Monday, December 23, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nữ sinh viên gốc Việt được học bổng $90,000 viết về Phật Giáo trong chiến tranh Việt Nam

NEW YORK CITY, New York – Một nữ sinh gốc Việt vượt qua 2,000 ứng viên và nằm trong danh sách 30 sinh viên được nhận học bổng Paul & Daisy Soros trị giá $90,000 dành cho sinh viên cao học thuộc các gia đình di dân.

Nữ sinh đó là cô Andrienne Minh-Châu Lê, đang học tiến sĩ ngành lịch sử tại Đại Học Columbia lừng danh ở New York. Qua học bổng này, cô sẽ nhận được $90,000 hỗ trợ hai năm nghiên cứu để tìm hiểu về Phật Giáo trong chiến tranh Việt Nam.

Học bổng này do ông bà Paul và Daisy Soros, người Hungary di dân đến Hoa Kỳ, thành lập vào Tháng Mười Hai, 1998. Hai vợ chồng này muốn giúp đỡ con cháu của di dân trên con đường học vấn và cho rằng đó là cách để họ trả ơn cho nước Mỹ, nơi đã cho họ nhiều cơ hội.

Mỗi năm có hơn 2,000 người ghi danh và chỉ có 30 người được chọn và nữ sinh gốc Việt này là một trong những người đó.

Andrienne Minh-Châu Lê sinh ra tại khu ngoại ô của thành phố Raleigh thuộc tiểu bang North Carolina và sống trong cộng đồng Việt Nam nhỏ ở đó. Sinh viên 28 tuổi này cho biết tên Việt Nam là Minh-Châu, còn tên tiếng Anh để đi làm với người Mỹ là Andrienne.

“Bố mẹ tôi là người tị nạn chiến tranh Việt Nam. Bố được đi máy bay qua Mỹ sau chiến tranh, còn mẹ tôi thì qua vào năm 1979 và hai người gặp nhau ở đây,” cô nói với phóng viên Người Việt.

Cô là cháu nội của cố Dân Biểu VNCH Lê Đình Duyên, từng đại diện tỉnh Quảng Nam trước năm 1975.

Cô kể rất thích đọc sách, viết văn từ lúc còn nhỏ. Cô biết cha mẹ là người Việt Nam, nhưng họ ít khi nào kể về quá khứ của mình. Khi vào trung học, cô bắt đầu thắc mắc về lịch sử và thường kêu họ kể chuyện ngày xưa. Càng nghe, cô càng muốn biết nhiều hơn và quyết định theo ngành lịch sử.

“Tôi thích lịch sử vì ngành này bắt người học phải suy nghĩ nhiều, phải tự hỏi tại sao thế giới chung quanh ta có ngày hôm nay và phải thắc mắc về quá khứ. Không chỉ vậy, người học phải nhìn về những gì đã xảy ra để hiểu biết xã hội ngày nay, cũng như nhìn về tương lai rõ hơn. Lịch sử còn giúp chúng ta hiểu hiện tại nhiều hơn và giúp chúng ta suy nghĩ những cách giúp xã hội thăng tiến,” cô chia sẻ.

Như nhiều gia đình gốc Á Châu khác, cha mẹ cô Minh-Châu ban đầu muốn con mình vào các ngành khoa học và không muốn cô theo ngành lịch sử.

Cô nói: “Bố mẹ tôi qua Mỹ và học thành kỹ sư điện toán. Họ muốn tôi vào y khoa, nhưng tôi nói với họ mình rất thích viết và thường đặt nhiều câu hỏi về xã hội. Dần dần, họ thấy được nỗ lực của tôi và nghĩ tôi có thể thành công trong ngành lịch sử.”

Nữ sinh này còn cho hay trong nhà có tổng cộng ba anh em, nhưng không ai theo khoa học cả, mà cả ba người đều học các ngành xã hội nhân văn.

Trong nhiều năm, cô chứng tỏ để cha mẹ thấy rằng mình rất chịu khó học hành và có thể thành công trong ngành mình chọn. Cô cố gắng đến mức được nhận vào Đại Học Yale lừng danh ở New Haven, Connecticut, và điều đó hoàn toàn thuyết phục được cha mẹ.

Cô cho biết: “Tôi nghĩ đó là ngày vui nhất trong đời của bố mẹ. Họ biết tôi lúc nào cũng chăm học, nhưng không hề nghĩ tôi có thể vào được Yale, một trong những đại học giỏi nhất thế giới.”

Trong lúc học ở Yale, cô vào thư viện để tìm tư liệu và phát hiện một số tờ báo phụ nữ của Việt Nam trong thời Pháp thuộc vào thập niên 1920. Vì vậy, cô quyết định việt luận án cử nhân về cách định hình của phụ nữ Việt Nam trong thời Pháp thuộc, cái nhìn của họ về lòng yêu nước, nữ tính, đạo đức và những thay đổi trong xã hội ra sao.

Không chỉ vậy, luận án cử nhân của Minh-Châu còn nói về sự đóng góp của phụ nữ Việt Nam trong việc cải tiến xã hội trong thập niên 1920. Lúc đó, nhiều phụ nữ Việt Nam được dạy đọc và dạy viết chữ quốc ngữ. Nhờ vậy, họ bắt đầu viết báo, có nhiều suy nghĩ mới mẻ, có thể mua sắm nhiều thứ và góp phần thay đổi xã hội.

Nhờ đề tài mới lạ này, cô Minh-Châu nhận được giải thưởng Andrew D. White từ khoa lịch sử của Yale.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân vào năm 2014, cô làm nhà vận động và chuyên gia tư vấn bất vụ lợi bốn năm ở New York. Cô làm việc với nhiều tổ chức về các vấn đề xã hội như giúp đỡ người tị nạn, bảo vệ quyền phụ nữ, quyền công dân và cải cách luật lệ liên quan đến súng.

Đến năm 2019, cô được nhận vào Đại Học Columbia ở New York để học tiến sĩ và được nhận học bổng Paul & Daisy Soros của năm 2020.

Cô chia sẻ cảm xúc khi nghe tin vui: “Lúc đó, tôi đang đi ăn trưa thì nghe tin qua điện thoại và nói không lên lời. Đây là một học bổng rất lớn, sẽ hỗ trợ chi phí nghiên cứu cho tôi trong hai năm và giúp tôi làm được những điều mình muốn để viết luận án tiến sĩ.”

Về luận án tiến sĩ, cô Minh-Châu nói cô muốn viết về xã hội của miền Nam Việt Nam trong thời chiến tranh.

“Theo như tôi biết, các sách về lịch sử của miền Nam thường nói về tình hình chính trị hay quân sự, nhưng tôi muốn viết về người dân và suy nghĩ của họ trong thời điểm đó. Một trong những điều mà tôi muốn tìm hiểu là phong trào chống chiến tranh của Phật Giáo Việt Nam lúc đó. Ngoài bức ảnh Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu, chúng ta chưa biết nhiều về các hòa thượng hay Phật tử của thời đó và chuyện họ kêu gọi chấm dứt chiến tranh trong hòa bình,” cô nói.

Phật Giáo là một phần quan trọng đối với cô Minh-Châu và gia đình. Cô kể mình đi chùa Việt Nam ở Raleigh vào mỗi Chủ Nhật với cha mẹ từ lúc còn nhỏ. Nhờ học Phật Giáo, cô tiếp thu được văn hóa Việt Nam, hiểu được bản thân mình rõ hơn. Điều đó làm cô muốn viết lịch sử chỉ nói về sự thật và hoàn toàn trung lập.

Nhờ học bổng Paul & Daisy Soros, cô đang có dự định về Việt Nam để tìm hiểu về Phật Giáo và phỏng vấn những người từng tham gia phong trào chống chiến tranh. Cô cho biết sẽ bỏ nhiều thời gian để nghiên cứu tại các thư viện chính phủ, cũng như thư viện của các chùa ở Sài Gòn và Huế.

Minh-Châu cho biết cô đang học tiến sĩ năm thứ hai và hy vọng sẽ “biến” luận án của mình thành một quyển sách sau khi tốt nghiệp vào năm 2025.

Ngoài ra, cô hiện là thành viên Hội Đồng Quản Trị Làng Mai, do Thiền Sư Thích Nhất Hạnh sáng lập.

(Thiện Lê/NV)