Papua New Guinea tìm kiếm thỏa thuận an ninh với Úc
Việc Trung Quốc ngày càng bành trướng trong khu vực Nam Thái Bình Dương là nguyên nhân chính khiến Papua New Guinea (PNG) muốn thiết lập một hiệp ước an ninh với Úc.
Hôm 29/08, Ngoại trưởng Papua New Guinea Justin Tkatchenko nói với Tập đoàn Phát thanh Truyền hình Úc (ABC) rằng quốc gia của ông đang tìm cách đàm phán một hiệp ước an ninh với Úc và có khả năng là New Zealand.
Ông Tkatchenko nói rằng ông đã thảo luận về ý tưởng này với Ngoại trưởng Úc Penny Wong trong chuyến thăm của bà tới Port Moresby hôm 29/08 và 30/08. Ông báo hiệu rằng cả hai chính phủ đều sẵn sàng tiến tới các cuộc đàm phán xung quanh một hiệp ước an ninh.
“Đã có những cuộc thảo luận về một hiệp ước đang diễn ra giữa các quốc gia của chúng tôi để bảo đảm rằng tất cả chúng tôi đều có cùng quan điểm khi nói đến an ninh trong khu vực,” ông Tkatchenko nói với ABC. “Và nó cũng sẽ khiến chúng ta kết nối với nhau trong tất cả các phương diện của bất kỳ điều gì có thể phát sinh trong hiện tại hoặc trong tương lai.”
Úc và Papua New Guinea đã có mối liên hệ an ninh chặt chẽ và cũng có tham gia vào các cuộc xung đột cùng với nhau. Tuy nhiên, hai quốc gia chưa bao giờ ký hiệp ước an ninh chính thức.
Hiệp ước này có khả năng bao gồm cả New Zealand
Ông Tkatchenko cho biết Papua New Guinea cũng muốn chứng kiến sự bao phủ của thỏa thuận này đối với các khía cạnh an ninh của khu vực và có khả năng mở rộng sang cả New Zealand.
“Tôi có thể nói rằng New Zealand sẽ là một phần quan trọng của hiệp ước, cũng như trong khu vực của chúng tôi. Đó sẽ là một hiệp ước hợp tác chung về an ninh,” ông nói với ABC. “Một hiệp ước giữa các đối tác truyền thống của chúng tôi trong khu vực sẽ chỉ giúp mang lại an ninh cho tất cả các quốc gia.”
Ngoại trưởng Papua New Guinea cũng nhấn mạnh rằng liên minh này vẫn còn trong giai đoạn manh nhai, trong đó Úc và Papua New Guinea mới chỉ đưa ra ý tưởng trên bàn đàm phán. Ông cho biết cả hai quốc gia đã lên kế hoạch thảo luận chi tiết hơn về đề xướng này tại Diễn đàn Bộ trưởng Papua New Guinea-Úc sắp tới, sẽ được tổ chức tại Canberra vào tháng Mười Một.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Úc Penny Wong nói với ABC rằng mặc dù mới chỉ có “các cuộc thảo luận rất, rất sơ khởi” về ý tưởng này. Bà lưu ý rằng mọi người không nên ngạc nhiên về việc cả hai quốc gia đều mong muốn tiếp tục hợp tác an ninh với nhau khi cân nhắc về mối liên hệ quốc phòng lâu dài.
PNG là một đồng minh vô cùng quan trọng
Tại một cuộc họp báo chung với ông Tkatchenko, bà Wong nói rằng Papua New Guinea là một đồng minh vô cùng quan trọng đối với Úc.
Bà cho biết, “Chúng tôi cùng chia sẻ lịch sử. Chúng tôi cùng chia sẻ các giá trị. Chúng tôi chia sẻ mối bang giao, chúng tôi chung sống trong cùng một khu vực, và tương lai của chúng tôi ràng buộc lẫn nhau. Quý vị không chỉ thấy điều đó khi nhìn vào hôm nay, mà còn thấy khi nhìn vào quá khứ, cho dù đó là hàng ngàn năm trước, chúng tôi đã được kết nối với nhau bằng đất liền. Chúng tôi cũng đã có hoạt động giao thương giữa quốc gia của của chúng tôi với những người Thổ dân Úc trong hàng ngàn năm qua.”
“Và chúng tôi, ngày hôm nay, không chỉ là một đối tác vững chắc mà còn là một đối tác tìm cách hợp tác với quý vị khi quốc gia của quý vị vạch ra con đường hướng tới thịnh vượng hơn và an ninh hơn.”
Cuộc thảo luận xung quanh một hiệp ước an ninh diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng trong khu vực, khi Trung Quốc tìm cách tạo dựng vị thế ở Thái Bình Dương, vốn đang tạo thành những căng thẳng trong cộng đồng Thái Bình Dương.
Điều này đã khiến các tổ chức khu vực như Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương bị chia rẽ và chứng kiến căng thẳng trong nước ở các quốc gia như Quần đảo Solomon.
Hoa Kỳ đang tìm kiếm mối liên hệ chặt chẽ hơn về an ninh với PNG
Cuộc thảo luận về liên minh an ninh giữa Papua New Guinea và Úc diễn ra khi các nhà lãnh đạo Thái Bình Dương tới Hoa Kỳ để gặp Tổng thống Joe Biden tại Tòa Bạch Ốc vào tháng Chín này.
Hoa Kỳ hiện đang tìm cách tăng cường liên hệ an ninh với Papua New Guinea trong bối cảnh thỏa thuận mới được ký kết giữa Bắc Kinh và Quần đảo Solomon mang đến hệ quả là có thể cho phép quân đội và vũ khí Trung Quốc đóng quân trong khu vực.
Ông Daniel Kritenbrink, trợ lý ngoại trưởng đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, hồi tháng Tư cho biết rằng các cuộc thảo luận chi tiết hơn với Thủ tướng James Marape của Papua New Guinea sẽ được tổ chức trong những tháng tới, theo Reuters. (T/H, NTD)