Thursday, May 1, 2025

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

30/4: Quê hương đã mất và quê hương tìm lại


Nguyễn Ngọc Phúc

Ngày 30 Tháng Tư 2025, đã 50 năm hay nửa thế kỷ trôi qua, thế nhưng bao nhiêu u uất và bao nhiêu nhớ nhung đang bắt đầu trở về trong ký ức của chúng ta.

Có những câu chuyện đã được nghe một đôi lần nhưng khi Tháng Tư đen quay trở lại hàng năm, câu chuyện đó khi được đọc lại, vẫn tưởng như một câu chuyện mới của ngày hôm qua bởi nó vẫn xót xa, vẫn uất hận và vẫn đắng cay.

Bây giờ, không phải chỉ còn là câu chuyện mất quê hương mà là những mẩu chuyện của chiến tranh, của máu đổ, của xương rơi, của chết chóc, của bom đạn, của tử thủ, của chiến hữu, của hy sinh, của tự sát, của can trường, của tan hàng, của tứ tán, của di tản, của lạc nhau, của phân ly, của mồ hôi, của nước mắt, của bị lừa, của phản bội, của hứa hẹn, của đe dọa và của trả thù.

Với tất cả bao nhiêu thứ “của” đó đã được tạo ra để được gọi tên chung là của ngày mất quê hương, ngày 30 trong Tháng Tư đen.

Nạn nhân không những có thể là anh, là em, là vợ, là chồng, là con, là cháu, là tướng, là tá hay là binh nhì, binh nhất mà có thể là cả hàng triệu người phải bỏ nước ra đi bằng thuyền bè và đường bộ,  có cả trăm ngàn người bị đánh lừa để thản nhiên tin tưởng đi vào tù cải tạo, có cả hàng trăm ngàn gia đình tan tác, phân ly, đổ vỡ, mất nhà, mất cửa, bị đuổi đi, có cả một đất nước tự do của gần 20 triệu người đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới và cả một xã hội tự do bị thay đổi hoàn toàn.

Trong chuyện xóa tên và thay đổi đó, tất cả đã được kể lại với nước mắt, mồ hôi và máu đổ, với kiệt sức và cầu nguyện, với hy vọng và vô vọng, với chia ly và sum họp, với uất hận và nhịn nhục, với hy sinh và câm nín, với hứa hẹn và lừa gạt, với đói khát và sợ hãi, với hăm dọa và trả thù.

Cuối cùng, có hàng trăm câu hỏi “với” như thế mà có ai tìm được ra câu trả lời vào lúc đó không?

Rồi đến một lúc nào đó, các câu hỏi sẽ lần lượt được kể lại và viết ra, không phải bởi các phóng viên, nhà báo, các nhà văn hay người làm truyền thông mà bởi tất cả những người đã là chứng nhân của ngày tháng đau đớn “của” này.

Chứng nhân có thể là những vị tướng tá, chỉ huy quân sự, những đơn vị trưởng của sư đoàn, tiểu đoàn, đại đội, tiểu đội, những sĩ quan của nhẩy dù, biệt động quân, thủy quân lục chiến, biệt kích dù, lôi hổ, thiết giáp, pháo binh, không quân, hải quân, cảnh sát, địa phương quân, nghĩa quân… Bên cạnh cấp chỉ huy quân sự, còn các binh sĩ cấp dưới trung sĩ, hạ sĩ hay bất cứ người dân bình thường nào cũng đều có thể là chứng nhân trực tiếp của lịch sử.

Hình tác giả cung cấp.

Chứng nhân cũng có thể là những nhà sư, linh mục, những Phật tử, giáo dân, những tuyên úy tôn giáo, có thể là những công chức của chính quyền, những nhà trí thức cao thâm và học giả có tiếng, cả đến giới văn nghệ sĩ làm báo, viết sách, làm thơ hay biên khảo ngay cả đến giới ca nhạc sĩ kịch nghệ tân nhạc và cải lương nghĩa là tất cả những người hoặc là đã cầm súng hay không cầm súng, đã chỉ huy hay ngồi văn phòng, những người không cầm súng nhưng cầm bút viết không cần biết viết cái gì, những người không cầm súng, không cầm viết nhưng cầm microphone làm nghệ thuật để phục vụ cho con người hay cho chính quyền, không cần biết phục vụ như thế nào?.

Chỉ cần có mắt, có tai, có suy nghĩ, có phân biệt phải trái và có trái tim nhân hậu thì đều có thể là chứng nhân.

Kể ra như thế không biết là đã đủ chưa hay với bao nhiêu chứng nhân đó đã có thể gọi là hoàn tất tập lịch sử của đất nước được không?

Theo như tin tức tìm thấy trên mạng về 2 chữ HO thì câu chuyện chương trình HO bắt đầu từ năm 1990, theo đài RFA năm 2014 ghi lại những diễn biến như sau:

– Ngày 30/4/1975, có cả triệu binh sĩ VNCH buông súng theo lệnh đầu hàng của tổng thống giờ thứ 25 Dương Văn Minh.

– Theo lời kêu gọi “thân thiết” của CS, có khoảng hơn 300,000 sĩ quan từ cấp thiếu úy trở lên thuộc quân lực VNCH hay địa phương quân, nghĩa quân đã tự động đi trình diện để vào tù “học tập cải tạo”

– Cộng với hàng ngàn viên chức chính quyền VNCH.

– Và hàng trăm người không cầm súng nhưng cầm bút, cầm microphone và làm nghệ thuật hay hoạt động tôn giáo.

Tất cả đã được đưa vào 80 trại tù cải tạo từ Nam ra Bắc suốt từ mũi Cà Mau cho tới biên giới Việt -Trung cộng với một lời dặn dò “dễ nghe”:

– học tập mà càng mau giác ngộ càng mau trở về nhưng chữ mau này không có thước để đo hay là bao lâu.

Theo lịch của bắc bộ phủ dán trong nhà tù:

– 1 ngày ở ngoài tù hạ giới bằng 10 năm ở trong tù cải tạo nghĩa là mang 7 ngày lương thực sẽ sống được 7 năm ở tù cải tạo, 10 ngày lương thực  sẽ sống được 10 năm tù cải tạo.

Sau đó, ít nhất từ 3, 5, 7,10 năm sau, đã có một số ít người tù cải tạo được bắt đầu thả ra.

Trước 30/4/1975, một người đàn bà tên Khúc Minh Thơ đang làm ở tòa đại sứ VN bên Phi Luật Tân.

au ngày mất nước, bà xin về VN để lo cho chồng con đang kẹt lại ở đây nhưng bị từ chối. Cho mãi 2 năm sau, ngày 29 tháng 1, 1977, bà từ bên Phi Luật Tân, đi sang định cư ở Honolulu USA. Chồng bà là sĩ quan trong quân đội VNCH đã mất sau khi được thả ra từ tù cải tạo trước chương trình HO.

Bà là người ấp ủ một hoài bão lo lắng cho các người tù cải tạo sau khi họ được thả ra và ngay cả những người tù đang còn sống trong trại tù cải tạo.

Bắt đầu với ý nghĩ đó, bà đi tìm con đường vận động để chăm sóc họ. Nương tựa vào những tin tức về luật lệ qua lại giữa VN và Hoa Kỳ đã có sau 30/4/75, bà đã làm quen với ông Shepard Lawman, một người Mỹ có vợ Việt tên Hiệp và đã là chuyên viên làm ở tòa Đại Sứ Quán Mỹ trước năm 1975.

Qua sự trao đổi suy nghĩ và với sự hiểu biết về Việt Nam của ông Shepard, ông ta gợi ý là nên lập một hội mang tên “Gia đình tù nhân chính trị Việt Nam” để tập hợp những vợ con của các tù nhân chính trị nhằm tạo một tiếng nói chung và lớn mạnh để gây tiếng vang trong việc vận động trên đất Mỹ.

Vào lúc đó, ông Shepard đang làm việc cho bộ Ngoại Giao Mỹ. Ông đã được sự giúp đỡ của ông Robert Funseth, phụ tá ngoại giao đặc trách chương trình tỵ nạn của bộ Ngoại giao.

Mối quan hệ giây mơ đó đã giúp cho tiếng nói của hội ‘GDTNCTVN” vang tới quốc hội và lọt vào tai ông TNS John McCain, TNS Edward Kennedy và nhất là TNS John Warner. chồng thứ 6 của minh tinh Elizabeth Taylor.

Hầu như những nhân vật trong quốc hội Mỹ quan tâm tới Việt Nam và quan tâm tới người tù cải tạo đều ít nhiều đều là cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh VN. Cho nên, họ rất hiểu chuyện này và đã giúp bà KMThơ mạnh dạn tiếp tục con đường vận động cứu nạn cho các tù nhân ở tù cải tạo CS.

Ngày 30/4/1989, bà được bộ Ngoại Giao và QH Mỹ ủng hộ và sắp xếp giúp bà tới gặp Trịnh Xuân Lãng, đại sứ của CSVN ở New York để yêu cầu họ thả các tù nhân chính trị và cho đi Mỹ tái định cư.

Trong 3 tháng sau đó, ngày 30/7/1989, căn cứ vào những thỏa thuận trước kia, một thỏa ước được ký kết giữa chính phủ VN và Hoa Kỳ để cho tù nhân chính trị được ra đi tái định cư ở Mỹ.

Chương trình được gọi tên là HO (Humanitarian Operation program). Theo bà KMT thì bộ ngoại giao Mỹ nói chữ HO là tên gọi của phía Việt Nam.

Hình tác giả cung cấp.

Còn phía Mỹ, bộ ngoại giao gọi đúng ra là chương trình Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program. (Chương trình tái định cư cho tù nhân cải tạo được phóng thích đặc biệt.)

Ngày 5 tháng 1, 1990, đợt HO1 đầu tiên đã đặt chân tới đất Mỹ.

Tuy nhiên, chương trình HO này chỉ kéo dài được có 5 năm tới 1996 thì bị ngưng lại vì QH Mỹ chỉ cho tiền và thời hạn là 5 năm nhưng bà KMT đã không chịu ngồi yên được vì không thể để cho những người tù cải tạo được thả ra sau 1996 bị bỏ rơi.

Theo thông lệ của sinh hoạt chính trị ở Mỹ lúc đó, những ủng hộ viên người Mỹ như ông Shepard va ông Robert đã nói với bà là nếu ban đầu mà xin ngân khoản cho một chương trình HO dài tới 10, 15 năm thì chắc chắn sẽ thất bại, không thể có được. Cho nên, họ đã khuyên bà chỉ nên xin ngắn hạn là 5 năm thì dễ thành công hơn. Khi tình hình biến chuyển tốt thì sau đó, sẽ xin thêm 5, 10 năm nữa, có nhiều hy vọng sẽ được chấp thuận.

Bà KMThơ nghe lời khuyên này và căn cứ vào sự thành công của bước đầu 5 năm, bà đã tiếp tục con đường đấu tranh xin tiền cứu trợ đợt hai.

Phải mất tới 10 năm sau nghĩa là tới năm 2005, Quốc Hội Mỹ mới chấp thuận cho một ngân khoản thứ hai để cho chương trình HO được tiếp tục.

Trong đợt 2 vận động cứu trợ này, Thượng Nghị Sĩ J McCain đã có một công rất lớn là đệ trình một dự luật cho phép con cái đã trưởng thành được đi theo gia đình qua Mỹ và đã được Thượng Viện Mỹ chấp thuận, ra một điều luật gọi là McCain Amendent, phụ đính luật cứu trợ đợt 1.

Cuối cùng, chương trình HO được tiếp tục lại từ năm 2005 tới 2008 mới chấm dứt, kéo dài cho tới danh sách HO47.

Khi chương trình HO với 47 danh sách chấm dứt, có khoảng 200,000 người gồm người tù cải tạo cùng vợ, con kể cả trưởng thành và có gia đình, đã được tái định cư trên toàn đất Mỹ.

Trên mạng, không có tin tức chính thức nào về tổng cộng số người tù cải tạo kể từ danh sách HO1 tới HO47 được cho tái định cư là bao nhiêu? Chắc chắn là có nhưng không được phổ biến vì không có lợi cho phía CS.

Chỉ biết rằng sau 30/4/75, có khoảng 300,000 sĩ quan bị đưa đi tù cải tạo. Qua 5,10,15,17 năm tù khổ sở, đói khát, đầy đọa, làm việc khổ sai, bệnh hoạn, vượt trại, bị giết chết, chết vì kiệt sức, chết vì bệnh hoạn, có lẽ chỉ còn 1/3 người sống sót nghĩa là trên dưới 100,000 người.

Câu chuyện HO và hơn 200,000 người gồm tù nhân cải tạo và gia đình cùng con cái này đã tới được vùng đất hứa tự do, chắc chắn, họ đã mang theo một kho hành lý to lớn về những câu hỏi “với” như đã kể trên.

Câu chuyện bắt đầu từ ngày 30/4/1975, ngày mà những người tỵ nạn CS mang nó theo khi tha phương biệt xứ trong suốt 50 năm qua, họ đều muốn đi tìm câu trả lời cho những câu hỏi “với” ngày xưa.

Họ đã kể ra cho gia đình con cháu được nghe, họ đã kể ra cho bạn bè được biết và họ đã kể ra để chia sẻ với tất cả mọi người khác được hiểu, không phân biệt là bạn hay thù, người Việt Nam hay người ngoại quốc, người Việt ở hải ngoại hay đang còn ở trong nước.

Họ kể ra bất kể lúc nào họ muốn, không cần phải chờ đến ngày tưởng niệm 30/4, họ viết thư kể chuyện cho nhau, viết bài gửi tới truyền thông báo chí và gửi tới các mạng xã hội, viết sách, in truyện, lập chương trình ca hát tưởng niệm, dựng phim tả lại cuộc đời tù đầy và mẫu chuyện đày đọa trả thù, làm thơ kể chuyện, làm nhạc kể chuyện, hội thảo, hội ngộ, hội hè, xum họp để tưởng niệm và chia sẻ đau thương của quá khứ, của xuống đường biểu tình để ủng hộ và gìn giữ tình yêu quê hương xưa chống lại chủ nghĩa Cộng sản.

Cả trăm ngàn câu chuyện đó đã trở thành một kho truyện khổng lồ không biết kể tới chừng nào mới hết qua từ hàng trăm ngàn con người đã sống sót, ngoi lên từ cõi chết và từ nỗi tuyệt vọng.

Những câu chuyện không cần phải dài mà có thể là những mẩu chuyện ngắn. Câu chuyện hay mẩu chuyên ngắn không cần phải có liên hệ với nhau bởi mỗi người có thể đã phải sinh tồn hay sống sót trong mỗi hoàn cảnh và điều kiện khác nhau. Đôi khi, cùng hoàn cảnh nhưng điều kiện thì khác nhau, có khi rất tàn nhẫn, bi thảm hay chỉ thoáng qua, có khi không thể tưởng tượng được nhưng đã thực sự xẩy ra, có khi vết thương đã lành nhưng vẫn còn để lại vết sẹo sần sùi và đau nhức muôn đời.

Nhưng tất cả đều giống nhau ở một chủ đề và có một chương đầu về câu chuyện mất nước: quê hương đã mất.

Mỗi người sẽ có một câu chuyện riêng của mình nhưng nếu ghép tất cả những câu chuyên đó lại với nhau thì mọi người chắc chắn sẽ nhìn thấy và nhận ra một tấm hình chung của lịch sử và của đất nước.

Mảnh đất hình chữ S vẫn còn đó, người Việt Nam vẫn còn đó nhưng chế độ chính trị đã thay đổi 180 độ.

Lịch sử của chúng ta, nước VNCH, bắt đầu từ 1954 kéo dài cho tới 1975, chỉ tồn tại có 21 năm ngắn ngủi. 21 năm ngắn ngủi trong một lịch sử vừa xây dựng, vừa đào tạo, vừa giáo dục, vừa phát triển, vừa bảo vệ và vừa đánh giặc. Vào ngày 30/4/1975, khi quê hương đã bị cưỡng chiếm, tất cả những thứ vừa làm trong 21 năm này dù hoàn tất hay dở dang đều đã bị đập phá, đốt cháy và bị phá hủy.

Ai cũng nghĩ không còn gì có thể để lại cho mai sau.

Rồi làn sóng người vượt biển và vượt biên bắt đầu. Cả trăm, cả ngàn và cả triệu người đã trốn đi bằng mọi phương tiện với hai bàn tay trắng, một vài bộ quần áo cầm theo và một niềm hy vọng mỏng manh.

Có biết đâu rằng, dù lịch sử nước VNCH đã bị xóa bỏ bức tử từ ngày 30/4/1975 nhưng đó chỉ là sự đóng lại của một chương có tên là “quê hương đã mất.” Để từ đó, bắt đầu mở một chương thứ 2 gọi là “quê hương tìm lại,” một chương tiếp tục kế thừa của chương “quê hương đã mất.”

Ngồi đọc lại hai chương lịch sử này, thật là ngẫu nhiên, thật là thích thú và thật là hãnh diện vì cả hai chương đều có nhiều điểm tương đồng lạ lùng trong nhiều lãnh vực vừa xây dựng, đào tạo, giáo dục, phát triển, bảo vệ và chống cộng mặc dù phạm vi giới hạn không giống nhau.

Ngày xưa ở Việt Nam có một chính quyền có bộ này bộ kia, có kỹ sư bác sĩ nổi danh, có ca nhạc sĩ này nọ và văn thi họa sĩ tài hoa, có nhiều học sinh sinh viên rất giỏi, có thầy cô giáo sư nổi tiếng, có sĩ quan quân đội tài ba và dĩ nhiên, có bộ thông tin và chiêu hồi để chống chủ nghĩa CS.

Ngày nay ở Mỹ, cũng có những cộng đồng người Việt, hội ái hữu tỉnh này tỉnh nọ, trường này trường kia… ; có hàng trăm người Việt tham gia tổ chức chính quyền của Hoa Kỳ, từ nghị viên thành phố, dân biểu nghị sĩ tiểu bang lên tới liên bang, cao tới chức phụ tá bộ trưởng Hải Quân HK như Hung Cao, Tony Phạm, Cao Quang Ánh…; có phóng viên báo chí truyền hình nổi tiếng toàn quốc nhu Leyna Nguyen, Andy Ngo…; có hàng ngàn kỹ sư bác sĩ về toàn khoa và chuyên khoa nổi tiếng như Nguyễn Thanh Tùng, Nguyễn Hữu Xương, Nguyễn Thục Quyên…; cũng như luật sư Việt như Đào Ngọc Thụy, Nguyễn Hữu Thống, Lê Tất Hào..

Trong cộng đồng Người Việt trên đất Mỹ có rất đông ca nhạc sĩ nổi tiếng như Teresa Mai thắng giải Grammy Award, nhạc sĩ tây ban cầm mù Nguyễn Đức Đạt, tài tử Dustin Nguyễn…; có những sinh viên ưu tú được nhận vào các đại học nổi danh như Yale, Stanford, Harvard, MIT, Johns Hopkin, West Point như Lê Tường Vân, Ivy Phạm…; có hàng trăm các thầy cô dạy ở trung học và đại học Mỹ với bằng tiến sĩ, thạc sĩ như Trần Xuân Bách, Lê Hùng Việt Bảo, Trần Duy Trác…; có hàng trăm người Việt gia nhập quân đội Hoa Kỳ lên tới chức tướng, đề đốc, phó đề đốc như Lương Xuân Việt, Châu Lập Thể, Vũ Thế Thùy Anh, Nguyễn Từ Huấn…, phi công lái chiến đấu cơ F18 như Elizabeth Phạm, được tuyển vào đoàn phi hành gia không gian của NASA để thám hiểm vũ trụ như Trịnh Hữu Châu, Amanda Nguyen…

Amanda Nguyễn (bìa phải) – người phụ nữ gốc Việt đầu tiên bay vào vũ trụ. Hình Facebook Amanda Nguyen

Và dĩ nhiên, tất cả đều có mang trong tim một ý niệm tự do dân chủ và không chấp nhận chế độ CS.

Tên tuổi nói trên chỉ là con số rất nhỏ tượng trưng, chắc chừng 1, 2, 3% của tổng số thực sự người Mỹ gốc Việt nổi tiếng thành công trên đất Mỹ.

Về công pháp quốc tế, một quốc gia hình thành đòi hỏi phải có 3 điều kiện căn bản: một mảnh đất, một dân tộc, một chính quyền.

“Quê hương đã mất” có đầy đủ ba yếu tố này, nhưng “quê hương tìm lại” dù có mất hai yếu tố là mảnh đất và chính quyền nhưng yếu tố còn lại là “một dân tộc” quan trọng nhất, vẫn tồn tại và phát triển.

Đó chính là yếu tố căn bản và đã đủ để viết lên lịch sử, một lịch sử kế tục cho “quê hương đã mất.”

Ở “quê hương tìm lại” đã có một dân tộc, có cùng chung một lịch sử dựng nước và giữ nước, nói cùng một ngôn ngữ, sống chung một phong tục tập quán và tập trung lại thành một cộng đồng lớn để nương tựa, gìn giữ, sống còn và vươn lên với nhau.

So với các dân tộc cộng đồng thiểu số khác lớn và lâu dài như Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Ấn Độ… họ đã có một lịch sử rất dài trên đất Mỹ tới cả trăm năm hơn, cộng động người Việt Nam chỉ mới lập ra được chừng 50 năm nhưng đã tiến một bước rất xa trong “quê hương tìm lại” này, nhất là trong lãnh vực chính trị và quân đội khi so với các cộng đồng khác.

Cộng đồng người Việt ở Little Saigon vui đón Tết trên Phố Bolsa. Hình ĐT/SGN

Đó chính là nhờ ý chí vươn lên, ý chí học hỏi, ý chí chịu khó, kiên nhẫn và lòng hy sinh rất cao và mạnh mẽ của người Việt tỵ nạn CS.

Như thế, phải chăng lịch sử nước VNCH sau 3/4/1975, đã và đang được viết tiếp chứ không phải viết lại ở “quê hương tìm lại” này.

Lịch sử của quốc gia VNCH dù có chương mở đầu nhưng không bao giờ có chương kết thúc.

Nước VNCH đã bị xóa tên trên bản đồ thế giới nhưng ngọn cờ vàng vẫn còn phất phới bay mỗi khi 30/4 trở về không những ở trên đất Hoa Kỳ mà còn ở khắp nơi trên thế giới mà người cầm cờ vẫn luôn luôn có một nụ cười hãnh diện và hạnh phúc trên môi thay cho những giọt nước mắt rơi 50 năm trước đây.

Lịch sử nước VNCH kể từ năm 1954-1975 đã được 21 năm và qua ngày mất nước 1975-2025 tới nay, đã được 50 năm, cộng chung là 71 năm dài.

Một khi cờ vàng vẫn còn được bay phất phới, một khi câu hỏi “với” vẫn được tiếp tục đi tìm câu trả lời từ khắp nơi trên thế giới, một khi người sống vẫn còn sợ người chết thì làm sao bảo rằng lịch sử VNCH đã bị chấm dứt?

Tại sao vậy? Bởi vì trang sử của VNCH đang được viết tiếp mà không viết lại đấy bạn ạ, và chương thứ hai có tên là “Quê hương tìm lại.” (SGN)