Phát hiện tế bào miễn dịch mới giúp chống lại bệnh ung thư
Một nghiên cứu quốc tế được đăng trên tạp chí Nature ngày 18/8 công bố phát hiện ra một nhóm tế bào miễn dịch mới mà họ tin rằng rất quan trọng trong việc giúp cơ thể chống lại các bệnh do virus gây ra và ung thư.
Phát hiện này đưa ra lời giải thích tại sao liệu pháp miễn dịch không thành công ở một số người bệnh, và có thể giúp phát triển các liệu pháp mới hiệu quả hơn trong việc điều trị bệnh ung thư và những bệnh do virus gây ra như viêm gan hay làm suy giảm miễn dịch ở người (HIV).
Giáo sư Axel Kallies, chuyên ngành miễn dịch học đến từ Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty của Australia tại Đại học Melbourne, cho biết những căn bệnh nguy hiểm này có thể gây ra tình trạng “cạn kiệt miễn dịch” ảnh hưởng đến một loại tế bào miễn dịch được gọi là tế bào T.
Trong các nghiên cứu trước đây, nhóm của ông đã chỉ ra rằng một số loại tế bào T có thể sống sót sau khi cơ thể con người mắc bệnh. Nghiên cứu mới nhất được thực hiện với sự hợp tác của các nhà khoa học từ Đại học Kỹ thuật Munich (TUM) của Đức, đã xác định chính xác quần thể tế bào T giúp duy trì phản ứng miễn dịch lâu dài của cơ thể.
Tác giả đầu tiên của nghiên cứu, Tiến sĩ Lorenz Kretschmer, từ TUM, cho biết: “Những tế bào này giống như “suối nguồn tuổi trẻ” cho khả năng miễn dịch của tế bào T, cho phép các tế bào T kiệt quệ tự tái tạo và duy trì chức năng”.
Nhóm nghiên cứu cũng đã xác định được yếu tố quan trọng giúp các tế bào này phát triển. Kallies cho biết: “Chúng tôi đã phát hiện ra một yếu tố phiên mã đặc biệt, được gọi là Myb, kiểm soát sự phát triển và chức năng của các tế bào này”.
Ông nói: “Nếu không có yếu tố này, quần thể tế bào này sẽ không hình thành và các tế bào T miễn dịch với bệnh nhiễm trùng mãn tính sẽ không thể duy trì được. Về cơ bản, nếu không có yếu tố phiên mã này, liệu pháp miễn dịch sẽ thất bại.”
Các nhà nghiên cứu hiện đang tìm cách sử dụng các tế bào có khả năng phục hồi này với mục tiêu tạo ra các liệu pháp điều trị tốt hơn.
Kallies cho biết: “Hiện tại, liệu pháp miễn dịch chỉ thành công trong một số bệnh ung thư và chỉ có tác dụng với một số bệnh nhân. Chúng tôi hy vọng rằng những hiểu biết về cơ chế tăng sinh tế bào T có thể dẫn đến việc phát triển các liệu pháp miễn dịch nhắm mục tiêu cải thiện kết quả điều trị các căn bệnh ung thư và do virus gây ra”. (T/H, THHN)