Putin ca ngợi kế hoạch hòa bình của TQ cho xung đột Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi lộ trình hòa bình 12 điểm của Bắc Kinh đối với Ukraine, trong cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/3.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc đang có chuyến thăm 3 ngày tới Moscow, và cuộc hội đàm chính thức đã diễn ra hôm Thứ Ba tại Điện Kremlin.
“Chúng tôi tin rằng nhiều điều khoản trong kế hoạch hòa bình do Trung Quốc đưa ra phù hợp với lập trường của Nga và có thể được coi là nền tảng cho một giải pháp hòa bình khi phương Tây và Kiev sẵn sàng cho điều đó. Tuy nhiên, cho đến nay chúng tôi chưa quan sát thấy sự sẵn sàng như vậy từ phía họ”, ông Putin nói.
Đáp lại, Chủ tịch Trung Quốc cho biết Bắc Kinh tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về xung đột Ukraine và duy trì lập trường cân bằng. Ông Tập cũng nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và quay trở lại đàm phán để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.
“Chúng tôi luôn ủng hộ hòa bình và đối thoại, và chúng tôi kiên quyết đứng về phía lẽ phải của lịch sử”, ông Tập nói thêm.
Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh mối quan hệ đang phát triển giữa hai quốc gia, mà Tổng thống Nga mô tả là đã đạt đến “mức cao nhất chưa từng có”.
“Tôi mong muốn duy trì liên lạc chặt chẽ với Tổng thống Vladimir Putin dưới nhiều hình thức khác nhau để đóng góp vào sự phát triển năng động và lâu dài của quan hệ Trung Quốc – Nga”, ông Tập nói.
Cũng tại cuộc hội đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết: “Nhờ những nỗ lực chung của chúng ta, quan hệ Nga – Trung đã cho thấy động lực phát triển lành mạnh và ổn định. Sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị đang ngày càng sâu sắc giữa hai nước chúng ta và lợi ích chung đang tăng lên gấp bội.”
Đáp lại, Tổng thống Nga Putin tiết lộ ông đã có cơ hội thảo luận với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về nhiều vấn đề song phương và quốc tế hiện nay.
Phái đoàn Nga tham gia cuộc hội đàm có Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Dmitry Medvedev, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov, các trợ lý tổng thống Maxim Oreshkin và Yury Ushakov, Đại sứ Nga tại Trung Quốc Igor Morgulov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergey Shoigu, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Elvira Nabiullina, Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật – Quân sự Dmitry Shugayev và Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng Roscosmos Yury Borisov.
Sau các cuộc hội đàm kín và mở rộng, Nga và Trung Quốc đã ký kết 14 tài liệu, bao gồm cả hai tuyên bố chung của các lãnh đạo, nghị định thư về tăng cường hợp tác trong nghiên cứu khoa học cơ bản, chương trình hợp tác xây dựng lò phản ứng hạt nhân, thỏa thuận hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình chung, cũng như nhiều biên bản ghi nhớ trong các lĩnh vực khác nhau.
Chương trình làm việc kết thúc bằng một bữa tiệc tại Điện Kremlin.
Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin. Ông Tập mời Thủ tướng Nga thăm Trung Quốc và ông Mishustin nhận lời. Theo ông Tập, cần nối lại cơ chế gặp gỡ thường xuyên giữa người đứng đầu chính phủ hai nước.
TUYÊN BỐ CHUNG: Ưu tiên hợp tác kinh tế
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 21/3 ký Tuyên bố chung của Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc về kế hoạch phát triển các ưu tiên trong hợp tác kinh tế Trung Quốc-Nga trước năm 2030.
Trong tuyên bố, hai bên nhất trí kiên quyết duy trì các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện sự phát triển độc lập lâu dài của hai nước, đẩy mạnh sự phát triển chất lượng cao của hợp tác kinh tế và thương mại Trung Quốc-Nga, duy trì đà tăng trưởng nhanh của thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương, cam kết tăng đáng kể kim ngạch thương mại vào năm 2030.
Hai bên cam kết triển khai hợp tác kinh tế trên nhiều hướng chính, bao gồm mở rộng quy mô thương mại, tối ưu hóa cơ cấu thương mại, phát triển thương mại điện tử và các phương thức hợp tác sáng tạo khác.
Hai bên cũng cam kết cải thiện hợp tác tài chính, tăng đều tỷ trọng thanh toán bằng đồng nội tệ trong thương mại song phương, đầu tư, cho vay và các giao dịch kinh tế – thương mại khác.
Nga và Trung Quốc sẽ củng cố quan hệ đối tác năng lượng toàn diện và tăng cường hợp tác lâu dài trong các lĩnh vực năng lượng then chốt.
Hai nước kêu gọi thúc đẩy trao đổi và hợp tác chất lượng cao về công nghệ và đổi mới để bảo đảm sự phát triển công nghệ ở trình độ cao.
Bên cạnh việc nâng cấp hợp tác công nghiệp, hai bên cũng cam kết tăng cường hợp tác nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực của hai nước. (T/H, TPO)