARS-CoV-2 biến chứng suy hô hấp tiến triển.” Đến ngày 2 Tháng Bảy thì tử vong với chẩn đoán “viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, sốc nhiễm khuẩn, tổn thương thận cấp.”

Giới chức Sài Gòn trưng dụng chung cư ở phường Tân Thới Nhất, quận 12, làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19. (Hinh: H.L/Tuổi Trẻ)

Ca thứ 100 là nam “bệnh nhân 12,411,” 62 tuổi, ở quận 1, “chưa ghi nhận tiền sử bệnh lý.”

Bệnh nhân dương tính với COVID-19 hôm 19 Tháng Sáu, điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, với chẩn đoán “viêm đường hô hấp cấp do nhiễm SARS-CoV-2.” Bệnh nhân tử vong ngày 30 Tháng Sáu, với chẩn đoán “viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, đái tháo đường type 2.

Ca thứ 101 là nữ “bệnh nhân 13,709,” 63 tuổi, ở huyện Củ Chi, “chưa ghi nhận tiền sử bệnh lý.” Bệnh nhân nhiễm dịch hôm 24 Tháng Sáu, điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với chẩn đoán “viêm phổi do SARS-CoV-2, biến chứng suy hô hấp tiến triển,” và đến ngày 1 Tháng Bảy thì tử vong với chẩn đoán “viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển.”

Hàng ngàn người chen chúc test nhanh COVID-19 ở chợ đầu mối Bình Điền. (Hình: Dân Trí)

Tương tự, ca thứ 102 là nam “bệnh nhân 14,812,” 56 tuổi, ở quận 4, bị dương tính hôm 24 Tháng Sáu, điều trị tại bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với chẩn đoán “viêm phổi do SARS-CoV-2,” và năm ngày sau thì tử vong với chẩn đoán “viêm phổi do SARS-CoV-2 mức độ nguy kịch, biến chứng suy hô hấp cấp tiến triển, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, hội chứng vành cấp.

Với năm ca tử vong mới đã nâng tổng số bệnh nhân COVID-19 chết từ đầu mùa dịch tại Việt Nam lên 102 người, trong đó 77 người kể từ thời điểm 27 Tháng Tư đến nay. (N/V)