Ông Võ Văn Thưởng làm Chủ tịch nước vào lúc Đảng đẩy mạnh chống tham nhũng
Trong phiên họp bất thường ngày Thứ Năm 02/03/2023, Quốc Hội Việt Nam đã chính thức bầu ông Võ Văn Thưởng làm tân chủ tịch nước, theo quyết định của ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam. Việc bầu lãnh đạo mới của nhà nước diễn ra trong bối cảnh Đảng đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, với đỉnh điểm là vụ ông Nguyễn Xuân Phúc buộc phải từ chức chủ tịch nước sau chưa đầy 2 năm tại vị, điều chưa từng có trong lịch sử chế độ Cộng sản Việt Nam.
Theo báo chí trong nước, ông Võ Văn Thưởng, ứng cử viên duy nhất vào chức vụ này, đã nhận được 487 phiếu thuận trên tổng số 488 phiếu bầu của Quốc Hội Việt Nam. Trong bài diễn văn nhậm chức, tân chủ tịch nước cam kết ‘‘kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực’’.
Theo hãng tin Pháp AFP, xã hội Việt Nam, ‘‘do đảng Cộng Sản kiểm soát với bàn tay sắt, đang trải qua một giai đoạn biến động mạnh trong hậu trường hệ thống quyền lực, thể hiện rõ qua việc nhiều quan chức cao cấp phải từ chức do bị nghi dính líu đến các bê bối liên quan đến việc xử lý đại dịch’’.
Chủ tịch nước tiền nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, vừa từ chức hồi tháng 1/2023, từng đảm nhiệm chức thủ tướng vào thời điểm đại dịch Covid-19 đang hồi nghiêm trọng. Ít nhất một trăm quan chức cao cấp, lãnh đạo doanh nghiệp, trong đó có bộ trưởng Y Tế và chủ tịch thủ đô Hà Nội, bị bắt giam trong những tháng gần đây, liên quan đến vụ án nâng giá xét nghiệm Covid-19 của công ty Việt Á. Bên cạnh đó, khoảng 40 quan chức, đa số là các quan chức ngành ngoại giao và cảnh sát, bị bắt trong khuôn khổ một cuộc điều tra về các chuyến bay ‘‘giải cứu’’ công dân Việt Nam ở nước ngoài trong thời gian đại dịch.
Chiến dịch ‘‘chống tham nhũng’’ do tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thúc đẩy, trong 10 năm vừa qua đã trừng phạt hơn 7,300 quan chức của Đảng, trong tổng số khoảng 168,000 đảng viên bị kỷ luật. Đối với chuyên gia về chính trị Việt Nam Benoit de Tréglodé, giám đốc nghiên cứu Viện nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM), mục tiêu của chiến dịch ‘‘chống tham nhũng’’ là nhằm ‘‘khẳng định với người dân là Đảng trừng phạt những kẻ xấu’’ và là cách để tổng bí thư Đảng ‘‘duy trì quyền thống trị trong một bộ máy quyền lực đang bị hư hại do các đấu đá phe phái và tham nhũng’’.
Nhà nghiên cứu Jonathan London, một chuyên gia về Việt Nam, làm việc tại Hà Lan, nhận định việc đưa ông Võ Văn Thưởng vào vị trí chủ tịch nước, tức vị trí lãnh đạo số hai trong hệ thống chính trị Việt Nam, là một ‘‘nước cờ mới’’ của Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo có thế lực nhất tại Việt Nam, nhằm khẳng định vai trò của Đảng ‘‘trong hiện tại và tương lai’’.
Được coi là một nhân vật thân cận với tổng bí thư Đảng, ông Võ Văn Thưởng hiện nắm chức thường trực Ban Bí Thư và là phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực thuộc Bộ Chính Trị, tức cơ quan quyền lực tối cao tại Việt Nam.
Theo AFP, việc trở thành chủ tịch nước có thể là bước đệm cho ông Thưởng –52 tuổi, ủy viên trẻ nhất của Bộ Chính Trị – kế nhiệm tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại Hội Đảng năm 2026, khi ông Trọng sẽ 81 tuổi. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Jonathan London tỏ ra dè dặt về triển vọng này, ghi nhận ông Thưởng ‘‘không có đủ hậu thuẫn’’ trong Đảng, và cũng không loại trừ khả năng tân chủ tịch nước chỉ là nhân vật của ‘‘giai đoạn chuyển tiếp’’.
Về phần mình, nhà nghiên cứu Pháp Benoît de Tréglodé nhấn mạnh là việc ông Võ Văn Thưởng được cử làm chủ tịch nước không phải là tín hiệu cho một ‘‘bước ngoặt thay đổi’’, bởi nhân vật này vẫn được coi là một ‘‘thành phần thuộc giới chóp bu của chế độ’’. (T/H, RFI)