Monday, November 25, 2024

Nhân Quyền

The Vietnamese Newspaper

Nữ nhân viên gốc Việt kiện Amazon, được bồi thường hơn $2 triệu phí luật sư


LOS ANGELES, California – Một nữ nhân viên gốc Việt, từng được bồi thường hơn $300,000 sau khi bồi thẩm đoàn nhận thấy cô bị phân biệt đối xử ở Amazon, nay được bồi thường hơn $2 triệu phí luật sư, theo nhật báo The Orange County Register hôm Thứ Bảy, 9 Tháng Tư.

Cô Thu Nguyệt Thị “Nicki” Trần từng làm viêc trong ban nhân sự cửa hàng Amazon Fresh ở Vernon, California. Hình AFP/Getty

Hôm Thứ Sáu, ông Michael Linfield, chánh án Tòa Thượng Thẩm Los Angeles, ra lệnh Amazon bồi thường $2.47 triệu cho cô Thu Nguyệt Thị “Nicki” Trần, 34 tuổi, cư dân Santa Ana.

Ngày 21 Tháng Mười năm ngoái, bồi thẩm đoàn buộc công ty này bồi thường khoảng $309,500 cho cô Thu Nguyệt sau khi tòa kết luận cô bị sa thải sai luật, bị trả đũa, không được hỗ trợ, và bị vi phạm Đạo Luật Quyền Gia Đình California.

Luật sư cô Thu Nguyệt đòi $3.46 triệu phí luật sư. Trong hồ sơ nộp cho tòa, luật sư Amazon khẳng định cô Thu Nguyệt chỉ xứng đáng được bồi thường dưới $630,000.

Trước tòa, cô Thu Nguyệt khai rằng hai người cấp trên của cô là ông Adam Kozinn và bà Kuldip Sandhu tại cửa hàng Amazon Fresh ở Vernon chấp thuận khi cô yêu cầu hỗ trợ để chống lại chứng buồn nôn và cả hai người này đều không chấp thuận khi cô yêu cầu được huấn luyện thêm để làm việc tốt hơn.

Cô Thu Nguyệt, đang mang thai đứa thứ ba, cho hay cô không muốn khiếu nại với cấp cao hơn ông Kozinn và bà Sandhu.

“Tôi không muốn suốt ngày khiếu nại,” cô nói. “Tôi có việc làm và tôi muốn giữ việc làm.”

Trong giấy tờ nộp cho tòa, luật sư Amazon cho hay, ba tháng sau khi vào làm nhân viên nhân sự (human resources) ở cửa hàng đó, cô Thu Nguyệt “không đi làm ít nhất 20 ngày trong sáu tháng mà không nghỉ phép, không được cho phép nghỉ, và thường là không báo cho sếp hay đồng nghiệp biết cô sẽ vắng mặt.”

Khi được thông báo công ty sẽ điều tra hành vi của cô, cô Thu Nguyệt ban đầu yêu cầu công ty sa thải cô, nhưng sau đó không chấp nhận bị sa thải, không trở lại làm việc và làm đơn kiện hồi Tháng Ba, 2018, theo hồ sơ mà luật sư Amazon nộp cho tòa.

Tuy nhiên, cô Thu Nguyệt cho biết cô bị sa thải Tháng Chín, 2017, chỉ vài ngày trước khi cô xin nghỉ phép sinh con. Cô cho hay cô cảm thấy khó lái xe từ Orange County đi Vernon mỗi ngày vì cô bị buồn nôn nhiều đến mức muốn nôn mửa trên xe. Cô cũng cho biết cô đau lưng do ngồi xe nhiều và lưng ngày càng đau khi thai kỳ ở ba tháng giữa.

Cô cho hay ông Kozinn ban đầu chấp thuận cho cô làm việc ở nhà. Cô cũng cho biết Amazon có hệ thống liên lạc giúp cô dễ dàng liên lạc với nhân viên và giúp đỡ họ từ xa.

Nhưng sau sáu tháng nghỉ phép, bà Sandhu trở lại làm việc và tỏ ra không hài lòng về chuyện cô Thu Nguyệt mang thai, chế giễu việc cô than phiền buồn nôn, đề nghị cô đi tập yoga và nói, “Cứ tích cực đi là cô sẽ ổn thôi,” theo cô Thu Nguyệt.

Bà Sandhu cũng trở nên không hài lòng việc cô Thu Nguyệt đi khám bệnh thường xuyên, cô cho hay. Ông Kozinn cũng thay đổi thái độ và dường như không sẵn lòng huấn luyệt cô Thu Nguyệt để cô cải thiện mối quan hệ làm việc với bà Sandu, cô cho biết.

Ông Kozinn thông báo với cô Thu Nguyệt cô sẽ không được thăng chức, và thắc mắc số ngày nghỉ phép sinh con mà cô yêu cầu là hợp pháp hay không, theo cô Thu Nguyệt.

Trước khi phiên tòa diễn ra, cô Thu Nguyệt quyết định không kiện cá nhân bà Sandu và ông Kozinn.

Là người Việt di cư, cô Thu Nguyệt cho biết gia đình cô từng chờ hơn một chục năm mới được bà con bảo lãnh sang Mỹ. Cô nói cô hài lòng với quê hương mới vì ở Việt Nam ít việc làm, nhất là cho phụ nữ. (T/H, N/V)